Nguy cơ xung đột Nga - Israel tại Syria vì 'rồng lửa' S-300

Nguy cơ xung đột Nga - Israel tại Syria vì 'rồng lửa' S-300
Nếu Israel tấn công trận địa S-300 Syria và gây thương vong cho lính Nga, xung đột quân sự có thể bùng nổ và vượt tầm kiểm soát.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 24/9 cho biết quân đội nước này sẽ bàn giao các hệ thống phòng không tầm xa S-300 cho Syria, cũng như triển khai các hệ thống gây nhiễu radar và định vị vệ tinh để phản ứng với vai trò của Israel trong vụ trinh sát cơ Il-20 bị bắn hạ.

Sự hiện diện của tổ hợp S-300 trong biên chế phòng không Syria được coi là mối đe dọa lớn đối với tiêm kích Israel hoạt động ở quốc gia này, buộc Tel Aviv phải có biện pháp đối phó. Trong trường hợp bị đe dọa, phi công Israel có thể tấn công trận địa tên lửa S-300 và châm ngòi cho nguy cơ nổ ra xung đột trực tiếp với Nga, theo Business Insider.

Chuyên gia Nikolai Sokov tại Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury của Mỹ cho rằng trong những tháng đầu tiên sau khi chuyển giao S-300 cho Syria, các quân nhân Nga sẽ thường xuyên hiện diện tại trận địa để huấn luyện, hướng dẫn vận hành cho lính phòng không Syria. Lực lượng phòng không Syria cũng sẽ mất nhiều thời gian để làm chủ được loại khí tài phức tạp này.

Các tổ hợp S-300 được Nga bàn giao cho Syria nhiều khả năng sẽ được lắp đặt hệ thống nhận diện địch - ta (IFF) để ngăn sự cố bắn hạ Il-20 tái diễn. Mã IFF rất quan trọng trong việc nhận diện máy bay Nga, nhưng sẽ là thảm họa nếu phòng không Syria để nó lọt vào tay quân đội Israel hay NATO, khiến đối phương có thể đánh lừa toàn bộ hệ thống phòng không Nga.

Bởi vậy, Sokov tin rằng Nga sẽ duy trì mức độ kiểm soát cao đối với các hệ thống phòng không S-300 mà họ triển khai ở Syria, thậm chí là cử người vận hành trực tiếp. Điều này dẫn đến nguy cơ thương vong đối với binh sĩ Nga nếu Israel quyết định phóng tên lửa tiêu diệt các trận địa S-300 Syria.

Không quân Israel từng tham gia tập trận Blue Flag 2017, nơi tiêm kích F-16I của họ đối đấu với hệ thống phòng không S-300PMU-1 của Hy Lạp. Giới phân tích quân sự tin rằng cuộc tập trận này đã giúp Israel tích lũy đủ kinh nghiệm để đối phó với S-300.

Các chỉ huy quân đội Israel tuyên bố nước này sẽ không ngừng hoạt động không kích nhắm vào dân quân thân Iran trên lãnh thổ Syria, ngay cả khi Moskva chuyển giao các hệ thống tên lửa S-300 cho Damascus.

Trong tình hình đó, cuộc đối đầu giữa không quân Israel và phòng không Syria được trang bị S-300 sẽ trở nên khốc liệt hơn rất nhiều, khi cả hai bên đều tìm mọi chiến thuật để tìm ra điểm yếu và khắc chế lẫn nhau.

Trong trường hợp phi công Israel khai hỏa tên lửa nhắm vào trận địa S-300 là khiến các sĩ quan Nga có mặt tại đó thiệt mạng, căng thẳng sẽ lập tức leo thang.

"Khi Israel làm binh sĩ Syria thiệt mạng, quân đội Syria sẽ phản ứng và đáp trả bằng cách phóng lên một số tên lửa, nhưng không đủ sức đe dọa tới Tel Aviv", Sokov nhận định. "Nhưng nếu Israel làm lính Nga thiệt mạng, hải quân và không quân Nga hiện diện trong khu vực có thể được huy động rất nhanh chóng để đáp trả".

Khi đó, đòn phản công của Nga có thể đối mặt với các hệ thống phòng không cũng phức tạp và hiện đại không kém của Israel. Mỹ và NATO nhiều khả năng cũng sẽ can thiệp để bảo vệ đồng minh Israel, biến tình hình xung đột vượt tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây là kịch bản gần như không thể xảy ra, bởi Nga và Israel đều luôn hiểu rõ hậu quả thảm họa của một cuộc xung đột quân sự trực diện. Bởi vậy, Tel Aviv sẽ hết sức thận trọng khi tiến hành các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria trong tương lai, trong khi Nga cũng sẽ khai thác tối đa cơ chế phối hợp giữa hai nước để tránh các sự cố bất ngờ trên chiến trường Syria.

"Việc bàn giao S-300 cho Syria giúp Nga kiềm chế Israel và đối phó các đợt không kích tiềm tàng của Mỹ. Tel Aviv cũng phải suy nghĩ kỹ trước khi tấn công các tổ hợp phòng không của Damascus, nơi có sự hiện diện của quân nhân Nga, nhằm tránh gây ra xung đột với Moskva", chuyên gia Sokov nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG