Nguy cơ suy thoái tộc người Chứt vì hôn nhân cận huyết

Cậu bé Hồ Kiểng (9 tuổi, thứ ba từ phải sang) chỉ vào ngực mình cho biết đó là vết mổ tim mới được thực hiện cách đây vài tháng. Theo cán bộ xã Hương Liên thì bố mẹ Kiểng là anh em họ hàng. Ảnh: Đức Hùng
Cậu bé Hồ Kiểng (9 tuổi, thứ ba từ phải sang) chỉ vào ngực mình cho biết đó là vết mổ tim mới được thực hiện cách đây vài tháng. Theo cán bộ xã Hương Liên thì bố mẹ Kiểng là anh em họ hàng. Ảnh: Đức Hùng
Ở đồng bào dân tộc Chứt (Hương Khê, Hà Tĩnh) đang xảy ra tình trạng anh em con chú con bác lấy nhau. Hệ quả là nhiều đứa trẻ sinh ra hoặc là mất sớm, hoặc bị dị tật.

Vào năm 1991, trong lúc tuần tra biên giới, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện khoảng 20 người Chứt sống trong hang động ở trên dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt - Lào nên đã đưa về xây nhà, lập bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Tộc người này được gọi chung là họ Hồ, tới nay đã có 37 hộ gia đình với 138 nhân khẩu.

Nguy cơ suy thoái tộc người Chứt vì hôn nhân cận huyết ảnh 1

Chị Hồ Thị Sâm hiện có 3 người con, trong đó bé gái Huyền Trang (4 tuổi) bị dị tật bàn chân, đi lại khó khăn. Ảnh: Đức Hùng.

Từ khi phát hiện đến nay đã hơn 20 năm, tộc người Chứt vẫn duy trì nếp sống nguyên sơ, chưa có ý thức tự giác lao động và tích lũy. Khi lập gia đình, họ thường lấy người trong họ hàng. Anh Nguyễn Văn Ngọc, cán bộ cắm bản Rào Tre cho biết, người Chứt không tiếp xúc với môi trường văn hóa bên ngoài. Họ suốt ngày quanh quẩn bên căn nhà, ít lao động sản xuất, bởi mọi thứ như gạo, phụ cấp đều được nhà nước hỗ trợ tối đa.

“Thanh niên nếu muốn lấy vợ, lấy chồng thì phải sang Quảng Bình, vì ở đó có người Chứt sinh sống. Nhưng do đường sá xa xôi, hơn nữa dân tộc có tục bảo vệ gái làng nên khi nhiều thanh niên người Chứt của bản Rào Tre đi kiếm vợ, sang đó bị thanh niên làng đuổi đánh, đành phải quay về. Và rồi họ lại lấy người ở trong bản, từ đó tạo nên những cặp hôn nhân cận huyết”, anh Ngọc nói.

Khi được hỏi về chuyện nên duyên vợ chồng, chị Hồ Thị Sâm (28 tuổi, trú bản Rào Tre) hồn nhiên trả lời “vì thích trong cái bụng rồi lấy nhau, chứ không biết là anh em họ”. Chị Sâm và anh Hồ Văn Hà (30 tuổi) là con dì, con cậu, từ khi lập gia đình tới nay đã có 3 người con. Cô con gái thứ hai Hồ Huyền Trang (4 tuổi) khi sinh ra đã không có bàn chân.

Ở các cặp vợ chồng cận huyết khác có tình trạng con sinh ra bị bệnh nặng rồi mất sớm, hoặc bị bệnh bẩm sinh, như Hồ Kiểng (9 tuổi). Anh Hồ Tiến Hóa (36 tuổi, cha Hồ Kiểng) cho biết, con trai bị bệnh tim bẩm sinh vừa phải đi mổ về. Bây giờ mỗi khi trái gió trở trời, Kiểng luôn tức ngực, khó thở. Hỏi về việc có biết hai vợ chồng là họ hàng với nhau hay không, anh Hóa chỉ lắc đầu rồi cười.

Ông Trần Văn Lộc, Trạm trưởng Y tế xã Hương Liên cho biết, theo số liệu mới nhất, hiện trong bản có 3 cặp vợ chồng là con dì lấy con cậu, con chú lấy con bác. Trong ba gia đình này, có 3 cháu nhỏ bị ảnh hưởng bởi hôn nhân cận huyết, có cháu bị teo và dị tật chân, cháu thì thiểu năng trí tuệ. “Cách đây một năm, có cặp con chú lấy con bác, họ đẻ con không mồm không mũi, vẹo chân. Đứa trẻ mất ngay sau đó”, ông Lộc nói.

Từng nhiều lần về thăm khám cho đồng bào Chứt, ông Phan Trường Sang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hương Khê cho hay, ở bản Rào Tre có một số trẻ em bị dị tật bởi ảnh hưởng của hôn nhân cận huyết. Đây là vấn đề nan giải và sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể giải quyết được.

Chủ tịch UBND xã Hương Liên, ông Nguyễn Tiến Lành thừa nhận rất khó giải quyết việc hôn nhân cận huyết trong đồng bào Chứt. “Cán bộ xã đã nhiều lần tới khuyên nhủ, trao đổi rằng đó là vấn đề không nên, lấy nhau sẽ sinh ra bệnh tật. Nhưng họ chỉ im lặng, cứ gật đầu tỏ vẻ đồng ý, rồi hệ quả đáng buồn vẫn xảy ra”, vị Chủ tịch cho hay.

Để tránh nguy cơ suy thoái tộc người Chứt, chính quyền xã Hương Liên đã cử cán bộ xã cùng Bộ đội Biên phòng đồn Bản Giàng cắm bản, phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ tuyên truyền, tập cho đồng bào nơi đây sản xuất, học văn hóa.

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất lãnh đạo tỉnh này xem xét lập dự án đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường khoảng 15 km nối bản Rào Tre với huyện Minh Hóa (Quảng Bình), nơi có một số hộ người Chứt và các dân tộc khác sinh sống. Mục đích là tạo điều kiện cho đồng bào Chứt ở bản Rào Tre sang giao lưu, cưới vợ lấy chồng, khắc phục tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Theo Đức Hùng

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.