Nguy cơ ô nhiễm từ nhà máy xử lý rác

Rác vương vãi khắp nhà máy.
Rác vương vãi khắp nhà máy.
TP - Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn duy nhất ở tỉnh Lâm Đồng có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng bị chậm tiến độ tới 2 năm. Đến khi đưa vào vận hành thì hoạt động cầm chừng để chờ nhà nước nâng mức hỗ trợ chi phí xử lý rác.

Theo giấy chứng nhận đầu tư, Cty TNHH Môi trường Năng lượng xanh triển khai dự án trong 3 năm (2010-2012), thế nhưng thực tế đến nửa cuối năm 2015 nhà máy mới chính thức đi vào hoạt động. Một ngày cuối tháng 1/2016, khi chúng tôi có mặt tại Nhà máy ở xã Xuân Trường, Đà Lạt, nhà xưởng lặng ngắt, hầu hết công nhân đều nghỉ việc. Ông Trần Uyên Diễn, Phó giám đốc Công ty cho biết xe múc rác đang bị trục trặc nên nhà máy tạm ngừng hoạt động.

Về chuyện người dân bức xúc khiếu nại Nhà máy gây ô nhiễm môi trường, ông Diễn nói trên đường vận chuyển rác thải từ bên ngoài vào nhà máy, nước thải từ thùng xe chảy xuống đường gây nên mùi hôi thối, còn rác trong nhà máy được phun thuốc khử mùi nên mùi hôi giảm nhiều. Về lượng rác tươi không kịp xử lý còn tồn trong nhà máy, theo lời ông Diễn “bao nhiêu mình không nắm hết được, chắc khoảng 200-300 tấn”. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, số rác tồn đọng cao gấp nhiều lần. Nhà chứa rác sức chứa 300-400 tấn đang đầy nghẹt, rác tràn ra khu vực bên ngoài, ruồi nhặng bu đầy, mùi hôi nồng nặc.

Đó là chưa kể những đống rác (chỉ mới xử lý bước đầu) chất cao như núi vì  chưa thể triển khai các công đoạn cuối để giải tỏa khỏi nhà máy. Nguyên nhân do thiếu vốn nên công nghệ xử lý rác chưa đồng bộ. Tổng mức đầu tư của dự án trên 381 tỷ đồng nhưng công ty mới triển khai khoảng một nửa. Một cán bộ trong nhà máy cho biết, khi Cảnh sát môi trường vào kiểm tra đã nhắc nhở không để rác vương vãi khắp Nhà máy và cảnh báo nguy cơ nước thải và rác dùng để làm phân có nguy cơ chảy xuống đồi vào mùa mưa.

Nhà máy xử lý rác có công suất thiết kế 200 tấn/ngày nhưng theo dự kiến của Cty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt vào các ngày 27, 28 và 29 tháng Chạp âm lịch sắp tới, lượng rác thu gom lên tới 400 tấn, 500 tấn và 700 tấn/ngày. Như vậy lượng rác tồn sẽ còn tăng cao. Trả lời câu hỏi của phóng viên “Liệu nhà máy có thể tăng ca?”, ông Diễn nói “Hiện chỉ có ba mươi mấy công nhân nên chỉ đủ làm 1 ca thôi. Ra Tết mới tuyển dụng thêm chừng đó người nữa để làm 2 ca”.

Một cán bộ của nhà máy nói nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do mức giá hỗ trợ xử lý rác mà tỉnh Lâm Đồng trả cho Cty quá thấp. Càng làm càng lỗ nên phải hoạt động cầm chừng để chờ nhà nước tăng giá. Đến lúc đó mới mạnh dạn đầu tư hoàn thiện công nghệ. HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiến hành giám sát kết luận “Với mức giá hỗ trợ xử lý rác hiện nay là 129.500 đồng/tấn chưa đủ chi phí xử lý rác thực tế (khoảng 418.500 đồng/tấn) nên Cty phải bù lỗ, rất khó khăn trong hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết việc điều chỉnh tăng mức hỗ trợ”.

MỚI - NÓNG