Gần 900 tỷ đồng khắc phục 1 km kênh ô nhiễm

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè 2015. Ảnh: VNE.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè 2015. Ảnh: VNE.
TP - Để khắc phục ô nhiễm, trả nguyên trạng 8,7 km kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM  thực hiện trong gần 20 năm với chi phí 7.300 tỷ đồng. Các chuyên gia môi trường cảnh báo, Việt Nam sẽ phải trả giá rất đắt cho ô nhiễm sông ngòi mà Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một ví dụ.

Phải chi cả tỷ đô la khôi phục một dòng sông

Theo ông Vương Hải Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM, từ năm 1993, TP bắt đầu thực hiện dự án Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải quyết tình trạng ngập úng trên lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chống ô nhiễm dòng kênh và chuẩn bị cho việc xử lý nước thải, cải tạo, chỉnh trang dòng kênh.

Mất gần 20 năm trời với 7.300 tỷ đồng, dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài 8,7 km mới gần trở về nguyên trạng. Để đảm bảo môi trường bền vững cho dòng kênh, TPHCM đang thực hiện giai đoạn 2 của dự án với số tiền đầu tư là 450 triệu USD. Một phần sẽ thực hiện hoàn chỉnh hệ thống thu gom – xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Quận 2. Như vậy ước tính để khôi phục dòng kênh này phải mất đến gần 900 tỷ đồng cho một km.

Tại sao để khôi phục một dòng kênh lại tốn kém vậy? Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT, khôi phục một dòng sông không đơn giản là làm sạch nước. 

Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm phải ngăn chặn các nguồn ô nhiễm với các giải pháp công trình và phi công trình như xây dựng hệ thống cống ngầm thu gom nước, hệ thống cống bề mặt, xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Việc này lại liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Rồi việc chi phí nạo vét, hình thành hệ sinh thái. 

“Tôi vừa từ Hàn Quốc về. Ở đó có một dòng sông ô nhiễm dài mấy chục cây số. Để khôi phục mất tới 650 triệu USD. Dòng sông Dương Tử ở Trung Quốc nếu khôi phục cũng mất hàng tỷ USD. Dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội chi phí khôi phục có thể lên đến 10.000 tỷ đồng”, ông Tùng chia sẻ.

Phải sớm chặn nguồn nước thải xả vào sông

Theo ông Hoàng Dương Tùng, nhiều địa phương coi dòng sông đã chết là nơi xả thải nên ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Do ô nhiễm nên sức khỏe người dân lưu vực bị ảnh hưởng ghê gớm. Tỷ lệ bệnh đường ruột, ung thư tăng lên. “Ở Seoul, Hàn Quốc từng có nhiều dòng sông ô nhiễm như Hà Nội. Chính quyền lấp các dòng sông chết ấy đi nhưng sau đó thấy làm vậy không được lại đào lên”, ông Tùng nói.

“Tôi vừa từ Hàn Quốc về. Ở đó có một dòng sông ô nhiễm dài mấy chục cây số. Để khôi phục mất tới 650 triệu USD. Dòng sông Dương Tử ở Trung Quốc nếu khôi phục cũng mất hàng tỷ USD. Dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội chi phí khôi phục có thể lên đến 10.000 tỷ đồng”.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Liên minh nước sạch cho rằng cần có riêng Luật  kiểm soát ô nhiễm nước. Việt Nam  chưa có văn bản cụ thể, chuyên biệt quy định về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Vì thế, cần hệ thống hóa các quy định rải rác về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước thành một văn bản nhất quán làm cơ sở pháp lý phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước. 


Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM cho rằng, phương án tốt nhất, hiệu quả và ít tốn chi phí nhất vẫn là giáo dục sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường. Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường phải được đưa vào chương trình giáo dục từ cấp mầm non cho đến hết bậc phổ thông.

Ông Hoàng Dương Tùng khẳng định, phòng ngừa ô nhiễm nước chính là việc ngăn chặn nước thải đổ vào dòng sông. Có hai nguồn thải lớn là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. 

“Tôi nghĩ rằng với doanh nghiệp không quá khó. Cái khó nhất là xử lý nước thải sinh hoạt của người dân hiện chiếm tới 60-70 tổng lượng nước thải. Nhiều đô thị tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý rất thấp”, ông Tùng nói. 

Cũng theo ông Tùng, Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm các nước theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền, trả phí cho xử lý nước thải.

MỚI - NÓNG