Đủ thứ bệnh từ trà đá vỉa hè
Không chỉ ở Hà Nội mà ngay ở những vùng quê, có lẽ không đồ uống nào phổ thông như trà đá, nhân trần và cũng không có loại đồ uống nào lại rẻ hơn loại hình giải khát này. Ngồi quán trà đá đã thành thói quen của người dân Việt.
Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu, trong một cốc 100ml trà đá có chứa khoảng 50-100mg chất oxalate và còn có axit tannic - một chất gây khó tiêu và ngăn cản sự tổng hợp sắt. Nếu bạn đã ăn những thực phẩm có nồng độ oxalate cao thì không nên uống các sản phẩm liên quan đến trà sau đó.
Việc sử dụng trà đá lúc đang đói cồn cào dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh dạ dày. Những người bị đau dạ dày nếu vẫn duy trì thói quen uống trà đá sẽ làm cho cơn đau dạ dày tăng lên, thậm chí có thể làm cho bệnh viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, chất caffein có trong trà sẽ làm suy giảm sự tiết dịch tiêu hóa ở dạ dày, làm chậm lại hoạt động của nhu động ruột. Hậu quả dễ gây táo bón, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trà đá vỉa hè cũng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh rất lớn. Thực tế, nhiều chủ quá sử dụng nguồn đá bẩn để cho vào cốc trà. Những ly trà đá được bán cho khách với vẻ ngoài sạch sẽ nhưng sự thực mất vệ sinh đến cỡ nào thì chỉ có trực tiếp đi pha trà đá mới biết được cái sự bẩn kinh hoàng ấy. Nhiều quán trà đá không sử dụng đá viên tinh khiết mà dùng đá cây đập vụn cho vào hộp xốp bảo quản. Theo quy định những loại đá cây này chỉ được dùng để ướp thực phẩm.
Theo BS Trần Văn Ký (Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam), các loại nước đá sản xuất kiểu kém vệ sinh sẽ tiềm ẩn nguy cơ bệnh tiêu chảy, dịch tả và ngộ độc. Nguy hiểm hơn là nước nhiễm hóa chất lấy lên từ lòng đất không được lọc, về lâu dài, độc chất trong nước gây viêm đại tràng mãn tính, ảnh hưởng đến chức năng gan thận.
Trước đó, để tìm hiểu về mức độ an toàn của nước uống vỉa hè, Viện Thực phẩm chức năng đã xét nghiệm 9 mẫu nước uống đường phố gồm trà xanh, trà đá, nhân trần, nước ngô, nước mía... phát hiện trà đá chứa vi khuẩn E.coli. E.coli là vi khuẩn trong phân, có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.
Ai không nên uống trà đá?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, những bệnh nhân mắc sỏi thận, suy thận là những người không nên sử dụng trà đá và các sản phẩm có chứa nhiều oxalate thường xuyên. Ngoài ra, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và những người mắc bệnh tiêu hóa không nên uống trà vì 2 chất oxalate và axit tannic sẽ phản ứng với sắt trong dạ dày lâu ngày khiến bạn bị thiếu sắt và ăn uống khó tiêu, cản trở cho sự hấp thụ trao đổi chất ở cơ thể.
Đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nếu uống nhiều trà đá sẽ gây nên tình trạng thiếu máu. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Bởi trong trà đá có chứa một loại axít làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt. Chính vì vậy, các bà mẹ khi đang mang bầu không nên lạm dụng uống trà đá.
Ở người già, việc uống nhiều trà đá lại là nguy cơ dẫn đến việc mất ngủ, căng thẳng. Để đảm bảo sức khỏe, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng, người bình thường chỉ nên uống 1-2 cốc trà mỗi ngày.
Để đảm bảo sức khỏe, mùa hè mọi người nên hạn chế uống trà đá mà thay bằng uống nước lọc thông thường. Đừng nên quá dễ dãi trong việc lựa chọn đồ uống vỉa hè, các thức ăn vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là với tất cả mọi người.
Trong thời điểm mua hè oi bức, tốt nhất nên lựa chọn cho mình cách giải nhiệt an toàn, chẳng hạn chuẩn bị sẵn một bình nước mơ muối, chanh muối... Các loại đồ uống này không chỉ giúp giải khát trong những ngày nắng nóng mà còn bổ sung lượng muối đã mất do ra nhiều mồ hôi, rất tốt cho cơ thể.