Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập từ người nhập cảnh rất cao

Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập từ người nhập cảnh rất cao
TPO - Chiều tối 28/5, Bộ Y tế cho biết thông tin về các trường hợp bệnh nhân nặng. Cụ thể, bệnh nhân số 91, phi công người Anh vẫn trong tình trạng nguy kịch; bệnh nhân số 298 và 320 có biểu hiện viêm phổi, đang được thở oxy.

Trong ngày 27/5, có thêm một chuyến bay chở gần 340 công dân Việt Nam tại Hàn Quốc về nước an toàn, máy bay hạ cánh tại Đà Nẵng. Ngay sau khi hạ cánh tại Việt Nam, toàn bộ phi hành đoàn và hành khách đều được kiểm tra sức khoẻ và cách ly tập trung theo quy định.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, hiện nay, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn (do đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao các nước sang làm việc tại các dự án…), đặc biệt là người dân qua cửa khẩu bằng các đường mòn, bởi đê bao thường không vỡ ở những “cửa khẩu to”, mà lại ở những “điểm rò rỉ”, “tổ mối”.

Do đó, không được chủ quan, cần quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở... Ở trong nước phải thực hiện nghiêm công tác cách ly, tiếp tục tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với những nhóm đối tượng, khu vực có nguy cơ...

Việt Nam vẫn duy trì chiến lược phòng chống dịch theo phương châm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Tất cả công dân nhập cảnh về nước đều được cách ly, xét nghiệm, khi về nhà vẫn phải theo dõi sức khỏe.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, các bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch (bao chặt bên ngoài, nới lỏng bên trong) để tổ chức thực hiện cách ly thành viên tổ bay quốc tế, chuyên gia, lưu học sinh vào Việt Nam theo đúng quy định, vì nguy cơ xâm nhập rất cao.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2194/QD-BCĐQG ngày 27/5/2020 về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động".

Trong đó, tại nơi làm việc, người lao động phải thực hiện các hướng dẫn sau:

Đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng giãn cách tại nơi làm việc, hội họp, khi ăn ca, các khu vực công cộng tại cơ sở lao động thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Lắp vách ngăn giữa các vị trí làm việc (nếu có thể).

Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp. Rửa tay thường xuyên. Rửa tay tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Sử dụng dung dịch sát khuẩn tay trước khi tiếp xúc với các bề mặt tay nắm cửa, nút bấm thang máy,...

Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay.

Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc. Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,…

Chủ động thường xuyên vệ sinh mặt bàn làm việc, các dụng cụ lao động và vị trí thường xuyên tiếp xúc của cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn. Hạn chế dùng chung các dụng cụ, phương tiện lao động,... nếu có phải vệ sinh các vị trí tiếp xúc bằng dung dịch sát khuẩn trước khi sử dụng.

Không tụ tập đông người khi nghỉ giữa ca, nghỉ trưa,… theo quy định tại nơi làm việc. Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc/khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở, hoặc là ca bệnh, hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc/khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và phải báo cho người quản lý hoặc và cán bộ y tế tại nơi làm việc.

MỚI - NÓNG