Trung Quốc quy định tàu cá nước ngoài phải xin phép:

Nguy cơ bùng phát xung đột trên biển Đông

Tàu cá của ngư dân Việt Nam vượt sóng to gió lớn. Ảnh: V.Chương
Tàu cá của ngư dân Việt Nam vượt sóng to gió lớn. Ảnh: V.Chương
TP - Chính quyền Hải Nam (Trung Quốc) gần đây quy định tàu cá nước ngoài phải xin phép cơ quan chức năng tỉnh này trước khi đánh bắt trong khu vực chiếm hơn nửa biển Đông, trắng trợn vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Hải Nam ra quy định về đánh bắt hải sản hồi tháng 11/2013, áp dụng từ ngày 1/1/2014, theo thông tin trên trang web của chính quyền tỉnh này.  

Theo đó, muốn đánh bắt trên vùng biển rộng tới 2 triệu km2 mà Hải Nam ngang nhiên tuyên bố quản lý, tàu cá nước ngoài phải xin phép cơ quan chức năng.  

Nếu vi phạm quy định này, tàu sẽ bị đuổi ra khỏi khu vực, bị tịch thu những gì đánh bắt được và có thể bị phạt tới 82.600 USD. Một số trường hợp có thể bị tịch thu tàu cá và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật Trung Quốc. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái mới của Trung Quốc có thể làm bùng phát xung đột giữa nước này và một số quốc gia Đông Nam Á.

Quy định của chính quyền Hải Nam gần giống quy định cấp quốc gia mà Trung Quốc đưa ra năm 2004. Theo đó, nếu không xin phép mà đi vào vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, tàu cá nước ngoài sẽ bị tịch thu hải sản, ngư cụ và có thể bị phạt tới 82.600 USD.

Chính quyền Hải Nam chưa bình luận gì quy định mới, trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, việc ra những quy định về việc sử dụng tài nguyên biển của Trung Quốc là hoạt động bình thường, Reuters đưa tin ngày 9/1.

Shi Yinhong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, cho rằng, việc áp dụng quy định mới về đánh bắt hải sản phụ thuộc vào quốc tịch của ngư dân. “Tôi nghĩ Hải Nam đưa ra quy định này để nói với các nước liên quan rằng, chúng tôi đã có quy định, nhưng cách áp dụng của chúng tôi phụ thuộc vào quan hệ song phương. Nếu quan hệ tốt, quy định sẽ lỏng”.

Vi phạm trắng trợn công ước luật biển

Các chuyên gia cho rằng, nếu được thực hiện rộng rãi, quy định của Hải Nam sẽ làm trầm trọng hơn căng thẳng trong khu vực. Bắc Kinh yêu sách chủ quyền trên biển một cách phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez thông báo, Manila đã yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc giải thích về quy định của Hải Nam.

Một quan chức cấp cao của Hải quân Philippines nói rằng, quy định nói trên vi phạm trắng trợn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, rằng Trung Quốc không thể thực thi biện pháp như vậy bên ngoài lãnh hải của mình và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. 

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez nói rằng, chính quyền nước này đã sẵn sàng áp dụng luật đánh bắt trên vùng đặc quyền kinh tế của họ, trong đó quy định cả loại cá được đánh bắt.

Trang tin Washington Free Beacon (Mỹ) trích lời ông John Tkacik, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và là chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng, quy định của chính quyền Hải Nam dường như nằm trong chính sách dần dần thắt chặt kiểm soát khu vực của Trung Quốc.

 Trước đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích biển Đông, đưa ra “đường lưỡi bò” mập mờ đầy phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế. 

“Trung Quốc giờ đang tiến thêm một bước từ sự mập mờ đó bằng việc đưa ra tuyên bố cấp tỉnh để xem phản ứng của các nước như thế nào”, ông Tkacik nhận định.

Ông Tkacik nói rằng, các nước Đông Nam Á có thể phản đối quy định mới của chính quyền Hải Nam cũng như yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. “Với quy định mới, Trung Quốc rõ ràng đang coi thường Công ước”, ông Tkacik nói.

Bắc Kinh có khả năng làm chệch hướng dư luận bằng cách nói rằng, đó là quy định của chính quyền địa phương, chứ không phải chính sách quốc gia.

Tháng 11/2013, Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, gồm cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản. 

Ngày 9/1 tại Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng, đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế là cách duy nhất để giải quyết bất đồng sau khi Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông; Trung Quốc không được thay đổi hiện trạng thông qua sử dụng vũ lực, hãng tin Ấn Độ PTI đưa tin. 

Báo chí Trung Quốc nói rằng, do phản ứng quốc tế đối với ADIZ ở Hoa Đông nên nước này ít có khả năng tuyên bố ADIZ trên biển Đông.

MỚI - NÓNG