Người Việt xa quê đón Tết

Người Việt xa quê đón Tết
Hằng năm, sau khi cùng dân bản xứ đón năm mới Dương lịch, thì những người Việt xa quê lại cùng với gia đình sửa soạn đón Tết dân tộc. Tết vẫn là ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm của mọi người dân Việt.
Người Việt xa quê đón Tết ảnh 1
Khu chợ chuyên bán sản phẩm Việt ở Houston, Mỹ

Những ngày mới vào đất lạ, có người đã tưởng như không còn biết Xuân, biết Tết là gì. Nhưng chỉ sau vài năm vất vả hội nhập, thích nghi với nếp sống mới, văn hoá mới, người Việt đã tạo được truyền thống đón Tết mừng Xuân trên quê người.

Ở khắp nơi trên nước Mỹ, nơi nào có người Việt là nơi đó có những khu chợ chuyên bán những sản phẩm quê hương.

Mọi sản phẩm cần thiết cho việc bếp núc chuẩn bị những bữa cơm cho ngày Tết đều có cả không thiếu thứ gì từ chai nước mắm Phan Thiết, củ tỏi cho tới rau húng, rau thơm.

Muốn ăn cháo lòng tiết canh, xin cứ tới chợ Việt Nam đảm bảo tươi ngon. Thích thịt dai và thơm ngon của gà ăn thóc, khúc cá thu kho, giả cầy bằng thịt lợn đến chùm nhãn lồng Hưng Yên đều có cả trong chợ.

Chả bù cho những năm đầu, ai cho một ít nước mắn ngon thì quý lắm, thấy trên vườn trước cửa có một khoảng sân trồng rau thơm thì đó chính là nhà người Việt Nam ta.

Chợ Tết bày bán đủ thứ hàng cho Tết. Người ta có cảm tưởng như đây là một chợ Đồng Xuân, hay Bến Thành thu nhỏ, nằm trên một nước Mỹ rộng lớn.

Dân bản xứ mà đi vào khu Bolsa của Orange County, khu Ballaire của Houston, Eden Plaza của D.C... thì cảm thấy lạc lõng. Người ta chào nhau bằng tiếng Việt, mặc cả mua bán bằng tiếng Việt, thậm chí lớn tiếng với nhau cũng bằng tiếng Việt.

Thiên hạ rủ nhau tới mua sắm trong những ngày này quá tải, bãi đậu xe không còn đủ chỗ cho khách du xuân, nhất là những năm mà Tết trùng vào ngày nghỉ thứ 7 và Chủ nhật.

Trước hết là phải mua mấy cặp bánh chưng. Những năm đầu không có lá dong, bà con Việt kiều phải gói bằng lá chuối khô, bọc bên ngoài bằng những tờ giấy nhôm.

Gói như vậy bánh không có vị nồng, ướt của tầu lá, nhưng thôi có còn hơn không. Vì người Việt quan niệm rằng ngày Tết mà không có bánh chưng xanh thì đâu còn là ngày Tết.

Đến bây giờ thì không thiếu thứ gì cả lá dong từ quê hương đưa sang, nên đã có những chiếc bánh chưng luộc rất rền và rất xanh. Lại còn món giò lụa, chả quế cũng nhiều vô kể và hương vị Tết của Việt Nam trên quê người cũng khá đậm đà.

Đừng quên mua ít mứt, ô mai, hạt dưa để nhâm nhi khi có khách tới chơi. Nhà nào, nhà nấy bảo nhau mua một cành đào Mỹ Quốc, có năm thời tiết không đủ lạnh, hoa đào không kịp nở, ta đành mua vài cành đào giấy, đào nylon thay thế.

Sắm thêm mấy thẻ nhang, mấy cuộn hương vòng để thắp cúng gia tiên. Cũng đừng quên mấy bao giấy đỏ để đựng tiền lì xì cho con cháu. Ở những nước tư bản, trẻ con được mừng tuổi mấy đồng đô la xanh với lời chúc “One dollar make ten thousand dollars” (Nhất bản vạn lợi) thì chúng mừng hết chỗ nói.

Trước giờ Giao thừa, đồng bào ta, đặc biệt là thanh thiếu niên nam nữ giữ tập tục đi lễ chùa, nhà thờ rất đông. Đến để xin lộc cầu may, để gặp nhau chúc tụng nhau mọi sự tốt lành trong năm tới cũng như cầu nguyện thanh bình và thịnh vượng cho quê hương.

Rồi cùng về nhà xông đất, cúng gia tiên. Đó đây, một vài tiếng pháo nổ vang. Bên Mỹ đốt pháo phải xin phép trước, vì chính quyền sợ tai nạn xảy ra cho dân chúng.

Nhiều cơ sở thương mại cũng treo một dây pháo dài trước cửa tiệm với tiếng pháo nổ phát ra từ chiếc máy thu âm. Năm nào các cộng đồng người Việt ở mọi nơi trên đất Mỹ cũng đều tổ chức những hội Tết mừng Xuân như vậy. Hội Xuân kéo dài 2 đến 3 ngày có khi cả tuần.

Truyền thông đã dùng ba mẫu tự T-E-T để chỉ ngày hội New Year của người Việt Nam. Từ nhiều năm nay, rất nhiều kiều bào về quê ăn Tết. Trong lịch sử nước nhà, chưa có giai đoạn nào người Việt về quê ăn Tết lại đông đảo như ngày hôm nay.

Theo Nguyễn Hải Dương
Văn hóa

MỚI - NÓNG