Người Việt sang Trung Quốc bán thận cho... người Việt

Người Việt sang Trung Quốc bán thận cho... người Việt
TP - PV báo Tiền phong tìm đến những người vừa sang Trung Quốc bán thận ở xã Trung Bình (Long Phú, Sóc Trăng). Họ là những phụ nữ, đàn ông khỏe mạnh, nhiều lứa tuổi nhưng giống nhau ở chỗ nghèo. Trung bình một quả thận được họ bán với giá 70 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Hồng sinh năm 1983 ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình có căn nhà còn thơm mùi vôi vữa, cánh cửa nhôm chắp vá, xộc xệch, vách hai bên đóng rất sơ sài chứng tỏ thiếu bàn tay đàn ông.

Chị Hồng tâm sự: “Anh Tám chồng tôi đi hoài hà, làm hồ, làm mộc đây đó, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ con tôi. Ảnh bán thận rồi và rủ nhiều người ở đây đi Trung Quốc bán thận! Tôi cũng vừa đi bán thận về”.

Tại xã Trung Bình, nghề làm hồ, làm mộc được xếp vào loại... không nghề. Theo chị Hồng, do quá nghèo, nhà đến 7 anh em mà đất đai không có nên khi người ta rủ đi bán thận liền nghe theo.

Căn nhà tường mới xây này là từ tiền bán thận của chị Hồng. Mới đầu trò chuyện thì chị Hồng nói cười khá hoạt bát nhưng trò chuyện một lúc thì chị ngồi nhìn xa xôi, vẻ mặt ủ ê.

Chị kể: “Thật ra, chẳng ai muốn bán đi một phần cơ thể của mình để kiếm sống. Vì nghèo thôi. Năm 2007, mẹ tôi đau nặng qua đời, con cái đang tuổi lớn không biết làm sao ra một số tiền lớn để xoay trở trong gia đình, đành phải theo người ta đi bán thận.

Trước khi đi, tôi suy nghĩ dữ lắm, không biết bán thận có hại sức khỏe không, có ảnh hưởng lâu dài không? Nếu ảnh hưởng sức khỏe thì tôi có 2 đứa con còn nhỏ làm sao lo cho chúng đi học. Cả đời nghèo khổ làm sao cho con cái đỡ nghèo.

Tôi nhờ chị Loan dẫn đi khám tổng quát tại Viện Paster TP Hồ Chí Minh. Cầm hồ sơ lên máy bay đi Hà Nội rồi sang Trung Quốc. Tôi không biết tiếng Trung Quốc nên cũng chẳng biết đi tới đâu. Chỉ biết là đến một bệnh viện Trung Quốc, tôi được mổ để bán một quả thận cho một người Việt Nam đang chạy thận nhân tạo ở đó”.

Trong thời gian đi bán thận, chị Phạm Thị Hồng được bao ăn ở, đi lại và trả 70 triệu đồng sau khi bán để đem về nhà. Món tiền bán một quả thận ấy đối với gia đình chị là rất lớn, chưa đủ làm mọi việc theo mong muốn cho hết khổ nhưng cũng cất được ngôi nhà tường ở nơi “trên bến dưới thuyền”. Phần trước nhà có sân cho người thợ nhôm thuê mỗi tháng kiếm vài trăm ngàn đồng lo ăn uống trong nhà.

Người Việt sang Trung Quốc bán thận cho... người Việt ảnh 1
Đường vào ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, một ấp nghèo ven cửa biển Trần Đề có nhiều người đã bán thận. Ảnh: Tiến Hưng

Bán thận sắm vỏ lãi đi biển

Ấp Nhà Thờ của xã Trung Bình là một vùng quê nghèo của ngư dân ven cửa biển Trần Đề. Ngôi nhà của anh Lâm Dương Nhi sinh năm 1977 mái tôn, vách lá, cột bạch đàn.

Anh Nhi quê gốc ở huyện Cù Lao Dung cùng tỉnh Sóc Trăng, nghèo khó, đông anh em nên lấy vợ ở xã Trung Bình (Long Phú) và ở luôn bên vợ. Vợ chồng trẻ có 2 con, không đất đai, không nghề nghiệp, làm thuê mướn kiếm sống.

Hỏi chuyện bán thận kiếm tiền, anh Nhi không ngần ngại kể lại: “Tôi quen với anh bạn ở TP Hồ Chí Minh có vợ   ở gần đây là anh Nguyễn Văn Tám. Vợ chồng anh Tám cũng bán thận rồi, đang sống khỏe mạnh. Nghe anh Tám rủ đi qua Trung Quốc bán thận thì tôi đồng ý. Tôi nghĩ, cả đời nghèo khổ chẳng lẽ không để gì cho con cái sau này. Thôi thì làm liều để kiếm chút vốn lo cho vợ con”.

Trước khi đi, anh Nhi có rỉ tai bàn với vợ. Vợ anh cự nự, không chịu vì sợ lỡ có bề nào.

Anh Nhi tâm sự: “Tôi cũng sợ lắm, nhất là khoản ấy, yếu luôn thì khổ! Nhưng thấy anh Tám đã bán thận mà vẫn chơi bời thoải mái nên nhắm mắt liều theo.

Khi lên bàn mổ lấy thận, tôi còn lo lắm. Người nhận thận của tôi là một kỹ sư ở Vũng Tàu. Ông ấy nói thay thận lần thứ 2, tốn khoảng 600 triệu đồng. Nhưng tôi bán một quả thận thì được trả 70 triệu đồng, phận nghèo đâu dám chê đắt rẻ gì”.

Suốt thời gian đi khám sức khỏe, chờ đợi trên đất Trung Quốc gần nửa tháng, anh Nhi được bao ăn uống, đi lại. Anh cho biết, thấy nhiều người Việt Nam ở Trung Quốc để trị bệnh thận hoặc bán thận. Sau ca mổ lấy thận, các bác sĩ dặn: Chuyện sinh hoạt vợ chồng, phải 6 tháng mới bình thường. Lúc đầu phải dùng bao cao su, đặc biệt không lao động nặng.

Đã bán thận được 3 tháng, anh Nhi chưa dám làm việc nặng. Tuy nhiên, trong lòng đã nuôi ý định ra biển. Anh Nhi thú thật: “Được tiền lớn, tôi đã mua một vỏ lãi, lưới cụ để vài tháng nữa đẩy cào cửa biển Trần Đề. Từ nhỏ, tôi đã đi mò cua, bắt ốc, kéo lưới ven biển nên có kinh nghiệm. Ráng làm để nuôi vợ con cho bằng người”.

Khác với anh Nhi, anh Ngô Văn Khánh sinh năm 1977 ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình đi Trung Quốc bán thận mới vài tháng nhưng đã ra biển làm thuê.

Anh Khánh sống trong gia đình rất nghèo, quanh năm làm thuê mướn, khi bán thận mới sửa sang được nhà cửa chút đỉnh. Chuyện anh Khánh vừa bán thận đã ra biển đang xôn xao vùng quê nghèo. Bà con nói: Hình như bán thận không ảnh hưởng tới sức khỏe?

Ông Đặng Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Bình: Dư luận xôn xao lâu nay về những người nghèo ở xã Trung Bình sang Trung Quốc bán thận.

Nhiều gia đình đang nghèo khó, chủ nhà vắng mặt một thời gian, trở về xây được nhà, vàng đeo đỏ tay. Sau khi tìm hiểu, động viên mới có một số thừa nhận đã đi Trung Quốc bán thận.

Điều làm cho chúng tôi lo ngại là hầu hết những người bán thận là lao động chính của gia đình.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.