Theo Báo cáo nhanh của Bộ Y tế, tổng số lượt khám, cấp cứu do đánh nhau, xô xát trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2016 là 5.121 trường hợp, trong đó 13 ca tử vong do vết thương quá nghiêm trọng. Như vậy, trung bình mỗi ngày nghỉ Tết, cả nước ghi nhận khoảng 600 lượt khám, cấp cứu vì lý do này. 5 tỉnh, thành có số lượt khám, cấp cứu do đánh nhau nhiều nhất là TPHCM (317 lượt), An Giang (230 lượt), Kiên Giang (224 lượt), Đồng Nai (202 lượt), Hà Nội (197 lượt).
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, số liệu thống kê trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Con số có thể còn lớn hơn thế, vì có những trường hợp nhẹ người ta không báo cáo, không nhập viện. Tuy nhiên, hơn 5.121 ca nhập viện vì đánh nhau là đáng quan ngại, nó báo động về lối ứng xử bạo lực ở xã hội hiện nay”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, số người phải nhập viện vì đánh nhau dịp Tết phản ánh một xã hội đang có sự biến động mạnh mẽ, khiến nhiều người bất an, lo lắng. “Dịp Tết ai cũng bận rộn, lo lắng lại thêm những hậm hực, bất bình nên chỉ một va chạm nhỏ cũng có thể bùng phát xung đột và đánh nhau”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, không phải ngẫu nhiên có nhà nghiên cứu nhận định “người Việt đang trở nên hung hãn hơn”. Dịp Tết, nhiều người do sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, dễ dẫn đến mất kiểm soát hành vi, đôi khi chỉ cần không vừa lòng một ánh mắt, một câu nói có thể lao vào nhau để ăn thua đủ với nhau, đặc biệt là những người trẻ. “Lớp trẻ bây giờ thường bộc trực, không thích dài dòng, không có sự nín nhịn, kiên nhẫn, kiềm chế. Xã hội lại đề cao lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền mà mất dần lối sống tình cảm”, ông Bình phân tích.
Theo ông Bình, có nhiều vụ đánh nhau giữa đường nhưng chẳng mấy người dám can ngăn, vì người ta e ngại, sợ “tai bay vạ gió”, sợ bị trả thù… hay những người cứu giúp tai nạn giao thông bị tình nghi là người gây tai nạn...
Lấy thêm dẫn chứng, ông Bình cho biết, nhiều lễ hội tranh lộc, cướp phết ngày xuân mang tính chất tượng trưng, ước lệ thời xưa, mang vẻ đẹp của người chiến thắng nhưng giờ lại bị biến tướng thành đánh nhau thật để “cướp lộc”. Nhiều trường hợp chỉ mâu thuẫn vụn vặt với nhau nhưng lại mang gậy gộc, dao kiếm đến để giải quyết mâu thuẫn, thù hằn
cá nhân.
Đồng quan điểm “người Việt đang hung hãn hơn”, GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, cho biết, số người nhập viện vì đánh nhau khiến ông ngỡ ngàng vì xưa nay người Việt luôn có truyền thống bao dung, hòa hiếu, đặc biệt trong dịp lễ, Tết. “Ngày Tết đánh nhau nhập viện, mất mạng thì thật nguy hiểm. Đây là một chỉ báo cho thấy xã hội ta đang mất đi tính bao dung. Ngày xưa, trong dịp Tết người ta cố gắng kiềm chế, dù thế nào cũng không được đánh nhau”, ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, nguyên nhân ban đầu hầu hết đều do rượu bia, chất gây nghiện, nhưng đằng sau nó là vấn đề xã hội mất cân bằng, một bộ phận có lối sống thích bạo lực, thực dụng. “Những nhà quản lý xã hội phải nhìn ra vấn đề này để giải quyết. Đừng chỉ dựa vào lực lượng công an”, ông Thịnh nói.
Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề cần có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến vấn đề giáo dục, trong đó có cả giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và xã hội. Ngoài ra, cần có sự chuyển động của cả hệ giá trị, làm sao cho người dân thực sự nhận thức về luật pháp, biết đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
TPHCM: Tai nạn giao thông, đánh nhau giảm
Ngày 15/2, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, từ ngày 6 đến 14/2 ghi nhận số ca tử vong do tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, bị thương, ngộ độc, tự tử… đều giảm so với năm ngoái.
Theo đó, trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, có 2.271 bệnh nhân nhập khoa cấp cứu, tăng 1,7% so với Tết Ất Mùi 2015. Tuy nhiên, tai nạn giao thông chỉ ghi nhận còn 554 ca, giảm 15,3%. Trong đó, số ca chấn thương sọ não cũng giảm hơn 16% và tử vong giảm gần 19%. Tương tự, tai nạn trong sinh hoạt những ngày Tết ghi nhận 106 ca (giảm hơn 29%); có 58 trường hợp đánh nhau, đâm chém nhau (giảm hơn 28%); 2 ca ngộ độc (giảm gần 85%); 6 ca tự tử (giảm 66,7%) và 9 trường hợp bị rắn, rết, côn trùng cắn, ong đốt (giảm 40%). Tình hình bệnh nhân nhập viện nội trú tại bệnh viện lớn nhất phía Nam này cũng giảm 19,5%. Trung bình mỗi ngày có 866 bệnh nhân nội trú, trong khi năm 2015 là 1.095 bệnh nhân, giảm 20,9%.
Quốc Ngọc