Người truyền lửa trên dãy Trường Sơn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không phải là già làng, trưởng bản, càng không phải con em của các tộc người thiểu số, nhưng Ngô Văn Hồng quê Hà Tĩnh lại nắm giữ nhiều kiến thức bản địa của vùng núi miền Tây Quảng Bình. Sau hơn 20 năm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, anh Hồng được xem là một trong những nhân tố quan trọng giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững.

Đi tìm bản sắc các tộc người

Sinh ra và lớn lên ở Hương Khê (Hà Tĩnh), năm nay 45 tuổi, nhưng anh Ngô Văn Hồng đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với các tộc người thiểu số ở vùng núi miền Tây Quảng Bình. Nói về cơ duyên này, anh Hồng kể: Tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư lâm nghiệp hạng ưu, được nhà trường giữ lại làm giảng viên nhưng anh quyết rời Hà Nội, tìm về vùng núi miền Tây Quảng Bình vì nhớ lời thầy dạy: Hãy đưa tri thức đến những nơi nghèo khó nhất…

Người truyền lửa trên dãy Trường Sơn ảnh 1

Giống cây bản địa trong Dự án phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh đang phát triển rất tốt

Năm 2000, anh Hồng vào làm tại Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRT), thuộc Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam. Trung tâm của anh đóng ở thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa nhưng anh lại được phân công lên bản Cu Tồn, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch nghiên cứu kiến thức bản địa của tộc người Ma Coong. Vừa đặt chân vào bản Cu Tồn, một gia đình người Ma Coong có đứa con 5 tuổi ốm nặng, nhưng trạm y tế lại ở xa, phải đi cả ngày đường mới tới. Bất đắc dĩ, anh Hồng chữa bệnh cho bé với lọ dầu nóng mang theo. May thay, đêm ấy cháu bé bớt sốt. Và đêm ấy cũng là đêm dài anh Hồng trăn trở về cuộc sống đồng bào Ma Coong…

Làm gì để đồng bào bớt khổ là câu hỏi luôn thường trực trong đầu của người thanh niên nhiệt huyết này. Hiểu đồng bào mới giúp được đồng bào, anh đã miệt mài băng rừng, lội suối đến từng hộ gia đình trong suốt 3 năm để tìm hiểu kiến thức và văn hóa bản địa. Với vốn kiến thức thu thập được, anh Hồng phân tích, tổng hợp rồi đề xuất dự án với mô hình vườn hộ, canh tác bền vững, hỗ trợ giống rau theo mùa, đồng thời kêu gọi xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, tổ chức hàng chục cuộc cho đồng bào dân tộc tham quan đồng bào miền núi phía Bắc.

Ông Đinh Hợp, người làm ăn giỏi ở Ma Coong tâm sự: “Cán bộ Hồng nhường cá khô, gạo cho bà con, nghĩ ra các dự án, chỉ việc cho từng bản, rồi nhân rộng mô hình qua bản khác. Kinh tế mình bây giờ khá giả nhất vùng có một phần công sức của cán bộ Hồng. Bọn trẻ con có nhiều dinh dưỡng hơn nên ít bị bệnh như hồi xưa”.

Người truyền lửa trên dãy Trường Sơn ảnh 2

Anh Hồng (áo trắng) đang cùng người dân bản địa bàn phương án phát triển kinh tế

Từ thành công ở bản Cu Tồn, năm 2003, CIRT đưa anh Hồng về, giao trọng trách giúp tộc người Mã Liềng ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa định canh, định cư ổn định cuộc sống. Đây là một trong ba tộc người ở Quảng Bình trước nguy cơ tuyệt chủng. Cuộc sống du canh, du cư, săn bắt, hái lượm đã ăn sâu vào máu thịt của người Mã Liềng. Mặc dù đã được chính quyền đưa về định cư ở vùng Kè, Cáo… nhưng chỉ cần có một biến động nhỏ trong cuộc sống là họ lại lũ lượt kéo nhau vào rừng sâu.

Anh Hồng nhớ lại: “Hồi mới lên, đường sá khó khăn, rất vất vả. Lúc đó, người uy tín nhất bản là già Hồ Thân qua đời nên trong bản không còn ai dẫn dắt. Không ai nghe ai, ruộng vườn bỏ hoang, nam nữ lao vào uống rượu, cãi lộn, đói nghèo bủa vây. Sau một thời gian tìm hiểu phong tục tập quán của người Mã Liềng, tôi quyết định đề xuất thành lập Hội đồng già làng ở bản Kè. Thuyết phục mãi, các dòng họ trong bản mới đồng ý, từ đây mọi việc bắt đầu suôn sẻ và trôi chảy nhờ có Hội đồng già làng”.

Khích lệ tinh thần vươn lên

An cư mới lạc nghiệp, phải làm nhà kiên cố cho đồng bào, nhằm tránh tình trạng bỏ bản vào rừng. Nghĩ là làm, anh Hồng chạy vạy khắp nơi, vận động được hơn 5 tỷ đồng mang về bản Kè giúp dân làm nhà. Thời điểm này, tỉnh Quảng Bình cũng triển khai nhiều dự án làm nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên khi làm xong người dân không vào ở, vì không phù hợp với phong tục, tập quán bản địa.

Khác với các dự án thuê nhà thầu làm nhà hàng loạt, sau đó bàn giao cho đồng bào, anh Hồng đưa ra Hội đồng già làng bàn bạc thống nhất mẫu nhà, tiếp đến để cộng đồng tham gia hầu hết các công đoạn của ngôi nhà. “Hồi đó mình không khuyến khích làm ồ ạt mà làm từng ngôi nhà một. Cả cộng đồng cùng giúp nhau dựng nhà. Mỗi người một việc…” - anh Hồng nhớ lại.

“Bây giờ nghiên cứu bản địa không chỉ đưa một vài bản làng xa xôi thoát nghèo, mà còn nâng tầm lên thành chính sách công trong phát triển của nhiều xã, huyện hoặc nhiều tỉnh, thậm chí những đóng góp từ thực tế điền dã đã được Ủy ban Dân tộc ghi nhận để thành chính sách chung”. Anh Ngô Văn Hồng

Nhờ có Hội đồng già làng, có nhà sàn, người Mã Liềng ở bản Kè chấm dứt tình trạng du canh, du cư, người dân bắt đầu quan tâm đến làm ăn, phát triển kinh tế. Trưởng bản Kè, chị Cao Thị Vân chia sẻ: “Bản Kè được như hôm nay là nhờ cán bộ Hồng hết đó. Cán bộ Hồng không chỉ giúp dân dựng nhà, còn giúp dân biết trồng lúa nước, biết khai thác kinh tế từ rừng cộng đồng. Đặc biệt, cán bộ Hồng không phải là con em của Mã Liềng nhưng đã sưu tầm, hướng dẫn giúp bà con biết tự hào về phong tục, tập quán của người Mã Liềng”.

Sau hơn 20 năm lăn lộn với đồng bào, anh Hồng giờ đây không chỉ là chuyên gia trụ cột về nghiên cứu kiến thức bản địa mà còn là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao. Năm 2015, anh Hồng cùng các cộng sự của mình thành lập Công ty Sinh thái Miền Tây Quảng Bình. “Đây là công ty phi lợi nhuận, được lập ra nhằm xây dựng thương hiệu mật ong Tuyên Hóa, phát triển măng khô của bà con Mã Liềng thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP, được đưa vào các siêu thị lớn. Ngày nay đời sống hầu hết người Mã Liềng ở bản Kè được cải thiện rất nhiều” - anh Hồng chia sẻ.

Anh Hồng cho biết thêm, hiện nay Trung tâm của anh đang phối hợp với các tổ chức và cá nhân phi lợi nhuận giúp người dân đầu nguồn sông Gianh phục hồi rừng bằng các giống cây bản địa. Dự án đã trồng được hơn 100ha rừng, người dân rất háo hức, kỳ vọng vào sự đổi đời trong tương lai gần.

MỚI - NÓNG