Người trồng ngóng vụ hoa Tết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chỉ còn hơn 2 tháng nữa các làng hoa tại Hà Nội sẽ bước vào mùa vụ lớn nhất trong năm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Hiện nay, người trồng hoa đang tập trung triển khai các biện pháp kỹ thuật để hoa nở đúng vụ. Sau những thiệt hại do mưa bão số 3, hàng trăm hộ dân trồng hoa đang “ngóng” vào vụ hoa Tết.

Ngóng chờ vụ hoa Tết

Trên cánh đồng hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào một ngày giữa tháng 11, bà con đang hối hả làm việc.

Bà Nguyễn Thị Nhương (69 tuổi, phường Tây Tựu) đang lắp máy bơm, kéo dây tưới nước cho ruộng hoa. “Từ tháng 6 âm lịch người dân bắt đầu trồng hoa hồng cho dịp Tết. Hoa đồng tiền trồng từ tháng 8 âm lịch, còn hoa cúc khoảng từ sau rằm tháng Tám”, bà Nhương chia sẻ.

Người trồng ngóng vụ hoa Tết ảnh 1

Người trồng hoa Tây Tựu (Hà Nội) chuẩn bị cho vụ hoa Tết năm nay

Theo bà Nhương, đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều diện tích trồng hoa bị ảnh hưởng. Ruộng trồng hoa của gia đình bà bị ngập sâu trong nước lũ nhiều ngày. Sau khi nước rút, bà phải thuê máy “phay” đất với giá hơn 1 triệu đồng/sào. Cùng với đó, chi phí mua giống tăng gấp đôi so với những năm trước. “Chi phí đầu tư tăng, nhưng nếu hoa nở đúng dịp Tết thì vẫn có lãi”, bà Nhương nói.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Lợi (51 tuổi, phường Tây Tựu) đang làm cỏ cho những luống hoa cúc cao chừng 30cm. Ông Lợi bảo: Có Tết hay không, trông cả vào hơn một sào hoa này.

PGS. Đặng Văn Đông, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả) cho rằng, Tết Nguyên đán năm nay thị trường Hà Nội chắc chắn sẽ thiếu hoa đào. Theo ông Đông, đợt mưa bão vừa qua hầu hết diện tích trồng đào tại Hà Nội và các vùng lân cận đều bị ngập nước, tỷ lệ chết rất cao.

Trong khi đó, đào rừng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc cũng bị chết nhiều do mưa lũ. Để bù lại, chắc chắn lượng lớn hoa mai từ miền Nam chuyển ra để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá hoa Tết cũng sẽ tăng do giá thành sản xuất mỗi năm một tăng, trong đó chủ yếu do chi phí phân bón, nhân công, thuốc trừ sâu…

Theo ông Lợi, mọi chi phí đầu tư trồng hoa cúc năm nay đều cao hơn năm ngoái. Những năm trước, chi phí đầu tư khoảng từ 15-18 triệu đồng/sào hoa cúc, thì năm nay đã tăng lên khoảng 25 triệu đồng. Nguyên nhân bởi, chi phí mua giống tăng gấp đôi, cùng chi phí về phân bón, nhân công đều tăng.

UBND phường Tây Tựu cho biết, trên địa bàn phường có khoảng 700 ha trồng hoa. Trong đó, 283,4ha trồng hoa là diện tích đất địa phương, còn lại người dân thuê đất của các xã lân cận. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều diện tích hoa mất trắng hoặc ảnh hưởng đến sinh trưởng. Hiện tại, người dân đang tập trung sản xuất hoa vụ Tết. Chính quyền địa phương đã cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Gia đình nào có nhu cầu vay vốn ủy thác qua ngân hàng để sản xuất phường sẽ hỗ trợ.

Tương tự, tại làng hoa xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội), người dân cũng đang hối hả chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Chị Nguyễn Thị Thoa (xã Tiền Phong) cho biết, đợt mưa lũ vừa qua gia đình chị mất trắng 70 triệu đồng chi phí đầu tư 3 sào hoa. Sau khi nước rút, gia đình đã vay vốn đầu tư cho vụ hoa Tết.

“Chúng tôi đặt hết hy vọng vào vụ hoa Tết này. Nếu hoa nở đúng vụ, gia đình sẽ trả hết nợ và có thêm một khoản sắm Tết”, chị Thoa chia sẻ.

Nguy cơ khan hiếm đào Tết

Trên vùng bãi sông Hồng thuộc xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên), vợ chồng anh Lê Văn Hiền (xã Hồng Thái) đang đánh bầu (đảo cây) cho đào. “Việc đánh bầu để gần Tết chuyển cây đi bán, hoa sẽ không bị héo”, anh Hiền chia sẻ.

Theo anh Hiền, để cây đào nở hoa đúng dịp Tết, không phải chỉ tác động vào giai đoạn cuối mà phải tác động trong suốt quá trình phát triển của cây. Ngoài các biện pháp như tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa tạo tán... muốn cho cây đào ra hoa đúng dịp Tết còn phải thực hiện thêm các biện pháp kỹ thuật như khoanh vỏ hoặc đảo cây, tuốt lá.

Nhận định về giá đào Tết năm nay, anh Hiền cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão nên nhiều diện tích đào bị chết hoặc không phát triển. Vườn đào 3ha của gia đình anh cũng bị thiệt hại khoảng 30%. Cùng với đó giá phôi đào, công chăm sóc, phân bón cũng tăng. Do đó, anh nhận định giá đào Tết năm nay có thể sẽ tăng hơn năm ngoái một chút.

Ở vườn bên cạnh, chị Đặng Thị Mùi (xã Hồng Thái) cũng đang tuốt lá cho đào. Chị bảo, thường trước Tết từ 1,5- 2 tháng người trồng đào sẽ tiến hành tuốt lá. Thời gian tuốt lá tuỳ thuộc vào năm nhuận hay năm thường, thời tiết trong từng năm hoặc là sức sinh trưởng của từng cây. “Tuốt lá đào là để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ. Đồng thời, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cách dày, màu đẹp”, chị Hiền chia sẻ.

MỚI - NÓNG