Bài 1: Những gia sư không lương
Hằng đêm, hàng trăm bạn trẻ gác lại công việc của mình để đến với những lớp học miễn phí tại nhà mở, mái ấm hay trong nhà chùa giúp các em không may mắn. Những gia sư không lương này tâm niệm: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Thay đổi từ điều nhỏ nhất
Từ ý tưởng “Thay đổi xã hội từ những điều nhỏ nhất”, dự án Gia sư tình nguyện, do bạn Hồ Diên Tuấn Anh, 23 tuổi, cựu sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM khởi xướng, hoạt động được một năm qua. Ban đầu chỉ 3 thành viên dạy học miễn phí cho các em ở các nhà mở, mái ấm, ở chùa; các em có hoàn cảnh khó khăn, sau gần 4 tháng, hoạt động có ý nghĩa này thu hút hơn 500 bạn trẻ tham gia.
Gia tài của nhóm gia sư tình nguyện là 19 lớp học với gần 600 học sinh. Mỗi lớp học như vậy có 20 em học sinh và có 5 - 7 bạn tình nguyện viên dạy 3 buổi trong tuần vào các buổi tối. Đây là khoảng thời gian các gia sư không lương rảnh rỗi và các em học sinh đông đủ nhất. Với những em mới bắt đầu đi học, các bạn tình nguyện viên sẽ dạy các em học thuộc bảng chữ cái, học ghép vần rồi học cộng trừ. Với những em lớn hơn thì sẽ dạy thêm môn Anh văn rồi dạy các môn Toán, Lý, Hóa cho các em học cấp 2-3.
Nguyễn Hữu Huỳnh, học sinh lớp Hoa Mẫu Đơn (quận Tân Phú) cho biết: “Các anh chị tình nguyên viên ở đây dạy rất nhiệt tình, không chỉ là một người thầy, người cô mà còn là những người anh trai, chị gái rất thân thiết của chúng em”. Theo Trần Thị Mỹ Lan, sinh viên năm 2 Đại học Tài chính - Marketing, mỗi bạn tình nguyện viên sẽ theo dõi từ 2 - 3 em học sinh. Không chỉ bổ trợ về mặt kiến thức, các bạn còn thường xuyên tâm sự, định hướng và giải quyết một số vướng mắc cho các em. Mỹ Lan chia sẻ: “Có lần đang dạy các em ghép vần, trong bài có từ “hoài bão”, một em đứng lên hỏi mình giải thích nghĩa từ đó. Sau khi cắt nghĩa, em đó lại hỏi hoài bão của cô giáo là gì. Mình trả lời: Sau này đi làm được nhiều tiền để xây trường học miễn phí cho các em. Các em vỗ tay khiến mình vui và rất xúc động”.
Để có kinh phí mua đồ dùng học tập, sách vở và phần thưởng cho các em, Tuấn Anh cho biết, cả nhóm kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ và tổ chức làm đồ thủ công để bán, rồi các bạn sinh viên đóng góp.
Công việc dạy học cho các em không chỉ đơn giản là có kiến thức sư phạm mà còn có tình yêu thương và trách nhiệm. “Nhiều em không ý thức được học để làm gì, vì sao phải đi học. Vì thế trước khi dạy chữ, các gia sư trẻ còn phải là những người bạn đồng hành, những chuyên gia tâm lý”- Mỹ Lan nói. Có nhiều em theo học được một vài buổi rồi bỏ giữa chừng, khi đó các tình nguyện viên sẽ đến tận nhà động viên các em trở lại đi học.
Hồ Diên Tuấn Anh, Chủ nhiệm CLB Gia sư tình nguyện cho biết, tại Trường khuyết tật Hy Vọng (quận 6), việc dạy học cho các em ở đây không dễ dàng, bởi các em đều là trẻ khiếm khuyết về thể chất, tinh thần như: câm, điếc, chậm phát triển…nên khả năng tiếp thu kiến thức còn hạn chế. Các bạn tình nguyện viên khi giảng dạy phải sử dụng ngôn ngữ hình thể, kí hiệu, hình ảnh để giúp các em dễ tiếp thu hơn.
Sống là cho
Ra đời năm 2008, Đội công tác xã hội Bee Group của Đại học Sư phạm TPHCM là nơi hội tụ của hơn 500 bạn trẻ đam mê và yêu thích tình nguyện. Với phương châm “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, các bạn trẻ của Bee Group đã chung tay thực hiện nhiều chương trình tình nguyện ý nghĩa. Hằng tháng, Bee Group tổ chức đi thăm và tặng quà cho các trẻ em nghèo, dạy học cho trẻ em khuyết tật, thăm các cụ già ở viện dưỡng lão, tặng quà cho người vô gia cư, nhặt rác ở công viên…
Để có nguồn quỹ hoạt động, các bạn tình nguyện viên trong Bee Group đi thu gom ve chai ở nhà dân, công viên và làm đồ handmade để bán. Hai hoạt động thường xuyên nhất của Bee Group đó là chương trình “Ấm lòng đêm đông” và “Giáng Sinh yêu thương”.
Trần Quốc Chí, Đội trưởng Đội Bee Group, cho biết ngoài hoạt động chính là các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng thì Đội còn thường xuyên tổ chức các lớp học kỹ năng mềm cho các bạn thành viên như: Lớp kỹ năng giao tiếp quyết đoán, lớp kỹ năng ngôn ngữ ký hiệu, kỹ năng làm việc nhóm…
(Còn nữa)