Giao thông Việt Nam vẫn cần nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa. Ảnh: Bảo An
10 nghìn người chết và 4,5 tỷ USD/năm
Ông nhìn nhận như thế nào về TNGT tại Việt Nam?
Mỗi năm thế giới có 1,3 triệu người chết, tương đương 3.000 người chết/ngày và 20-50 triệu người bị thương/năm. Với Việt Nam, nếu lấy con số tròn, mỗi năm có 10.000 người chết. Tính ra, mỗi năm tổn thất 3% GDP. Trung bình GDP nước ta đạt 150 tỷ USD, mỗi năm mất 4,5 tỷ USD vì TNGT.
Nếu ATGT tốt sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho phát triển; đó là chưa kể những thương vong không gì bù đắp được. Trong quan niệm về phát triển bền vững của quốc tế, ngoài phát triển xanh, không ô nhiễm môi trường; ATGT được xem là một tiêu chí quan trọng.
Vậy giải pháp nào để tăng an toàn cho người đi xe máy - phương tiện phổ biến ở nước ta, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thạch, sinh năm 1961, tốt nghiệp thạc sĩ về GTVT tại Đại học Tổng hợp Sydney (Australia), có 10 năm liên tục giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT). Ông Thạch đạt điểm cao nhất kỳ thi Vụ trưởng ATGT (ngày 11-12/10) với 87/100 điểm.
Tàu hỏa, tàu điện ngầm được xem là phương tiện công cộng tốt nhất; xe buýt cũng chỉ đảm nhận một mức độ nào đó. Khi các phương tiện công cộng này tương đối hoàn thiện, chúng ta mới nghĩ đến việc cấm phương tiện cá nhân.
Ngay tại Quảng Châu (Trung Quốc), lộ trình cấm xe máy được đặt ra trong 16 năm. Với Việt Nam, xe máy vẫn chủ lực trong 10 – 20 năm tới. Giải pháp căn bản nhất lúc này là cần tách làn ô tô và xe máy riêng.
Trước đây, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) tai nạn nhiều do xe máy, nhưng từ khi không cho xe máy đi vào, giảm rất nhiều. Theo tôi, cần tách làn phương tiện ngay khi xây dựng các tuyến đường.
Malaysia những năm qua đã giảm được 20% số người chết vì TNGT bằng giải pháp này. Ở Việt Nam, 70% TNGT do xe máy. Tính trên tổng số 10.000 người chết mỗi năm, có 7.000 người chết đi do tai nạn xe máy/năm. Nếu chúng ta tách làn, chỉ cần giảm được 1.000 người chết thôi đã thành công rất lớn.
Tân Vụ trưởng An toàn giao thông Nguyễn Văn Thạch
Tư nhân lắp camera phạt nguội
Khi thi, ông nói nhiều đến vấn đề xử phạt vi phạm ATGT bằng hình ảnh để thay vì CSGT xử phạt trực tiếp. Phương án ông đề xuất cụ thể là gì?
Dùng camera phạt nguội giúp giảm đầu tư về con người, giảm cả tiêu cực. Nhưng do nguồn lực khó khăn, Nhà nước chưa thể đầu tư ngay. Tuy nhiên, kinh nghiệm ở một số nước châu Âu là để các công ty tư nhân đầu tư. Camera của tư nhân chụp hoặc quay được lái xe nào vi phạm rõ ràng, CSGT căn cứ trên đó để xử phạt, công ty đó được hưởng phần trăm. Phương án này có thể áp dụng với Việt Nam.
Tiềm năng để áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý giao thông rất lớn. Chẳng hạn, trong đào tạo lái xe, vấn nạn lớn nhất là thầy dạy lái cắt bớt giờ thực hành; người học xong không lái được. Do vậy cần gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe học lái; khi nào chạy đủ kilômét mới được cho học viên thi.
Ngoài hạ tầng, ông thấy điều gì khác biệt giữa giao thông Việt Nam và các nước?
Xin kể câu chuyện, một ông bố ở nước ngoài đưa xe ô tô đến đón con tan học. Con thấy bố có mùi bia rượu đã không chịu lên xe. Điều đó cho thấy, việc giáo dục ATGT của họ trong nhà trường rất tốt. Đây là vấn đề quan trọng chúng ta cần làm. Giao thông chỉ an toàn khi người tham gia giao thông thực sự tự giác.
Những giải pháp của ông đều mang màu sắc nước ngoài, ông có nghĩ sẽ rất khó áp dụng tại Việt Nam, ngay từ nhận thức?
Vấn đề quan trọng là mình vận dụng phù hợp. Tôi có chuyên môn về cơ khí giao thông, học thạc sỹ quản lý phương tiện ở Australia nên cũng thuận lợi. Bản thân tôi thấy mình có “máu” nghề nghiệp và thấy trách nhiệm trong nghề.
Tôi đến với cuộc thi vừa qua cũng vì thấy các kỳ thi trước ở Bộ GTVT minh bạch, cởi mở để mình thể hiện trách nhiệm. Tới đây, tôi sẽ đưa những giải pháp của mình để bàn với lãnh đạo Bộ GTVT. Nếu cái gì được nhất trí, dễ dàng sẽ làm ngay.
Xin cảm ơn ông!