TPO - Những ngày giáp Tết, đặc biệt là từ ngày 20 tháng chạp, các gia đình ở TPHCM sắm hoa quả, lễ vật để cúng, sửa sang lại mộ phần người thân. Phong tục này còn gọi là tảo mộ, bởi tục ngữ Việt Nam có câu "cao nấm, ấm mồ".
Cứ vào những ngày giáp Tết, đặc biệt là từ 20 tháng chạp, các gia đình lại chuẩn bị đồ cúng, nhang đèn đi tảo mộ người thân. Tảo mộ hay còn được gọi là chạp mả, là lau chùi, quét dọn sửa sang lại phần mộ của người đã khuất trước Tết. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, con cháu đem hương hoa, lễ vật đến thắp hương mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết cùng gia đình. Trong ảnh là khu mộ thuộc phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM).
Người dân TPHCM thường chọn ngày 25 tháng Chạp để đi tảo mộ.
Nhân công chăm sóc mộ những ngày này cũng kiếm được nhiều việc, thu nhập cũng cao hơn ngày thường
Một bạn trẻ dậy sớm, chuẩn bị các vật dụng để lau rửa mộ người thân.
Một gia đình đang chuẩn bị bày biện các lễ vật để cúng ông bà
Bạn Cao Nguyễn Ý My vừa từ TP Đà Lạt trở về TPHCM chuẩn bị đồ cúng ông bà tại khu mộ của gia tộc.
Ông Nguyễn Thành Tân (ngụ quận Bình Tân) đang chăm lại cây sứ ở khu mộ của cha và mẹ. "Cây sứ tốt thật, cả năm mới lên một lần mà nó vẫn xanh tốt. Đây chính là dịp để gia đình, con cháu đoàn tụ, sum vầy và bày tỏ những tâm tư, tình cảm với những người đã khuất trong một năm vừa qua. Tảo mộ còn có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, nhắc nhở con cháu về đạo lý chim có tổ, người có tông", ông Tân nói.
Bạn Ý My cũng chia sẻ: "Dù có đi xa nhưng vào mỗi dịp Tết, người dân Việt Nam đều dành thời gian trở về quê hương để thăm viếng phần mộ của người đã khuất. Khi đi tảo mộ, cần lưu ý: Không được giẫm đạp lên mộ, không làm xáo trộn phần mộ, không được nói tục, chửi bậy,...".
Khi đi tảo mộ, hầu hết các gia đình chuẩn bị nến, trà, rượu, nước, tiền vàng, trầu cau, nhang và trái cây. Có thể chuẩn bị lễ chay hoặc lễ mặn. Đối với lễ chay, cần chuẩn bị thêm bánh, gạo, muối, chén mật, xôi chè. Lễ mặn sẽ có thêm chân giò, gà luộc hoặc vịt, heo (lợn) quay
"Lễ vật đem đi tảo mộ không cần quá cầu kỳ nhưng phải thể hiện được sự thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Ngày tảo mộ thường diễn ra từ ngày 20 tháng Chạp đến tối 30 Tết tùy theo truyền thống của từng gia đình", bà Nguyễn Thị Thu Ba chia sẻ sau khi khấn tổ tiên.
Hoá vàng là phong tục lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, ngày nay, người dân cũng ý thức hơn, không đốt quá nhiều vàng mã.
Là một sỹ quan quân đội, những ngày cận Tết khá bận bịu, anh Thành Công vẫn cố gắng thu xếp về tảo mộ ông bà cùng mẹ và em gái.
"Mình hoá vàng tượng trưng thôi nhằm tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Theo mình, vọng ngưỡng ông bà là ở trong tâm", anh Công nói.
Một gia đình sum vầy ăn uống, hoá vàng cho người đã khuất.
Theo phong tục ở Nam bộ, trước khi tiến hành làm cỏ, sơn phết lại mộ phần, người cao tuổi nhất, có uy tín trong họ sẽ đại diện thắp nhang, đốt đèn, mời rượu, cúng bánh, đốt vàng mã và khấn vái trước khi động mộ. Nhiều gia đình cho rằng, tảo mộ cuối năm cũng là dịp để con cháu được giãi bày tâm sự với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong năm. Cho nên, đây không chỉ là phong tục phổ biến của các gia đình mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Dòng họ sẽ chọn đúng vào ngày chạp họ sau khi anh em trong họ hàng nội tộc gặp mặt cuối năm tại nhà thờ họ để cúng lễ tổ tiên, dọn dẹp, sơn phết, trang hoàng...
Khi đi tảo mộ, cha mẹ hay ông bà cũng thường dẫn con cháu theo, trước là để hướng dẫn cho thế hệ sau biết những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho con cháu sự kính trọng tổ tiên qua tục tảo mộ. Sau khi dọn mộ xong, những cụ lớn tuổi thường ngồi lại phân tích mối quan hệ họ hàng, tên, tuổi của người nằm dưới mộ để con cháu tường tận về nguồn cội ông bà, tổ tiên. Việc tảo mộ cuối năm có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để ông bà, cha mẹ, con cháu gặp gỡ cũng như để tạ ơn thần linh, thổ địa khu vực có mộ phần. Tương tự như cuối năm con cháu làm lễ tạ ơn thần linh, thổ địa, tiền chủ nơi nhà họ đang sinh sống.
Mộ phần tươm tất ngày cuối năm là một trong những đạo hiếu tốt đẹp của người Việt đã gìn giữ từ ngàn đời nay.