Người nước ngoài với hương vị Tết Việt

Người nước ngoài với hương vị Tết Việt
Họ đều là những người đến từ những đất nước xa xôi và đã gắn bó với Việt Nam tới cả 10 năm trời.
Người nước ngoài với hương vị Tết Việt ảnh 1
Markus Madeja- ông chủ của hai cửa hàng lớn ở Hà Nội

Markus Madeja (Thuỵ Sĩ) yêu say con người, văn hoá nơi đây và trở thành chàng rể đất Việt, “lận” tới cả 2 quán ăn giữa lòng Hà Nội. Suzane Lecht (Mỹ) bị Hà Nội cổ kính quyến rũ tới mức đã hoà nhập rồi không thể rời xa nó được. Seako Ando (Nhật) trót lỡ yêu nghệ thuật sơn mài Việt Nam để khi giỏi rồi thì không muốn về nữa. Đã bao cái Tết cổ truyền Việt Nam họ đón rồi nhỉ?

Markus Madeja: “Tôi đã bị mê hoặc”

Để nói rằng Markus Madeja (Thuỵ Sĩ) say mê những cái gì thật khó. Bởi với anh, Việt Nam có quá nhiều điều khiến anh say mê. Thứ nhất là cô vợ yêu quí của anh, người sinh ra từ thôn quê một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng.

Thứ nữa là đất nước, con người, ngôn ngữ, văn hoá và rượu Việt Nam... Anh yêu mến những gì thuộc về Việt Nam đến mức anh quá hiểu về đất nước này và hoà nhập với cuộc sống, con người nơi đây như một người Việt Nam chính hiệu.

Nhiều người khi tiếp xúc với anh nói rằng, gã này chắc là con lai nước Việt. Sự ngờ vực ấy cũng có lý. Nếu như có một cuộc thi tài nói tiếng Việt và am hiểu về văn hoá Việt Nam dành cho người nước ngoài thì có lẽ Sơn (tên Việt Nam của anh) sẽ đạt thứ hạng cao.

Anh tâm sự: “Việt Nam đã là đất nước tôi. Khoảng 10 năm rồi tôi đón Tết Việt Nam, cả ở nông thôn quê vợ tôi và thành phố. Cái Tết ở quê và thành phố có những điều khác nhau nhưng nó đều rất thiêng liêng.

Sự trở về của những người rời xa quê hương đoàn tụ bên gia đình để đón Tết sao thật ấm cúng. Đó là tình cảm của người Việt mà hiếm một đất nước nào có nổi. Tôi đã bị mê hoặc ở tính cách người Việt, văn hoá Việt...”.

Suzane Lecht: “Hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được”

Người nước ngoài với hương vị Tết Việt ảnh 2
Họa sỹ Suzane Lecht

Nhiều người Hà Nội đã quen với cái tên Suzane Lecht, giám đốc Mỹ thuật Art Việt Nam-một gallery có tiếng ở Hà thành. Chị thú nhận rằng mình đã bị Việt Nam hoá rồi.

Gần 10 năm sống và làm việc ở nơi đây, Suzane Lecht gắn bó với nếp ăn, nếp nghĩ của con người, văn hoá nước Việt. Chị thường nói: “Với Việt Nam, tôi có một tình cảm thật đặc biệt.

Điều đó khó diễn đạt bằng ngôn ngữ. Đó là một Hà Nội cổ kính và cũng rất hiện đại, những con người thân thiện và giàu lòng nhân ái. Là một người Mỹ, tôi cảm thấy buồn khi nghe kể lại cuộc chiến tranh mà người Mỹ đã gây ra trên mảnh đất này.

Hơn bao giờ hết, tôi muốn làm một cái gì đấy để giúp mọi người, muốn cho người Mỹ hiểu hơn về văn hoá và con người Việt Nam và tôi đã chọn mỹ thuật”. Art Việt Nam trưng bày nhiều tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau của các họa sĩ Việt Nam và nước ngoài.

 “Tôi cố gắng tìm kiếm, giới thiệu hoặc khám phá ra những tác phẩm đầy tính sáng tạo mới của các họa sĩ tài năng Việt Nam”. Ngoài ra, chị còn thích khám phá văn hoá Việt Nam như: các công trình kiến trúc cổ Hà Nội, nhất là kiến trúc đình chùa. Những lúc rỗi, chị thường đến những nơi này để tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam.

“Tôi vẫn sống một mình và được sưởi ấm mãnh liệt nhất mỗi độ xuân về. Những người bạn Việt đã làm tôi ấm lòng. Tôi yêu cái giá lạnh của tiết trời xuân Hà thành, những cành hoa đào, quất ngày Tết. Bánh chưng mới tuyệt vời làm sao. Cái hương vị đặc trưng ấy không lẫn vào đâu được.

Những ngày thường tôi cũng có thể đi tìm mua một chiếc bánh chưng để ăn nhưng bánh chưng Tết rất khác, nó hàm chứa cả một lớp lang văn hoá trong đó nữa...”

Saeko Ando: “Tôi cũng thấy quê mẹ ở Việt Nam”

Người nước ngoài với hương vị Tết Việt ảnh 3
Gia đình Saeko Ando

“Tôi đâu ngờ mình lại ở Việt Nam lâu đến thế. Tình yêu nghệ thuật sơn mài và đất nước các bạn đã níu kéo tôi ở lại”. Họa sĩ Seako cười và hồi tưởng.

Sau vài năm, với sự truyền dạy của vài họa sĩ giỏi, Saeko đã trở thành một hoạ sĩ sơn mài với nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm tranh ở Việt Nam và Nhật.

Tranh của Saeko kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, pha trộn cả 2 sắc màu nghệ thuật sơn mài Việt Nam và Nhật Bản. Điều đáng quí ở Saeko là chị sử dụng 100% chất liệu sơn ta (sơn tự nhiên) trong các tác phẩm của mình chứ không sử dụng sơn công nghiệp, vừa bền lâu, vừa đẹp tự nhiên.

“Là người nước ngoài, nếu thành công ở lĩnh vực này, tôi nghĩ, đó sẽ là điều khích lệ nhiều người Việt Nam theo nghề. Và, tôi nghĩ tới việc truyền nghề và quảng bá nghệ thuật sơn mài Việt Nam ra nước ngoài”.

Với ý nghĩ đó,  năm năm trước, Saeko đã mở xưởng tại nhà và nhận các học viên về dạy. Năm ngoái, Saeko cùng với hai người bạn khác thành lập Công ty Cây Sơn, nơi vừa mở lớp dạy nghề sơn mài, vừa trưng bày, giới thiệu các tác phẩm tranh của các họa sĩ, nghệ nhân.

Từ đó đến nay, Cây Sơn đã đón nhận được nhiều học viên đến học, trong đó có nhiều học viên nước ngoài  (Nhật, Úc, Mỹ, Pháp, Bỉ, Malaysia, Indonesia, Lào, Đài Loan...).

Saeko là người giỏi tiếng Việt, tiếng Anh và cô muốn con mình cũng sẽ yêu Việt Nam như mẹ. “Chúng tôi sống trong một ngõ nhỏ và hoà trộn cuộc sống gia đình mình với những người hàng xóm Việt Nam tốt bụng.

Tết cổ truyền Việt Nam đến và chúng tôi cũng chộn rộn đón nó như đón Tết cổ truyền của Nhật Bản vậy. La cà với các bạn người Việt trong những ngày Tết là thú vui của gia đình tôi. Một vòng quanh hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, đi lễ chùa hay ngồi xuýt xoa bên những món ngon ngày Tết giữa cái lạnh đầu xuân. Việt Nam đã cho tôi tất cả rồi. Ôi thế là lại đến Tết rồi!”.

Theo Vương Mơ
Văn hóa

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.