Ngày 2/8, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp, thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu). Nêu quan điểm về dự luật này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí việc cần tạo lập khung thể chế vượt trội, có thể vượt trên các luật hiện hành, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu… để thu hút nguồn lực đầu tư vào các đặc khu kinh tế này.
Cụ thể, về chính sách sử dụng đất đai, ông yêu cầu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tăng thời hạn được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất. Dự thảo luật cũng sẽ cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà đến 99 năm, cho phép thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Như vậy, so với quy định hiện nay là 50 năm, nếu dự luật này được thực thi, thời gian sở hữu nhà của người nước ngoài sẽ tăng lên gấp đôi.
"Tinh thần bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực, đi tắt đón đầu, tìm lợi thế so sánh để thu hút; phải tính trước mắt và lâu dài Việt Nam đang cần gì để chấp nhận những chuyện hết sức cụ thể ở từng đặc khu. Tinh thần xanh, sạch, đẹp, công nghệ cao, không trái điều ước quốc tế cần được quán triệt.Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư cập nhật thông tin mới nhất về đặc khu để có lợi thế so sánh, trước hết là những vấn đề về các nhà đầu tư chiến lược, bởi đặc khu mà không có nhà đầu tư thì khó thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, đồng thời nhấn mạnh trong quá trình xây dựng cần tiến hành đánh giá tác động, “lợi người lợi ta là cái gì, trước mắt, lâu dài là gì”, không nên chỉ nhìn vào mặt bất cập rồi bàn lùi.
Hiện Việt Nam đã có 18 đặc khu kinh tế cùng 325 khu công nghiệp với các chính sách ưu đãi đa dạng khác nhau. Cuối năm 2016, Chính phủ thống nhất thành lập thêm 3 đặc khu kinh tế, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Ba đặc khu kinh tế này được kỳ vọng sẽ tạo nên "giấc mơ về đặc khu kinh tế" của Việt Nam trong tương lai.