Vào ngày 30/1/2010 – ngày đầu tiên của lễ hội mùa xuân (Tết Âm lịch), một người mẹ trẻ lê bước về phía nhà ga, trên lưng cong một bao tải khổng lồ chứa đầy đồ dùng cần thiết hàng ngày, tay trái cầm quai của chiếc balo rách, trước ngực địu em bé, được đỡ bằng tay phải.
Khoảnh khắc đó được phóng viên Chu Khả của Tân Hoa Xã chụp lại tại Ga tàu hỏa Nam Xương ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc. Bức ảnh có tiêu đề “Con ơi, mẹ đưa con về nhà” nhanh chóng lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội đất nước tỷ dân.
Mặc dù bị hành lý đè nặng đến quằn lưng, nhưng ánh mắt cương quyết của người mẹ đã lay động không biết bao nhiêu người dân Trung Quốc. Từ đó, hình ảnh người mẹ trẻ đưa con về quê trở thành biểu tượng cho lễ hội mùa xuân thường niên – thời điểm hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê ăn Tết Nguyên đán, đồng thời cũng được dùng để ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng.
Không chỉ gây “bão” mạng, bức ảnh còn giúp phóng viên Chu Khả thắng giải Vàng nhiếp ảnh báo chí Trung Quốc và Giải thưởng Báo chí Trung Quốc lần thứ 21 vào năm 2011.
Thời điểm đó, nhiều người tò mò về danh tính người mẹ quật cường trong ảnh. Tuy nhiên, phóng viên Chu không có thông tin liên lạc của cô. Mãi gần đây, nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ cùng với quyết tâm tìm kiếm, phóng viên Chu đã tìm thấy nhân vật truyền cảm hứng năm xưa.
Theo đó, người mẹ trẻ có tên là Ba Mộc Ngọc Bố Mộc (32 tuổi), người dân tộc Di ở làng Đào Viên, huyện Việt Tây, Châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.
Bố Mộc cho biết, bức ảnh được chụp khi cô đang vội vã trở về nhà sau khi làm việc ở Nam Xương trong 5 tháng. Người mẹ trẻ nhớ hành trình gian khổ đó kéo dài ba ngày hai đêm, vừa đi tàu hỏa vừa đi xe buýt. Cô đã gói bánh mì, mì gói, tã lót cho con và chăn bông vào bao tải. Hành lý cồng kềnh đến mức nhiều hành khách tốt bụng đề nghị hỗ trợ cô mang vác.
Quê hương của Bố Mộc là một trong những khu vực nghèo khó nhất nước, công tác xóa đói giảm nghèo cũng không thuận lợi do môi trường tự nhiên khắc nghiệt. Nghèo đói cùng cực từng buộc nhiều phụ nữ địa phương trong nhiều thế kế phải hứa hôi ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Họ kết hôn ở tuổi 16 – 17, dành phần còn lại của cuộc đời để làm nông và chăm sóc gia đình.
Bố Mộc kể, thời thơ ấu của cô không có gì ngoài núi non. Cô không có cơ hội đến trường. Mong muốn các con được hưởng cuộc sống tốt hơn, cô quyết định gia nhập lực lượng lao động nhập cư tìm kiếm công việc được trả lương cao hơn ở các thành phố.
Tại Nam Xương, Bố Mộc làm việc trong một nhà máy gạch, kiếm được khoảng 500 nhân dân tệ (1,78 triệu đồng) mỗi tháng. Bà mẹ 32 tuổi chia sẻ, mức lương không cao, nhưng nó có thể giúp cô tạo ra cuộc sống tốt hơn cho các con.
Sau khi Bố Mộc trở về nhà vào Tết Nguyên đán 2010, quê hương dần thay đổi tích cực. Hướng dẫn về mục tiêu xóa đói giảm nghèo của nhà nước yêu cầu chính quyền địa phương điều chỉnh các biện pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện địa phương. Nhiều người dân trong làng bắt đầu trồng nhiều cây thuốc lá có lợi nhuận hơn và những loại cây hoa màu khác. Điều này mang lại hi vọng mới cho Bố Mộc và chồng cô.
Gia đình Bố Mộc trồng ngô, kiều mạch và khoai tây qua nhiều thế hệ trên khu đất rộng 0,4 ha. Đủ điều kiện đăng ký hộ nghèo, gia đình Bố Mộc được chỉ định những người hỗ trợ cụ thể, gồm các cán bộ và một kỹ thuật viên nông nghiệp. Dưới sự hướng dẫn từ các chuyên gia, họ bắt đầu trồng cây thuốc lá. Từ thử nghiệm đến trồng quy mô lớn, nỗ lực của gia đình Bố Mộc đã có kết quả. Đến năm 2020, họ không còn nằm trong dành sách hộ nghèo nữa, thu nhập hàng năm lên tới 100.000 nhân dân tệ (356 triệu đồng).
Thay đổi rõ rệt nhất của gia đình Bố Mộc là được chuyển đến sống trong nhà bê tông cốt thép vững chắc, đến từ nguồn trợ cấp chính phủ. “Sống trong một ngôi nhà như thế, không phải chịu cảnh mưa dột là điều tôi mơ ước từ nhỏ”, Bố Mộc nói. Trước đó, cô sống trong ngôi nhà bằng đất nung suốt 30 năm.
Do y tế hạn chế ở địa phương, Bố Mộc đã mất hai đứa con vì bệnh tật, bao gồm cả đứa bé trong bức ảnh nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện tại mỗi làng trong huyện đều có trạm y tế và người dân chỉ phải trả một phần nhỏ tiền thuốc men. Gia đình Bố Mộc cũng được hỗ trợ kinh phí để chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Nhờ đó, 4 đứa con còn lại đều được học hành đàng hoàng, lớn lên khỏe mạnh.
Ngoài ra, nhờ đường sắt cao tốc và cơ sở hạ tầng khác được nâng cấp, hành trình về quê hai ngày ba đêm 11 năm trước của Bố Mộc đã rút ngắn xuống còn 14 giờ. “Hồi đó tôi chưa bao giờ mong đợi một cuộc sống như ngày hôm nay. Do đó, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải không nản lòng và tiến lên phía trước”, Bố Mộc mỉm cười nói.