Sáng 18/4, ê kíp các bác sĩ ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 thông báo sức khoẻ của Khiêm đã tiến triển tốt, có thể ăn uống được và đi lại bình thường sau gần 20 ngày ghép gan từ người cho là mẹ của mình - chị Phạm Thủy Tiên, 40 tuổi.
Chị Tiên cho biết gia đình phát hiện con mắc căn bệnh hiểm nghèo từ khi Khiêm lên 3 tháng tuổi. “Trong một lần bé bị ói ra máu liên tục không cầm được, tôi chuyển con đến bệnh viện tại TP. HCM điều trị và phát hiện ra Khiêm bị suy gan kèm teo đường mật bẩm sinh”- chị Tiên nhớ lại. Ngay sau đó, Khiêm được thực hiện phẫu thuật nối gan - hỗng tràng để ngăn chặn tình trạng suy gan, kéo dài sự sống.
Để cứu con, chị Tiên dù khó khăn vẫn chạy vạy vay mượn nhiều nơi để có số tiền 500 triệu đồng thực hiện cuộc ghép, đồng thời chị quyết định cho con một lá gan của mình bất chấp những can ngăn rằng cả hai mẹ con sẽ nguy hiểm tính mạng.
Sau khi nhập viện, cuối tháng 3/2017, dưới sự hỗ trợ của GS Trần Đông A - chuyên gia ghép tạng hàng đầu tại Việt Nam, các công đoạn chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật ghép gan trên Khiêm bắt đầu.
Sau gần 12 giờ phẫu thuật, ê kíp các bác sĩ đã cắt toàn bộ lá gan bên trái của người mẹ đồng thời tiến hành ghép thành công vào cơ thể bệnh nhi. Tuy nhiên, sau ghép, bệnh nhi bị vàng mắt, vàng da do tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa gây chèn ép đường mật của phần gan được ghép từ người mẹ.
Trước những nguy cơ có thể xảy đến, các bác sĩ đã túc trực, theo dõi sát mọi diễn biến sức khỏe của bệnh nhi, đồng thời tích cực điều trị Sau gần 20 ngày chăm sóc tích cực, các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhi dần trở lại mức bình thường. Sáng nay, Khiêm đã ăn uống tốt, đi lại bình thường, còn chị Tiên cũng đã ổn định sức khỏe.
“Hiện Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang chăm sóc cho khoảng 200 bệnh nhi bị xơ gan do bệnh lý teo đường mật bâm sinh có nhu cầu ghép gan. Tuy nhiên, cái khó là nguồn gan nói riêng và tạng hiến nói chung rất khan hiếm”- GS Trần Đông A.