Người lao động còn lại gì?

TP - Ai cũng biết người lao động có 2 khoản lương, một khoản cố định tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), công đoàn phí, và một lương khác gồm nhiều khoản phụ cấp. Hai lương cộng lại thành thu nhập, dù nhiều người không làm thêm việc khác.

Phần lương không được tính vào đóng BHXH mới là nguồn sống chính của đa số công nhân. Nhưng nay, với các khoản phụ cấp cũng phải tính vào lương để làm cơ sở đóng BHXH, đã tới lúc nguồn sống chính cũng bị cấu, trừ.

Hiện Việt Nam đang có tỷ lệ đóng BHXH trên lương thuộc hàng cao nhất khu vực (chưa tính phí công đoàn), lên tới 26% lương hàng tháng. Trong đó, người lao động (NLĐ) đóng 8%, chủ sử dụng lao động đóng 18%. Điều này, được các cơ quan quản lý giải thích do mức lương mức đóng BHXH của NLĐ Việt Nam đang ở mức thấp hơn các nước. Tuy nhiên, lập luận này chỉ đúng vào thời điểm tiền lương tính đóng BHXH chưa bao gồm các khoản phụ cấp và khoản khác ngoài lương. Vì vậy, trên thực tế, một phần thu nhập NLĐ được hưởng toàn bộ, đôi khi khoản này tương đương lương, thậm chí cao hơn.

Nhưng điều đó đã thay đổi từ năm 2016, đặc biệt năm 2018 tới đây, khi tất cả các khoản phụ cấp cố định, chi trả thường xuyên mà NLĐ nhận được sẽ được cộng vào lương tính đóng BHXH. Lương tính đóng tăng lên, đồng nghĩa tỷ lệ đóng góp của NLĐ và doanh nghiệp cho BHXH cũng nhiều thêm. Như vậy, tiền lương của NLĐ không đổi, nhưng chi phí đóng góp lại tăng lên, nên túi tiền cũng mỏng dần. Trong khi, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện chỉ 6% lao động trong khu vực công nghiệp có tích lũy (mức tích lũy cũng chỉ 1-2 triệu đồng/tháng). Trong khi đa số NLĐ phải sống tằn tiện bằng đồng lương ít ỏi. Thậm chí, 20% NLĐ có lương không đủ sống. Như vậy, với đa số công nhân sống tằn tiện bằng lương ít ỏi, mỗi tháng phải chi thêm đôi trăm, có khi chỉ vài chục nghìn đồng cũng xót xa. Số tiền đó không còn, vài que kem, cái kẹo để khiến con vui cũng tiêu tan. Còn 20% NLĐ lương không đủ sống thì khỏi phải bàn thêm nữa.

Bấy lâu ai cũng biết doanh nghiệp tìm cách lách quy định, thay vì trả bằng lương để phải đóng các khoản bảo hiểm, công đoàn cao hơn, đã nghĩ ra đủ loại phụ cấp để trả thêm cho NLĐ. Như lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng phải thừa nhận, nếu không trả thêm sẽ chẳng ai làm, vì lương thấp quá. Cách này không trái luật, nhưng là hành vi lách luật, nên không ai khuyến khích. NLĐ biết điều đó, nhưng cũng chẳng ai phản đối, thậm chí còn vui vì ai cũng có lợi.

Thay vì bàn trách nhiệm, hãy hỏi tại sao họ phải làm vậy khi chẳng ai muốn mình phải lách luật. Phải chăng do mức thu các khoản thuế, phí, bảo hiểm… đang làm nặng gánh doanh nghiệp và NLĐ? Hay mức lương chưa đủ trang trải cuộc sống? Nghe đâu ngành BHXH chuẩn bị bắt tay ngành thuế để thu phí BHXH cho đúng, cho đủ. Xem ra doanh nghiệp sắp hết cửa lách.

Mỗi lần tăng lương thêm được 100-200 nghìn đồng/tháng, thậm chí với công nhân viên chức chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng kéo theo đó giá cả tăng, các khoản đóng góp khác cũng tăng theo. Hay lại nói như lãnh đạo Bộ Tài chính mới đây về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT): “Người nghèo ít ảnh hưởng”. Nay điều chỉnh lương tính đóng BHXH, ngành này cũng có thể nói mức đóng tăng thêm cũng không nhiều. Rồi mỗi năm học tới, ngành giáo dục cũng có vài khoản phí tăng chút đỉnh, y tế cũng tăng chút xíu… Mỗi ngành đều nói, điều chỉnh đó thấp lắm, người nghèo ảnh hưởng ít, nhưng cùng cộng lại sẽ thành “nhiều xíu”.

Khi chi phí tăng, người ta sẽ tính cách lách, như kiểu ô tô né trạm thu phí quốc lộ cày nát đường xóm. Ai cũng biết như vậy không tốt, thậm chí là xấu, nhưng vẫn phải làm. Nhưng tại sao lại vậy?

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.