Nhưng những gì diễn ra năm ngày sau đó lại hoàn toàn trái ngược.
Ever Given - một con tàu container dài cỡ một tòa nhà chọc trời đã bị mắc cạn ở bờ kênh vào ngày 23/3. Và ông chủ của Abdul-Gawad lập tức gọi anh đến hiện trường.
“Chúng tôi cần cậu lên xe và đến ngay bây giờ vì cậu là người lái máy xúc duy nhất ở gần đây”, lãnh đạo nói với nam nhân viên 28 tuổi, người từng lái máy xúc từ khi còn học đại học.
Abdul-Gawad đấu với “quái vật”
Giải phóng Ever Given là một nỗ lực tổng hợp, với tời, tàu kéo và máy xúc Nhưng Abdul-Gawad là người thực sự phải đối diện với vấn đề. Khi đã đến chân tàu, Abdul-Gawad không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu đào.
Theo ước tính của anh, mũi tàu của Ever Given bị mắc kẹt dưới khoảng 6 mét đất. Đuôi tàu cũng mắc ở bờ đối diện. Con tàu chắn ngang kênh Suez, chặn mọi luồng giao thông.
Hình ảnh chiếc máy xúc tí hon đối đầu với con tàu khổng lồ đã khiến nhiều người phì cười. Nhưng đối với Abdul-Gawad thì tình huống này kém hài hước hơn nhiều. Nó thực sự nguy hiểm.
Sự đối lập đáng sợ giữa kích thước tàu Ever Given với kích thước chiếc máy xúc của Abdul-Gawad. Ảnh: BI |
Đảm nhận nhiệm vụ xúc đất để giải phóng mũi tàu, chỉ một sai sót nhỏ của Abdul-Gawad cũng có thể khiến con tàu chở hàng chục nghìn container đổ ụp xuống.
“Tôi đã rất sợ rằng con tàu sẽ quá nghiêng về bên này hoặc bên kia. Nếu nó đổ nghiêng về phía tôi, thì vĩnh biệt máy xúc, vĩnh biệt Abdul-Gawad.
Nếu bạn thấy sự đối lập giữa kích thước của con tàu với kích thước của máy xúc, thì bạn sẽ thấy nó rất đáng sợ.”
Hai chiếc máy xúc khác đã được điều đến hiện trường vài ngày sau đó, nhưng các tài xế quá sợ hãi để làm những gì Abdul-Gawad đang làm. Thay vào đó, họ chỉ loanh quanh dọn sạch khối đất đá mà Abdul-Gawad đào lên.
21 giờ/ngày
Đi đôi dép tông mỏng tang, Abdul-Gawad đảm nhận công việc đào bới suốt nhiều giờ liên tục. Khi các tàu kéo hoạt động, Abdul-Gawad sẽ nhận được tín hiệu bộ đàm để tạm thời lui ra xa.
“Nhưng bạn biết đấy, cho đến khi tôi đào được 5, 6m, thì vẫn không hề có động tĩnh gì.”
Ảnh: BI |
Khi những hình ảnh chế về chiếc máy xúc của Abdul-Gawad bắt đầu xuất hiện trên mạng Internet, anh cho biết mình cảm thấy như thể "mọi người chỉ đang giễu cợt tôi”.
“Và đó là điều khiến tôi quyết tâm hơn. Tôi nghĩ là, bạn đang chế giễu tôi nên tôi sẽ chứng minh rằng tôi có thể làm được điều này."
Abdul-Gawad cho biết, suốt vài ngày, anh và các đồng nghiệp chỉ được nghỉ ngơi tại một doanh trại của những người lính biên phòng gần đó.
“Họ biết rằng nếu chúng tôi về nhà, thì chúng tôi sẽ không trở lại sau khoảng tám, chín tiếng tới”, anh nói.
Abdul-Gawad và đồng nghiệp chỉ ngủ được khoảng ba giờ mỗi đêm. Có hôm chỉ được ngủ một tiếng.
Thành công
Ngày 25/3, một chiếc tàu nạo vét chuyên dụng - Mashhour - đã tham gia nỗ lực giải cứu tàu Ever Given. Công việc của Abdul-Gawad lúc này là chuyển đất đá và cát từ mũi tàu đi nơi khác, trong khi tàu Mashhour đánh bật phù sa khỏi lòng kênh.
Nỗ lực kết hợp - với sự trợ giúp của thủy triều dâng cao - đã mang đến những dấu hiệu đầy hy vọng vào ngày hôm sau. Và cuối cùng, chiến dịch đã thành công vào ngày 29/3. Hình ảnh tàu Ever Given thoát mắc cạn khiến mọi công nhân reo hò, và những chiếc tàu kéo bấm còi ăn mừng.
Abdul-Gawad cho biết anh và các đồng nghiệp đã "sống dở chết dở vì kiệt sức."
“Chúng tôi đã bị đẩy đến giới hạn của mình”, Abdul-Gawad nói. “Nhưng giây phút chúng tôi tiễn Ever Given ra khơi, mọi mệt mỏi dường như tan biến.”
Các quan chức khảo sát hiện trường. Ảnh: BI |
Sự im lặng đáng sợ
Kênh đào Suez là nguồn tự hào ở Ai Cập, được gọi là "Món quà của Ai Cập cho thế giới" trên các bảng quảng cáo khi kênh này được mở rộng vào năm 2015.
Tổng thống Ai Cập - Abdel Fattah el-Sisi tuyên bố: "Người Ai Cập đã chấm dứt cuộc khủng hoảng tàu mắc cạn Ever Given bất chấp mọi khó khăn.”
Nhưng Abdul-Gawad cho biết anh hầu như không được tham gia bất cứ lễ ăn mừng nào. Ngoài một buổi lễ nhỏ do một tờ báo tổ chức, Abdul-Gawad hầu như không nhận được sự công nhận chính thức nào cho vai trò của mình.
“Tôi được mời đến buổi lễ, nơi họ vinh danh những người đưa tàu ra khơi.” Nhưng nó chủ yếu dành cho các nhân viên của Cơ quan quản lý kênh đào Suez, không bao gồm Abdul-Gawad vì anh làm việc cho một nhà thầu phụ.
Lời mời cũng chỉ được gửi đến Abdul-Gawad vào phút chót. Vì sự kiện ăn mừng diễn ra ở một thành phố cách đó bốn giờ lái xe. Còn Abdul-Gawad nhận được lời mời trước đó một tiếng rưỡi.
Abdul-Gawad cho biết anh cảm thấy vô cùng đau lòng.
“Cơ quan quản lý kênh đào Suez tự vỗ ngực rằng họ đã làm được một công việc tuyệt vời. Nhưng cuối cùng thì, nếu không có máy xúc, con tàu sẽ không đi đâu cả. Nó có thể vẫn bị mắc kẹt."
Hình ảnh vụ mắc kẹt nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Maxar |
Trả lời phỏng vấn ngày 8/4, Abdul-Gawad cho biết anh và các đồng nghiệp vẫn chưa nhận được tiền làm thêm giờ, dù mỗi ngày làm việc tới hơn 21 tiếng.
Tuy nhiên, Abdul-Gawad cho biết anh sẽ nhìn lại những ngày phi thường đó với niềm tự hào.
“Đây là một thành tựu,” anh nói. "Đầu tiên đó là một thành tích cho Ai Cập, nhưng đó cũng là một thành tích đối với tôi. Sự kiện này có thể chỉ xảy ra một lần trong đời. Cùng lắm là hai lần. Đó là điều đáng tự hào."