Phát biểu của ông Gao Fu tại cuộc họp báo ở TP Thành Đô đánh dấu lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc nói công khai về hiệu quả thấp của các loại vắc-xin do nước này sản xuất.
Ông Gao nói rằng các quan chức nước này đang nghiên cứu hai lựa chọn để “giải quyết vấn đề các vắc-xin hiệu quả không cao”.
Một lựa chọn là trộn các loại vắc-xin với nhau. Lựa chọn khác là “điều chỉnh liều lượng, khoảng cách giữa các liều hoặc tăng số lượng liều”.
Các chuyên gia cho rằng trộn nhiều loại vắc-xin có thể tăng hiệu quả phòng bệnh.
Các nhà khoa học Anh đang tiến hành nghiên cứu lâm sàng để trộn vắc-xin của AstraZeneca và Pfizer-BioNTech.
Chính phủ Trung Quốc chỉ cấp phép cho các loại vắc-xin nội địa để tiêm chủng cho người dân nước này.
Trước khi được cấp phép vào cuối năm ngoái, hãng Trung Quốc Sinopharm khẳng định rằng vắc-xin của họ đạt hiệu quả 79,3%, dù các chuyên gia nói rằng báo cáo của hãng này thiếu những dữ liệu quan trọng.
Cơ quan quản lý y tế Trung Quốc cấp phép cho vắc-xin của Sinovac vào tháng 2 vừa qua. Nhiều thử nghiệm giai đoạn 3 được tiến hành ở Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia thể hiện sản phẩm đạt hiệu quả 50 - 91%.
Ông Gao nói rằng “mọi người đều nên cân nhắc những lợi ích” của vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA mà các hãng dược phương Tây sử dụng để chống đại dịch. Các hãng Trung Quốc không sử dụng công nghệ này.
Tao Lina, một chuyên gia về vắc-xin ở Thượng Hải và cũng dự cuộc họp báo cùng ông Gao, nói với báo SCMP rằng “lượng kháng thể mà những vắc-xin của chúng tôi tạo ra thấp hơn các vắc-xin mRNA và số liệu về hiệu quả cũng thấp hơn”.
“Có thể kết luận rằng những loại vắc-xin bất hoạt và vắc-xin véc-tơ adenovirus của chúng tôi kém hiệu quả hơn” các vắc-xin mRNA”, ông Tao nói.
Ông cũng nói thêm rằng không nên chờ đến khi có một loại vắc-xin hoàn hảo.
Ông Gao cho biết có khoảng 34 triệu người Trung Quốc đã được tiêm cả hai liều vắc-xin và khoảng 65 triệu người đã tiêm một liều.
Trung Quốc đã đưa hàng triệu liều vắc-xin COVID-19 ra khắp thế giới.