Nhộn nhịp 'ngoại giao vắc-xin'

0:00 / 0:00
0:00
Một nhà nghiên cứu làm việc trong Viện Huyết thanh Ấn Ðộ Ảnh: Reuters
Một nhà nghiên cứu làm việc trong Viện Huyết thanh Ấn Ðộ Ảnh: Reuters
TP - Trong khi “chiến tranh vắc-xin” đang xảy ra ở Tây Âu do các nỗ lực ngăn chặn xuất khẩu vắc-xin COVID-19, ở phần khác của thế giới đang diễn ra “cuộc chiến cho tặng”.

Tuần trước, hoàng tử Bahrain và đoàn tùy tùng đến Nepal để leo đỉnh Everest. Họ mang theo thiết bị leo núi, vật dụng dự phòng, và gây ngạc nhiên cho các nhà quản lý ở Kathmandu là số vắc-xin đủ tiêm phòng cho 1.000 người.

Bahrain muốn tặng vắc-xin để thể hiện “cử chỉ hữu nghị” với những người dân ở ngôi làng mà gần đây đã đặt lại tên một số ngọn núi để vinh danh những người trong hoàng gia Bahrain. Họ phối hợp với Đại sứ quán Nepal ở Bahrain, nhưng Bộ Y tế Nepal yêu cầu tịch thu số vắc-xin Sinopharm tại sân bay. “Chuyện đó không được phối hợp đúng cách. Nói chung là những liều vắc-xin chưa được cấp phép sẽ không được vào đây”, phát ngôn viên của Bộ Y tế Nepal nói. Món quà bị hủy bỏ là sự việc bất thường nhất trong chiến dịch tặng vắc-xin đang diễn ra trên khắp vùng Nam Á, báo The Guardian đưa tin.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc thúc đẩy quan hệ với Sri Lanka, Maldives, Bangladesh và các quốc gia thường được coi là nằm trong vùng ảnh hưởng của Ấn Độ. Cuộc cạnh tranh giữa Delhi và Bắc Kinh đôi khi thể hiện bằng những đợt đối đầu quân sự trên núi cao. Nhưng trong mấy tháng qua, nó chuyển sang nỗ lực phân phát vắc-xin COVID-19.

Với năng lực sản xuất vắc-xin dồi dào và ký được hợp đồng sản xuất với hãng AstraZeneca, Ấn Độ đã tặng gần 60 triệu liều vắc-xin. Các thùng hàng đó đều được dán dòng chữ: “Quà tặng từ nhân dân và chính phủ Ấn Độ”. Trung Quốc nói rằng họ sẽ viện trợ vắc-xin cho 69 quốc gia và bán cho 28 nước theo thỏa thuận thương mại với những khu vực mà các hãng dược Mỹ trước đây đóng vai trò thống trị, như Trung Đông và Mỹ Latin.

Với tầm nhìn hướng tới cạnh tranh với Trung Quốc, các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ gần đây thông báo kế hoạch sẽ mở rộng năng lực sản xuất vắc-xin của Ấn Độ để tăng cường cung cấp cho Đông Nam Á, một khu vực cạnh tranh địa chính trị khác. Chương trình mang tên “vaccine maitri” (vắc-xin hữu nghị) đang được báo chí Ấn Độ ca ngợi.

Nhưng khi triển khai chương trình tiêm chủng cho người dân của mình, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang đối mặt với áp lực bảo đảm nhu cầu nội địa. Giữa tuần trước, Anh xác nhận chương trình tiêm chủng của họ sẽ bị thiếu vắc-xin trong những tuần tới vì lô hàng từ Viện Huyết thanh Ấn Độ đến chậm hơn dự kiến. Một nguồn tin từ viện này nói với báo Observer rằng 5 triệu liều vắc-xin dự kiến cung cấp cho Anh đã bị giữ lại để dùng trong nước, khi làn sóng COVID-19 thứ hai đang xảy ra ở nhiều thành phố của Ấn Độ.

Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tiêm phòng cho 40% dân số. Mục tiêu này sẽ đòi hỏi phải tăng tốc độ tiêm phòng hiện nay lên 6 lần, theo số liệu được công khai chính thức. Tốc độ đó sẽ đòi hỏi phải trì hoãn một số cam kết cung cấp vắc-xin cho nước ngoài.

MỚI - NÓNG