Việt Nam có thể thử nghiệm xong vắc xin ngừa COVID-19 vào quý 3

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP
TPO - Chiều 22/3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về hợp tác quốc tế thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng virus SARS-CoV-2.

Thời gian qua, đã có 4 đơn vị của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19. Trong đó vắc xin NanoCovax của Công ty Naogen đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Vắc xin Covivac của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vắc xin của Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4/2021. Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng của cả 3 vắc xin này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng.

Cụ thể, đối với vắc xin NanoCovax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.

Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2021, sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin NanoCovax, và đang có triển vọng rất lạc quan. Và dự kiến đầu tháng 5/2021, vắc xin NanoCovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế đều rất lạc quan cho rằng nếu thuận lợi, thậm chí cuối quý 3/2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine NanoCovax, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến trước đó.

Về vắc xin của VABIOTECH dựa trên công nghệ tái tổ hợp trên virus véc tơ theo hướng nghiên cứu khác nên có bước chậm hơn nhưng đến nay các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan, và dự kiến sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào đầu tháng 4/2021.

Đại diện Bộ Y tế lý giải thêm khi chúng ta bắt đầu tiêm vắc xin Astrazeneca thì tại một số nước trên thế giới nghi ngại phản ứng phụ nên đã tạm dừng hoặc làm chậm quá trình tiêm vắc xin này, nhưng Việt Nam ngay từ đầu đã triển khai thận trọng, bảo đảm an toàn, kết hợp theo dõi thông tin tiêm chủng trên hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đồng thời là bước chuẩn bị cấp “giấy thông hành vắc-xin”. Vì vậy, việc nghiên cứu, so sánh vắc xin của Việt Nam và vắc xin Astrazeneca càng thuận lợi hơn.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 để tiêm. Những vắc xin được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam thì chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin mới được nhập khẩu. Còn việc tiêm vắc xin hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như Nghị quyết 21/NQ-CP đã nêu. Việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.

MỚI - NÓNG