Người Kurd tại Iraq trưng cần dân ý, thế giới ‘đứng ngồi không yên’

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Lo ngại việc người Kurd độc lập có thể trở thành nguồn cơn gây xung đột mới là nguyên nhân chính khiến chính quyền Baghdad, một số nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế tích cực phản đối cuộc trung cầu dân ý đòi độc lập cho người Kurd ở Iraq.

Cuộc trưng cầu ý dân của cộng đồng người Kurd tại Iraq

Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Iraq và các nước láng giềng, cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq đã được tổ chức ngày 25/9, với 72% số cử tri đủ điều kiện (3,3 triệu trong tổng số 4,58 triệu cử tri đăng ký tham gia trưng cầu ý dân) đi bỏ phiếu.

Ủy ban kiểm phiếu của cuộc trưng cầu ý dân ngày 26/9 cho biết, theo kết quả kiểm phiếu ban đầu với 3,4 triệu phiếu được kiểm, có tới 91,83% số người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ việc độc lập khỏi chính quyền Trung ương Iraq.

Ngày 26/9, người đứng đầu chính quyền người Kurd ở Iraq (KRG) Masoud Barzani tuyên bố phe bỏ phiếu “có” trong cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập diễn ra một ngày trước đó đã giành chiến thắng. 

Phát biểu trên truyền hình, ông Barzani kêu gọi chính quyền trung ương Baghdad “đối thoại nghiêm túc” thay vì đe dọa KRG với các lệnh trừng phạt. Ông Barzani cũng kêu gọi các cường quốc trên thế giới “tôn trọng ý chí của hàng triệu người” tham gia cuộc trưng cầu ý dân. 

Cuộc bỏ phiếu, theo sáng kiến của nhà lãnh đạo khu vực người Kurd Massud Barzani, được tổ chức trên khắp 3 tỉnh miền Bắc của khu tự trị của người Kurd ở Iraq là Arbil, Sulaimaniyah và Dohuk, cũng như các khu vực giáp giới có tranh chấp, như tỉnh Kirkuk giàu dầu lửa. 

Báo cáo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nhận định cuộc trưng cầu ý dân của KRG sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì sự kiện này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý.

Phản ứng của các nước

Cuộc trưng cầu của khu vực tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Baghdad, một số nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Ngay sau khi diễn ra cuộc trưng cầu ngày 25/9, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố Chính phủ Iraq sẽ không tiến hành đàm phán với KRG về kết quả cuộc trưng cầu do đây là cuộc trưng cầu "trái hiến pháp". 

Ngày 26/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của cộng đồng người Kurd ở Iraq có nguy cơ làm nổ ra một cuộc "chiến tranh sắc tộc", đồng thời tuyên bố tất cả các phương án, từ các biện pháp trừng phạt kinh tế tới các biện pháp quân sự trên không và trên bộ, đều được cân nhắc nhằm đáp trả cuộc trưng cầu này. 

Trong bài phát biểu tại Phủ Tổng thống, Tổng thống Erdogan cáo buộc ông Masoud Barzani, người đứng đầu chính quyền Khu tự trị người Kurd tại Iraq, “hành động bội bạc” khi theo đuổi cuộc trưng cầu đòi độc lập, đồng thời cảnh báo cộng đồng người Kurd tại đây sẽ bị bỏ đói khi Thổ Nhĩ Kỳ chặn các xe tải của Iraq đi qua khu vực biên giới.

Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran đã kịch liệt phản đối cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của người Kurd ở Iraq, nhấn mạnh cuộc trưng cầu sẽ gây "hỗn loạn chính trị" trong khu vực. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran ủng hộ chính phủ Iraq và toàn vẹn lãnh thổ Iraq. Iran sẵn sàng ủng hộ Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ chống lại hậu quả của cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Tại Syria, Ngoại trưởng nước này Walid al-Moualem nhấn mạnh chính phủ nước này bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập do Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) tổ chức tại miền Bắc Iraq.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra của cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của KRG.

Trong khi đó các nước ngoài khu vực có tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối. Điển hình là Mỹ và Nga.

Mỹ cảnh báo sẽ không thể giúp người Kurd tiến tới một thỏa thuận tốt hơn với Chính phủ Iraq nếu họ ngoan cố tiến hành cuộc trưng cầu, đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo người Kurd tại Iraq đối thoại nghiêm túc và lâu dài với chính quyền trung ương về mọi vấn đề liên quan, trong đó có tương lai mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. 

Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã bày tỏ quan điểm lấy làm tiếc về cuộc trưng cầu ý dân của KRG và quan ngại rằng "một số bên đã khai thác cuộc khủng hoảng để làm sâu sắc thêm sự chia rẽ và kích động xung đột mới trong khu vực". 

Trong phản ứng đầu tiên sau cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd tại miền Bắc Iraq, Nga tuyên bố ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực. Trong tuyên bố, Điện Kremlin nhấn mạnh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị của các quốc gia khu vực là điều then chốt đối với việc bảo đảm ổn định và an ninh của khu vực, cũng như việc giải quyết các vấn đề quan trọng tại khu vực này. Tổng thống Putin nêu rõ: "Chính phủ Nga ủng hộ chính quyền trung ương Baghda và toàn vẹn lãnh thổ Iraq". 

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres  bày tỏ quan ngại về "những hệ lụy tiềm ẩn nguy cơ bất ổn" liên quan đến cuộc trưng cầu về độc lập của cộng đồng người Kurd.

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng cảnh báo cuộc trưng cầu về độc lập của cộng đồng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại khu vực. 

Những hệ lụy từ cuộc trưng cầu của người Kurd

Lo ngại việc người Kurd độc lập có thể trở thành nguồn cơn gây xung đột mới là nguyên nhân chính khiến chính quyền Baghdad, một số nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế tích cực phản đối cuộc trung cầu dân ý đòi độc lập cho người Kurd ở Iraq.

Giới chức người Kurd tuyên bố rằng một cuộc trưng cầu dân ý mà kết quả là các lá phiếu nói "có" sẽ phát đi một thông điệp mà Baghdad không thể phớt lờ, đồng thời mở đường cho các cuộc thương lượng nhằm hướng tới việc người Kurd tách khỏi Iraq một cách hòa bình.

Tuy nhiên, giới chức chính quyền Iraq vẫn một mực phản đối cuộc trưng cầu dân ý này, cho rằng động thái này sẽ đẩy hai bên rời xa nhau hơn nữa và khiến những tranh chấp lâu nay giữa hai bên ngày càng khó giải quyết hơn. 

Đặc biệt, việc người Kurd Iraq thúc đẩy độc lập có khả năng sẽ làm suy yếu vị thế của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi vốn lên nắm quyền hồi năm 2014 với những cam kết thống nhất đất nước, trước thềm các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra năm 2018.

Trong khi đó, cuộc trưng cầu dân ý này có thể giúp củng cố sức mạnh cho những người theo đường lối cứng rắn như cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, người được cho là đang tìm cách quay trở lại vũ đài chính trị, cũng như những nhóm và lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều lên án cuộc trưng cầu dân ý này là vì họ lo sợ rằng động thái này sẽ khuyến khích các cộng đồng người Kurd thiểu số ở các nước này cũng đòi quyền tự trị lớn hơn và thổi bùng sẽ thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa ly khai trong cộng đồng người Kurd tại hai nước. Điều đó giải thích vì sao cả hai đã tiến hành tập trận vào tuần này tại biên giới của khu vực tự trị người Kurd Iraq.

Đối với Mỹ, việc ủng hộ cộng đồng người Kurd độc lập sẽ có nguy cơ khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối đầu với một đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra rạn nứt giữa Baghdad với Washington.

Hơn nữa, cuộc xung đột vũ trang giữa Iraq và người Kurd sẽ khiến hai đồng minh thân cận của Mỹ "đo găng" với nhau và khiến cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) bị sao nhãng.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) dường như sắp đi vào hồi kết, có thể lại dẫn tới một cuộc nội chiến tại Iraq giữa người Kurd, người Hồi giáo Shi’ite và Hồi giáo Sunni. Nếu để người Kurd độc lập đống nghĩa với việc nước Mỹ đang ở trong một tình thế bất lợi. 

Người Kurd ở Iraq hy vọng cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi về quyền độc lập tại khu vực bán tự trị của họ đánh dấu một sự khởi đầu cho quá trình tách khỏi Baghdad một cách hòa bình, có thương lượng.

Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý này có thể đặt người Kurd vào cuộc xung đột mới với Iraq và các nước láng giềng. 

MỚI - NÓNG