Người khuyết tật mưu sinh nghề biển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở xứ biển Gò Công (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) có một cô gái khiếm thị làm nghề vá lưới. Tốc độ vá lưới của cô thậm chí còn nhanh hơn người sáng mắt. Cùng địa phương, một cụ ông có hơn 34 năm đi biển thả lưới bắt cá dù đôi chân của ông không thể đứng lên được.

“Út què” đi biển

Làm nghề biển, ra biển đánh bắt là những công việc nặng nhọc, đòi hỏi phải có sức khoẻ, dẻo dai. Vậy mà ở cửa biển Gò Công (tỉnh Cà Mau), có một ông già bại liệt đôi chân gắn cả đời theo biển mưu sinh... Tên của ông là Võ Văn Út (65 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Sóc Trăng, bà con ngư dân ở xóm biển bãi ngang hay gọi ông bằng cái tên “Út què”. Năm 29 tuổi, ông Út quen một thiếu nữ cùng quê rồi nên duyên chồng vợ.

Lập gia đình chỉ được 4 năm, ông Út mắc căn bệnh sốt bại liệt. Hậu quả để lại là đôi chân tật nguyền. Cái tên “Út què” có từ đó. Do hoàn cảnh quá khó khăn, ông Út cùng vợ và 4 đứa con lênh đênh kiếm sống trên chiếc ghe “cà tàng” rồi trôi dạt xuống tận vùng Cà Mau.

Người khuyết tật mưu sinh nghề biển ảnh 1

Ông “Út què” cùng đứa cháu nội ra biển mưu sinh (ảnh trái); Chị Thi dù bị khiếm thị nhưng vá lưới nhanh hơn người sáng mắt (ảnh phải)

Người khuyết tật mưu sinh nghề biển ảnh 2

Không đầu hàng số phận, ông Út theo một số anh em ra biển kiếm cá. Lâu dần thành quen, ông Út tự mưu sinh bằng nghề biển. Thấy ông nội cực khổ đi biển lo cho gia đình, đứa cháu 9 tuổi đã theo ông ra biển hỗ trợ ông giăng lưới bắt cá.

Theo ông Út được 4 năm, đến nay Sơn đã có thể chạy máy, thả lưới cùng ông để kiếm về vài chục ngàn mỗi ngày. Khi nào “trúng mánh” ngay luồng cá, hai ông cháu có thể kiếm được hai ba trăm nghìn.

Ông Út tự hào khoe, cháu nội của ông dù nhỏ tuổi nhưng dày kinh nghiệm và có thể giúp được cho ông trong hầu hết mọi việc khi ra biển. Hai ông cháu giờ là lao động chính để nuôi sống cả gia đình 4 miệng ăn. Ngoài ra, ông còn phải lo thuốc thang cho người vợ mắc bệnh tiểu đường.

Hạt phù sa “khuyết”

Cách nhà ông Út không xa, là nhà chị Cao Thị Thi. Năm 12 tuổi, mắt chị Thi mờ dần và không thấy đường sau 1 năm chạy chữa. Sống trong cảnh suy sụp, sau gần 1 năm chìm trong bóng tối, chị Thi tập làm quen với việc đi lại, tự ăn uống, làm việc nhà.

Quen với việc nhà, chị Thi bắt đầu làm quen với việc vá lưới như những người phụ nữ bình thường khác ở xứ biển này. Ban đầu việc vá lưới của chị Thi gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự chỉ dạy nhiệt tình của người thân, chị em cùng xóm, chị Thi quen dần. Thậm chí hiện tại, chị Thi có thể vá lưới nhanh hơn những người sáng mắt trong xóm.

Do không thấy đường nên chị Thi làm việc rất tập trung. Mỗi ngày chị Thi sẽ nhận từ 3 đến 4 đầu lưới dài hàng trăm mét mang về vá lưới, luồn dây. Thu nhập bình quân của chị Thi từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng nếu làm xong công việc.

Chị Thi lập gia đình năm 28 tuổi, đến nay có 2 con. Chị Thi bảo, niềm hạnh phúc lớn nhất của chị chính là con cái được lớn lên khoẻ mạnh, gia đình rộn tiếng cười, yêu thương nhau. Chị Thi cho biết, chị chỉ gặp khó khăn khi đi khỏi nhà, những lúc đó thì phải dò đường để tránh bị lạc. Bình thường ở trong nhà thì mọi ngóc ngách, mọi vị trí, đồ vật chị đều ghi nhớ để có thể làm việc nhà được.

Chị Hồ Thị Tú (hàng xóm của chị Thi) chia sẻ: “Lúc đầu, chị em thấy hoàn cảnh của chị Thi nên hỗ trợ gỡ lưới, chỉ cách làm rồi chị làm quen. Thậm chí, chị Thi làm còn nhanh hơn chị em mắt sáng ở trong xóm”.

Xứ biển Gò Công thuộc xã bãi ngang Nguyễn Việt Khái - xã vùng sâu vùng xa của huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Ở địa phương cũng có ông Hồ Văn Bỉ (63 tuổi), mù cả 2 mắt. Người dân thường gọi là ông “Tư mù”. Dù hoàn cảnh khó khăn, ông Tư vẫn tự mình ra biển ngâm mình trong nước Gò Công, vật lộn với sóng biển để mưu sinh. Hiện tại, do sức khỏe kém, ông Tư đã không còn đi biển nữa.

MỚI - NÓNG
Kết quả xác minh vụ 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi
Kết quả xác minh vụ 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi
TPO - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, qua kiểm tra tất cả các mẫu từ đất, nước, phân bón, hóa chất... liên quan đến các lô sầu riêng phía Trung Quốc cảnh báo, cơ quan chuyên môn không phát hiện mẫu nào vượt dư lượng chất cadimi.