Người kết nối hơn 2.500 doanh nghiệp: Chia sẻ cơ hội, cho để nhận

Người kết nối hơn 2.500 doanh nghiệp: Chia sẻ cơ hội, cho để nhận
TP - BNI đang trở thành cơn sốt trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa với 2.500 hội viên. Tại đây, doanh nhân học cách giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trong 30 giây, tạo dấu ấn ngay trong thang máy với một người tình cờ gặp. Trên hết, họ phải chia sẻ cơ hội - cái mà ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch BNI Việt Nam gọi là triết lý “cho là nhận” hay “nuôi trồng chứ không săn bắn”.
Người kết nối hơn 2.500 doanh nghiệp: Chia sẻ cơ hội, cho để nhận ảnh 1

Một buổi sinh hoạt chi hội (chapter) của BNI Việt Nam.

Người Việt có triết lý, chỉ cần chuẩn hóa cách làm

Chúc mừng ông và BNI trải qua 7 năm thăng trầm tại Việt Nam và đang thành hiện tượng trong giới doanh nhân VN. Ông có thể nói ngắn gọn về giá trị mà BNI mang lại cho DN là gì, thưa ông?

Mỗi tổ chức luôn có đặc trưng riêng. Với BNI, triết lý “cho là nhận”, tính hệ thống của cộng đồng hơn 230.000 doanh nhân trên gần 100 quốc gia là nét đặc biệt. Tại đây, doanh nhân được huấn luyện phương pháp, đo lường được “cơ hội kinh doanh” phát triển hằng tuần, theo hệ thống toàn cầu.

Doanh nhân Việt thường nóng vội trong làm ăn. Việc thực thi triết lý “cho là nhận” hay “nuôi trồng chứ không săn bắn” của BNI không dễ dàng. Ông chiêm nghiệm điều đó như thế nào? 

Chúng ta đã phân tích và tranh luận về điều đó dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều quan trọng là làm gì để góp phần cải thiện.

Dựa trên những trải nghiệm của bản thân sau 25 kinh doanh và 7 năm lãnh đạo BNI Việt Nam, tôi nhận thấy cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ doanh nhân chúng ta chưa có sân chơi, chưa có môi trường đúng tiêu chuẩn để cọ xát. Phải trải nghiệm mới rút ra được những bài học và cách thức cụ thể.

Tôi và các cộng sự cũng nhận thấy hạn chế về văn hóa kinh doanh như vậy nhưng chỉ xem đó là điểm khác biệt, tôn trọng và tìm cách dung hòa, điều chỉnh dài hơi.

Nghĩ kỹ hơn, cách kinh doanh của doanh nhân Việt Nam là dựa trên mối quan hệ thân tín. Điều này lại hoàn toàn phù hợp với tiêu chí hoạt động “cho là nhận” của BNI. Vấn đề ở chỗ, người Việt chúng ta còn làm tự phát và BNI có đầy đủ hệ thống và công cụ để giúp doanh nhân hệ thống hóa và thay đổi cách kinh doanh theo chuẩn mực toàn cầu.

Đó là sự thay đổi từ việc chỉ biết bán hàng, vì lợi ích trước mắt để chuyển sang việc “biết - thích - tin” rồi sẽ bán hàng một cách chuyên nghiệp.

Thành ngữ Việt Nam cũng có câu “buôn có bạn, bán có phường”. Vậy bí quyết của BNI là gì để “bạn” và “phường” đó thực sự tạo ra hiệu quả?

DN Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, do đó rất cần liên kết sức mạnh để đứng vững trong thời cạnh tranh gay gắt này. Trong tập thể liên kết đó, chúng tôi có cách thức để dung hòa cả “tình” và “lý”, mang đến cho doanh nhân sự phát triển cả về số lượng - cơ hội kinh doanh và chất lượng - các mối quan hệ thân tín, trải nghiệm kinh doanh, mô hình quản trị… Thành tựu mà cộng đồng BNI Việt Nam đạt được trong hơn 7 năm qua chứng minh được điều đó.

Người kết nối hơn 2.500 doanh nghiệp: Chia sẻ cơ hội, cho để nhận ảnh 2 Ông Hồ Quang Minh. Ảnh: Bảo An.

Liên kết mở ra cơ hội

Sự thành công của BNI cho thấy sự tự thân vận động của khối DN tư nhân bên cạnh sự hỗ trợ DN của Nhà nước. Ông có đánh giá gì giữa mô hình hỗ trợ DN của chính phủ và phi chính phủ?

Mỗi tổ chức, cộng đồng doanh nhân đều có bản sắc riêng. Chúng ta không nên khu biệt một cách cục bộ Nhà nước hay tư nhân, mà hãy tập trung vào giá trị cốt lõi, sứ mệnh, mục tiêu và lợi ích mà họ mang đến cho DN. Tùy vào điều kiện, nhu cầu và sự phù hợp mà doanh nhân chọn tham gia tổ chức, cộng đồng nào đó.

Theo ông, Nhà nước nên làm gì để hỗ trợ DN tốt hơn?

Trong thời đại hội nhập hiện nay, Nhà nước nên có những cơ chế, chính sách khuyến khích DN kết nối giao thương với thế giới. Cần tối giản các thủ tục hành chính; ban hành Luật vừa kịp thời nhưng phải mang tính thời đại.

Nhà nước cũng cần chú trọng khuyến khích các DN tư nhân đổi mới tư duy và tham gia liên kết ngành nhằm gia tăng cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế. Khi xảy ra sự cố, Nhà nước cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Nhiều bạn trẻ rất hào hứng, khát khao khởi nghiệp kinh doanh, ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ để họ tránh được những sai lầm, vấp ngã?

Trước hết, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp cần đam mê với dự án của mình. Và đam mê cần đi kèm với một cái “đầu lạnh” và tầm nhìn đúng đắn. Hãy chuẩn bị kỹ càng về nền tảng kiến thức, kỹ năng quản trị và điều hành DN. Đồng thời, bạn trẻ cần xác định điểm đến, mục tiêu cụ thể và thách thức, trở ngại trong quá trình xây dựng DN.

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, các bạn trẻ cần sử dụng được tiếng Anh. Đây là điều kiện tiên quyết giúp các bạn học hỏi cách thức tư duy và hành động quốc tế, để trở nên năng động, sáng tạo hơn mỗi ngày.

Xin cảm ơn ông!

Người Việt chúng ta còn làm tự phát và BNI có đầy đủ hệ thống và công cụ để giúp doanh nhân hệ thống hóa và thay đổi cách kinh doanh theo chuẩn mực toàn cầu.

Ông Hồ Quang Minh sinh năm 1971 tại Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Đại học America Heritage California, Hoa Kỳ. Ông là Chủ tịch HĐQT Cty Vận tải Quốc tế Bee Logistics Corp, Chủ tịch HĐQT MrM Corp. Ông triển khai mô hình BNI tại Việt Nam năm 2010, Campuchia năm 2013, Lào và Philippines vào năm 2014.

BNI (Business Networking International) được tiến sĩ Ivan Misner sáng lập vào năm 1985 tại Mỹ. Hiện, BNI có hơn 8.300 chapter (chi hội) với hơn 220.000 thành viên tại gần 100 quốc gia. Năm 2016, thành viên BNI toàn cầu trao nhau 9 triệu cơ hội kinh doanh với tổng trị giá 11,2 tỷ USD.

BNI Việt Nam phôi thai từ năm 2007, chính thức thành lập năm 2010. Năm 2016, BNI Việt Nam giúp 2.838 doanh nhân, DN thành viên thực hành kỹ năng kết nối, trao nhau 111.150 cơ hội kinh doanh và mang về doanh thu hơn 6.018 tỷ đồng cho các thành viên. Hiện BNI Việt Nam có trên 2.500 thành viên với 71 chi hội tại 23 tỉnh thành.

BNI hoạt động theo các chapter, mỗi chapter có từ 25 đến 72 thành viên (trong mỗi chapter không được phép có DN kinh doanh cùng ngành nghề). Một chapter bắt buộc phải họp vào một buổi sáng trong tuần, từ 6h45 – 9h00 nhằm mở rộng mối quan hệ, tạo lòng tin, hiểu biết sản phẩm của nhau và giúp nhau có thêm nhiều khách hàng cũng như đơn hàng mới. Thành viên BNI được đào tạo các kỹ năng mở rộng mối quan hệ, trình bày, quản lý DN và tạo ý tưởng kinh doanh, tham gia các hội thảo, hội nghị, sự kiện kết nối kinh doanh.

MỚI - NÓNG