Người 'hâm' ở viện Ung thư

TP - Đã ba năm ròng, bà Thũng âm thầm phát quần áo, phát nước vối miễn phí cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Ngày mưa cũng như ngày nắng, người đàn bà này vẫn kiên trì với công việc từ thiện của mình trước cổng Bệnh viện K (43 Quán Sứ, Hà Nội), mặc mọi lời đàm tiếu sau lưng.

Giữa thời kinh tế thị trường, câu “chẳng ai cho không ai cái gì” đã thành quen thuộc. Vậy nên người đàn bà 68 tuổi phát nước vối, phát quần áo miễn phí trước cửa viện K khiến người ta tò mò. Bà làm việc đó một mình từ năm 2014, dù biết sau lưng có người cười: “Họ nói: Bà này bị hâm. Ờ thì tôi hâm cũng được”. Nhưng cũng có người vì quá ngưỡng mộ việc làm của bà lại đặt cho bà biệt danh “Bồ Tát sống”, khiến bà phát ngại. Để tiếp tục công việc của mình, bà Thũng học theo cách cụ Nguyễn Khuyến: “Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ/Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây”.

Minh Vượng bỏ nghề hài, quay sang bán trống?

Bà Thũng xởi lởi, hay cười. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, bà lí giải. Cho nên, đời càng sóng gió bà càng hào phóng tiếng cười.  Mấy ngày nay, những người bán hàng nước, những người chạy xe ôm trước cổng viện K không thấy bóng dáng bà Thũng. Chắc họ cũng nhớ tiếng cười của bà nên khi có người hỏi han về bà, lập tức một người đàn ông chạy xe ôm hăng hái: “Cô lên đây, tôi chở đến nhà bà ấy”.

Người 'hâm' ở viện Ung thư ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ

Trên quãng đường đến nhà bà Thũng, anh xe ôm kể: “Bà ấy có hoàn cảnh đặc biệt lắm. Đứa con gái qua đời khi còn quá trẻ. Chồng cũng mất rồi. Giờ ở một mình ngoài đê sông Hồng”. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã vào con phố nơi bà sinh sống, nơi đây  như một xóm nghèo ở một vùng quê nào đó, mùi hôi bốc lên từ cống rãnh, vài chú chó chạy rông, mấy người đàn bà trung niên đang ngồi tám chuyện trong sân nhà. Thấy chiếc xe máy bà Thũng dùng để chở đồ từ thiện dựng trước cửa, anh  xe ôm đoán bà có nhà, liền đập cửa, gọi lớn. Một người đàn ông thò đầu qua ô cửa nhỏ tầng 2 trả lời: “Tìm mẹ tôi ở Hàng Lược ấy”. Thì ra, mấy ngày qua bà Thũng không ốm, không đau mà bận bán hàng trung thu, anh con trai đến giúp mẹ canh nhà.

Chúng tôi chạy qua Hàng Lược. Chẳng mất thời gian hỏi thăm cũng mau chóng  tìm được cửa hàng của bà Thũng. Đó là một cửa hàng chuyên bán trống, bà Thũng đứng trước cửa hàng đánh trống liên hồi. Đúng là trời phú cho bà sức khỏe, đến ngưỡng “thất thập cổ lai hy” mà  tiếng trống còn giòn giã lắm. Buôn trống đã 30 năm nay, bà Thũng không chỉ học được cách đánh trống mà  còn biết rõ  lai lịch, giá trị, cách sử dụng từng loại trống, khiến khách hàng thích thú. Khách vào cửa hàng của bà tấp nập, người này đi, người kia đến. Nếu chỉ nhìn lượng khách, ai cũng đoán bà kiếm được kha khá sau mỗi vụ trung thu nhưng bà bán hàng chẳng giống ai, phóng khoáng và hay mủi lòng. Một vị khách hàng chia sẻ: “Con mua trống này không chỉ để cho con cái của con chơi mà con còn muốn mang cho lũ trẻ mồ côi được chơi cùng”. Chỉ câu nói ấy mà bà Thũng sẵn sàng bán huề vốn. Những khách đến mua hàng thầm thì với nhau: “Trống ở đây rẻ hơn tất cả mọi cửa hàng lại còn được miễn phí nước vối”. Bà Thũng cười: “Lời lãi chẳng được bao nhiêu, cho nên thằng con trai của tôi có chịu ra bán đâu”.

Bà Thũng quê gốc Thanh Trì (Hà Nội) nhưng từ năm 13 tuổi bà đã buôn bán ở chợ Đồng Xuân. Bà từng bán nhiều loại mặt hàng khác nhau: Bán trống, bán vàng mã… Bây giờ vào ngày thường bà bán rau để nuôi thân và làm từ thiện: “Trước con trai phát cho 200 ngàn đồng mỗi ngày. Nhưng tôi không muốn nhận tiền của con, mình còn sức khỏe nên tự lao động nuôi mình và làm những gì mình thích”. Bà vừa nói chuyện, vừa bán hàng. Thỉnh thoảng vắng khách, bà đứng dậy cầm dùi trống nói to: “Khua một hồi trống thôi, hết khách rồi”. Thế là bà đánh trống, cơ thể  lắc lư theo nhịp trống đầy hào hứng, khiến nhưng khách ngoại quốc đi qua cũng  xin bà đánh thử một hồi. Bà  bật mí: “Tôi theo nghề buôn trống vì trống chính là trò chơi của “ngàn năm văn hiến” vẫn còn lại đến hôm nay”. Bà yêu văn hóa của đất nước theo cách riêng, còn những người buôn trống như bà thì nghề làm trống truyền thống còn sức sống.

Hài hước, vui vẻ như một diễn viên hài, ai mua trống của bà Thũng cũng tạm quên cuộc đời bề bộn ngoài kia: “Này bác ơi, cái tai trống xinh thế kia bác cầm lên đánh mới giòn”, “Bác không mua trống, bác chỉ mua dùi, tôi bán trống cho ai”…Bà kể: “Người ta hay gọi tôi là Minh Vượng. Cũng ối nơi mời tôi đi diễn hài đấy. Nhưng tôi không đi”.

Từ thiện ồn ào, mất phước!

Bà tự thuật hoàn cảnh của mình: “Chồng tôi sang Mỹ theo con gái tôi để chữa bệnh rồi”. Nếu không được anh xe ôm “phím” trước, tôi đã không thể đoán được “sang Mỹ” nghĩa là “sang thế giới bên kia”. Chính trong khoảng thời gian chăm chồng bệnh, bà Thũng nảy ra ý định phát nước vối miễn phí: “Bởi vì ngồi trong nhà chăm chồng ốm tôi thấy nóng quá lại nhớ đến những người đang trong cảnh ở viện, chắc họ khổ lắm. Tôi bèn nói với con trai: Hay mai cho mẹ đi phát nước vối miễn phí?. Con trai nghi ngờ: Liệu mẹ có làm được không? Tôi khẳng định luôn: Mẹ làm được”. Thế là từ đó bà Thũng vừa chăm sóc ông chồng bị bệnh, vừa phát nước vối. “Bây giờ ông ấy đã “sang Mỹ” chữa bệnh, tôi còn lại một mình, nhàn hơn nên càng có thời gian làm từ thiện”, bà tâm sự. Nhưng cái “nhàn” của bà cũng đủ làm nhiều người choáng: “Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, đun nước vối rồi đi chợ. Khoảng 9 rưỡi đến 10 giờ trưa tôi vào viện phát nước vối, phát quần áo miễn phí, đến khoảng giữa trưa thì hết”. Anh xe ôm ở viện K tiết lộ: Mỗi ngày bà phát miễn phí khoảng 50-60 lít nước vối, một mình bà thồ vào viện bằng cái thúng đặt phía sau xe máy. Bà Thũng kể: “Ban đầu tôi còn e dè, chỉ dám nói: Các bác ơi, nước vối miễn phí đây. Có người hỏi: Bà nói thật hay nói dối? Tôi bảo: Nói thật chứ nói dối làm gì. Người ta gợi ý, bà nên làm cái biển ghi rõ, nước vối miễn phí, quần áo miễn phí. Thế là từ đó tôi mới đề biển”.

Tuổi mỗi ngày một cao nhưng bà Thũng bảo: Tôi chỉ thôi làm việc thiện khi không còn sức. Vì sao bà say mê làm từ thiện? “Bởi vì tôi nghèo, nhà tôi chẳng có gì đáng giá cả. Mình nghèo nhìn thấy người khác nghèo hơn nên thương. “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Bà Thũng rất ngại việc lên báo: “Lên báo làm gì? Tôi nói thật, cô đừng tự ái. Lên báo không giải quyết vấn đề gì mà chỉ ầm ĩ thêm, phiền lắm, mất phước. Làm từ thiện mà cứ ầm ầm lên là mất phước đấy”. Tôi hỏi bà: “Quen làm từ thiện, nếu bây giờ ngừng không phát nước, phát quần áo miễn phí nữa, liệu bà có buồn không?”. Bà Thũng đáp: “Không làm cũng không buồn nhưng thương. Cô chưa tưởng tượng được đâu. Tôi xách nước lên tầng, thấy 3,4 bệnh nhân nằm chung một giường, có khi 2 người nằm một giường, không có người trông, họ vẫy tay xin nước. Tôi rót nước, bưng hai tay mời họ uống và cảm ơn họ”. Mùa hè, bà cho bệnh nhân uống nước vối, thả thêm vài viên đá cho mát: “Nước đá cũng do tôi tự làm. Hôm nào không kịp làm, tôi mua đá sạch”. Còn mùa đông, bà cố gắng ủ ấm nước vối, để người bệnh ấm lòng. Bà mời tôi một cốc nước vối rồi tự hào khoe bằng giọng đầy “màu sắc”: “Nhiều người không biết đun nước vối đâu, để nước vối đỏ là hỏng, là không biết nàm (làm- pv). Tại họ đun chín, đậy vung, không vớt lá đi”.

Thấy bà vui chuyện lại hay cười, tôi hỏi: “Có bao giờ bà nổi nóng không?”. Bà Thũng lại cười: “Tôi chăm chồng khi ông ấy bệnh suốt thời gian dài còn chưa nổi nóng lần nào. Không tin cô hỏi con tôi xem”. Lại hỏi tiếp: “Nhưng chắc bà hay buồn lắm nhỉ?”. Đến đây, bà Thũng trầm hẳn: “Có những ngày Hà Nội mưa tầm tã, ở nhà buồn, tôi mặc áo mưa dạo Bờ Hồ một vòng cho đỡ nhớ”. Một bà lão gần 70 tuổi dạo phố trong màn mưa,  ai đó biết chuyện thế nào chẳng bình: Đúng là một bà già “hâm chính hiệu”.

“Tôi xách nước lên tầng, thấy 3,4 bệnh nhân nằm chung một giường, có khi 2 người nằm một giường, không có người trông, họ vẫy tay xin nước. Tôi rót nước, bưng hai tay mời họ uống và cảm ơn họ”.
Người 'hâm' ở viện Ung thư ảnh 2 Nước vối do “bà già hâm” tự nấu.


Bà Thũng kể
Không làm từ thiện bằng tiền của người khác

Rất nhiều người thấy việc làm tốt đẹp của bà đã nhiệt tình hưởng ứng. Bà nhận được quần áo cũ từ khắp mọi nơi. Có người tự mang đến nhà cho bà còn những ai ngại đi lại thì bà sẽ đến lấy. Cửa nhà bà  treo biển xin/cho quần áo  “Ai thừa cho tôi xin, ai thiếu tôi xin tặng”. Từ quần áo trẻ em đến quần áo người già, người trẻ bà đều nhận, để phân phát cho mọi người. Một số người còn mang theo lá vối cho bà nấu nước, vỏ chai cho bà đựng nước. Bà đón nhận đầy biết ơn. Nhưng bà cương quyết không nhận tiền: “Có đến đâu mình làm từ thiện đến đó. Không làm từ thiện bằng tiền của người khác”. Nhân nói đến chuyện tiền, anh xe ôm kể riêng với tôi: “Bà không bao giờ nhận tiền của ai đâu, ngay cả những đồng tiền đáng nhận. Dạo trước, bà đang bán hàng bất ngờ gặp tai nạn, do cửa hiệu ở đằng trước rụng  một miếng tôn trúng đầu bà. Nhưng bà không nhận tiền bồi thường, tự chữa vết thương thôi”.

Người 'hâm' ở viện Ung thư ảnh 3 Quần áo miễn phí của bà Thũng .
MỚI - NÓNG