Người hai lần rơi lệ vì Hoàng Sa, Trường Sa

Người hai lần rơi lệ vì Hoàng Sa, Trường Sa
TP - Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã là một chuyên gia về Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nghiên cứu khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này.

> Phải nỗ lực đoàn kết trong ASEAN

Gặp ông tại nhà riêng ở TPHCM vào một ngày giữa tháng 8, ông nói: “Anh biết không, tôi đã hai lần không cầm nổi nước mắt vì Hoàng Sa và Trường Sa”.

Bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ của Taberd xuất bản năm 1838 (có ghi Hoàng Sa của Việt Nam) được đặc san Sử Địa in lại để truyên truyền về chủ quyền của Việt Nam
Bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ của Taberd xuất bản năm 1838 (có ghi Hoàng Sa của Việt Nam) được đặc san Sử Địa in lại để truyên truyền về chủ quyền của Việt Nam .

Khóc cùng các bô lão

Tiến sĩ Nguyễn Nhã kể, ngày 20-1-1975, một năm sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Tạp chí Sử Địa do ông chủ trương đã ra mắt số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tổ chức cuộc triển lãm “Tư liệu minh chứng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa” tại Sài Gòn.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã kể: “Tết năm 1974, tôi nghe báo chí loan tin Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa. Ngay lúc đó tôi đã có ý định phải tập trung làm ngay một số đặc khảo về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi bèn về họp ban biên tập và viết thư liên hệ mời các học giả cộng tác. Chỉ sau 3 tháng chúng tôi đã có đủ bài vở rồi. Các giáo sư ở xa xôi như Hoàng Xuân Hãn ở Pháp, Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham ở Nhật, anh Quốc Tuấn ở Ấn Độ đều gửi bài về ngay”.

Cuốn đặc khảo được in với 350 trang, phát hành 5.000 cuốn, giá 980 đồng, giá cao kỷ lục của tạp chí hồi đó. Các công sở mua phải trả giá gấp đôi vì họ trả chậm.

Nhà sách Khai Trí mua đứt 1.000 cuốn, hai nhà phát hành khác là Nam Cường và Đồng Nai mua 2.000 cuốn trả chậm, còn lại là các đại lý nhận.

Nguyễn Nhã là người chủ trương đặc san Sử Địa, mặc dù đặc san 3 tháng ra một số nhưng ít khi ông trực tiếp viết bài.

Riêng số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, một mình Nguyễn Nhã đã chấp bút mà viết tới 4 bài, là điều chưa từng xảy ra. Nguyễn Nhã khi ấy mới 36 tuổi.

Thời điểm đó chiến sự đang xảy ra gay gắt, chính quyền miền Nam hầu như không tổ chức sự kiện gì liên quan đến sự kiện 1 năm Hoàng Sa rơi vào tay ngoại bang.

 Triển lãm sử liệu Hoàng Sa, Các vị quốc lão đốt trầm khai mạc, chiêng trống vang rền, nhiều người ôm nhau khóc

Trước tình hình ấy, Ủy ban Vận động xây dựng đền thờ Quốc tổ Hùng Vương do giáo sư Ngô Gia Huy đại diện, Môn phái võ Vovinam do võ sư Trần Huy Phong đại diện, nhóm chủ trương tạp chí Sử Địa do Nguyễn Nhã đại diện đã quyết định đứng ra tổ chức sự kiện truyên truyền về chủ quyền biển đảo tại Thư viện Quốc gia, nay là Thư viện Tổng hợp TPHCM.

Trọng tâm của sự kiện là ra mắt cuốn đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa và triển lãm về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã với chiếc ghe bầu mô hình mà các đội dân binh được triều đình cử đi quản lý khai thác Hoàng Sa thế kỷ 19. Ảnh: N.A
Các cụ bô lão miền Nam dự triển lãm chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa,Trường Sa tại Sài Gòn năm 1975. Ảnh: Tư liệu của TS Nguyễn Nhã

Sự kiện thu hút nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, bạn đọc tham gia. Nổi bật nhất là sự có mặt của 5 cụ bô lão mà anh em văn nghệ sĩ yêu nước lúc ấy suy tôn là “quốc lão”.

Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, sinh năm 1895 gốc Mỹ Lộc, Nam Định, một nhà văn lão thành. Cụ cử nhân Tả Chương Phùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nhất Thanh, cụ Trần Văn Quế giảng sư Đại học Văn khoa. Các cụ đều khăn đóng áo dài đứng lặng người trước tấm bản đồ Việt Nam từ thế kỷ 19 có ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa.

Cụ Trần Văn Quế nghẹn ngào đứng lên đọc diễn văn: “Hoàng Sa là đất thiêng của dân tộc mình bị mất đi, tôi rất đau xót”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã phát biểu nửa chừng thì òa lên khóc. Các cụ bô lão không ai cầm được nước mắt, cùng khóc theo.

Hôm sau báo chí Sài Gòn đưa tin: “Triển lãm sử liệu Hoàng Sa, các vị quốc lão đốt trầm khai mạc, chiêng trống vang rền, nhiều người ôm nhau khóc ròng”.

Nói chuyện Hoàng Sa, Trường Sa trên đất Mỹ

Suốt đời nghiên cứu giới thiệu về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Nhã như cánh chim không mỏi.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết ông mới đi Mỹ về, thực hiện được một số buổi giới thiệu chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa, thu hút nhiều người Mỹ, người Việt tới nghe.

“Tôi phân tích cho các bạn Việt kiều, các nhà khoa học của Mỹ biết rằng khi đề cập chủ quyền của một quốc gia đối với phần lãnh thổ lãnh hải của mình thì luật pháp quốc tế đề cao nhất là những bằng chứng về sự quản lý mang tính nhà nước.

Xét về khía cạnh này, từ triều đình nhà Nguyễn đến thời hiện đại, Việt Nam luôn có sự quản lý chặt chẽ và nhất quán đối với Hoàng Sa và Trường Sa, một điều mà nhà nước Trung Quốc không hề có”.

Tiến sĩ cho biết: “Trong thời hiện đại, sau chiến tranh thế giới thứ II, các nước đồng minh giải giáp vũ khí của Nhật trên nhiều nước bị quân Nhật chiếm đóng, tuy nhiên không bao gồm vấn đề chủ quyền của các vùng lãnh thổ lãnh hải đó.

Các nước giải giáp vũ khí Phát xít rồi thoái lui, trao lại chủ quyền cho các nước sở tại. Hiệp định Geneva năm 1954, cộng đồng quốc tế đã trao quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa cho miền Nam Việt Nam- chính quyền này là một bộ phận của đất nước Việt Nam đang chuẩn bị tiến hành tổng tuyển cử trên toàn quốc theo hiệp định Geneva.

Chính quyền miền Nam từ đó đã tiếp tục truyền thống lịch sử, liên tục quản lý và khai thác Hoàng Sa và Trường Sa cho đến khi Trung Quốc tổ chức đánh chiếm một số đảo”.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã với chiếc ghe bầu mô hình mà các đội dân binh được triều đình cử đi quản lý khai thác Hoàng Sa thế kỷ 19. Ảnh: N.A
Tiến sĩ Nguyễn Nhã với chiếc ghe bầu mô hình mà các đội dân binh được triều đình cử đi quản lý khai thác Hoàng Sa thế kỷ 19. Ảnh: N.A .

Tiến sĩ Nguyễn Nhã giới thiệu cho tôi rất nhiều tài liệu, bản đồ, khẳng định chủ quyền nhiều thế kỷ của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa và sự công nhận, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Ông bùi ngùi kể: “Trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, tại Đại học Harvard, tôi đã giới thiệu với các bạn nhiều tài liệu. Khi được hỏi về cảm xúc của tôi khi chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông bị xâm phạm, một lần nữa tôi đã không cầm được nước mắt.

Tôi nói với các vị đại biểu, các nhà khoa học quốc tế rằng câu hỏi đã xoáy vào nỗi đau của tôi. Là công dân của một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể bàn cãi về Hoàng Sa và Trường Sa”.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã bày tỏ tin tưởng vào sự ủng hộ và quan tâm của bạn bè quốc tế trước cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Những nhà khoa học chân chính, các nhà hoạt động chính trị bảo vệ quyền lợi chính đáng của các dân tộc trên thế giới, nhân dân thế giới luôn ủng hộ quyền lợi và sự toàn vẹn lãnh thổ của các dân tộc nhỏ bên cạnh các nước lớn, để đảm bảo sự tồn tại công bằng và bình đẳng giữa các quốc gia trên trái đất.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã tin tưởng nói: “Sự thật và chân lý luôn là sức mạnh. Dư luận luôn đứng về phía chính nghĩa”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG