Người Hà Nội kỳ vọng gì về đề xuất 'biến' sông Tô Lịch thành công viên?

Sông Tô Lịch hiện tại đang bị ô nhiễm nặng nề.
Sông Tô Lịch hiện tại đang bị ô nhiễm nặng nề.
Ông Hoàng Văn Thám (Cầu Giấy - Hà Nội) nói, nếu “biến” sông Tô Lịch vừa sạch nước, vừa thành công viên là rất lý tưởng; ông Hoàng Xuân Trường (Thanh Xuân, Hà Nội) mong muốn đề xuất sớm được thi công…

Tô Lịch là dòng sông cổ cạnh tứ giác nước của kinh đô Thăng Long xưa, là nơi giao thương buôn bán tấp nập của chốn Kinh Thành. Trải qua những năm tháng lịch sử, với tác động của quá trình đô thị hóa, dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối và trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô.

Hàng chục năm nay, nhiều giải pháp giải cứu dòng sông đã được TP Hà Nội đưa ra nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Sông Tô Lịch vẫn nằm đó chờ ngày “hồi sinh”.

Liên quan đến đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" bằng nguồn vốn Nhật Bản, người dân đã có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Người Hà Nội kỳ vọng gì về đề xuất 'biến' sông Tô Lịch thành công viên? ảnh 1  
Người Hà Nội kỳ vọng gì về đề xuất 'biến' sông Tô Lịch thành công viên? ảnh 2 Cảnh quan "Công viên Tô Lịch" theo bản đề xuất.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Xuân Trường (68 tuổi, ở Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: “Theo tôi sông Tô Lịch mà cải tạo được như đề xuất thì đó là ước mơ của bà con sinh sống dọc theo sông Tô Lịch. Bao nhiêu năm nay, nước sông Tô Lịch rất thối. Nếu làm được như đề xuất thì cải thiện được môi trường, từ đó, sinh hoạt của bà con được ra tham quan sông Tô Lịch là điều quá tốt, thành phố đã quan tâm đến bà con. Mong muốn dự án này thi công sớm ngày nào thì bà con được hưởng niềm vui ngày ấy”.

Người Hà Nội kỳ vọng gì về đề xuất 'biến' sông Tô Lịch thành công viên? ảnh 3 Ông Hoàng Xuân Trường mong muốn đề xuất thực hiện càng sớm càng tốt.

Tương tự, ông Hoàng Văn Thám (77 tuổi, ở Quan Hoa, Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ, nếu cải tạo được sông Tô Lịch vừa sạch nước, vừa thành công viên thì đó là “lý tưởng”.

Ông Thám cho biết thêm, sông Tô Lịch ô nhiễm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của người dân sinh sống ở dọc 2 bên bờ sông.

“Đơn giản như tôi đi bộ dọc bờ sông hít mùi nước sông cũng rất sợ. Nước sông Tô Lịch ngày xưa trong và sạch lắm, có câu thơ rằng “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”. Bây giờ sông Tô Lịch ô nhiễm quá, nước dưới sông đen sì”.

Người Hà Nội kỳ vọng gì về đề xuất 'biến' sông Tô Lịch thành công viên? ảnh 4 Ông Hoàng Văn Thám cho rằng, nếu đề xuất cải tạo sông Tô Lịch vừa sạch nước, vừa thành công viên thì đó là "lý tưởng".

Cũng liên quan đến đề xuất trên, PGS.TS NSH Hà Đình Đức cho rằng: “Ở góc độ chuyên gia và góc độ người dân, tôi rất muốn dòng sông ô nhiễm Tô Lịch được cải tạo. Nếu thực sự cải tạo được sông Tô Lịch thành công viên hay điểm du lịch thì đó là dấu ấn nghìn năm của Thủ đô chứ không phải là dấu ấn trăm năm”.

PGS Hà Đình Đức cho biết, dòng sông nào cũng có vận mệnh. Tô Lịch là tên của một nhân vật lịch sử họ Tô tên Lịch, từ cách đây 2.000 năm trước công nguyên. Trải qua các thời kỳ Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, sông Tô Lịch được biết đến là trung tâm, là cao điểm, là tiêu điểm, là tụ điểm, là linh điểm của Thủ đô. 

Theo PGS Hà Đình Đức, vào thế kỷ thứ 10, 11, 12, sông Tô Lịch ở giai đoạn huy hoàng, rực rỡ nhất. Đây là giai đoạn người dân kinh thành đều ký thác cả đời sống văn hoá, tinh thần, đời sống kinh tế, đời sống quân sự vào dòng sông Tô.

Người Hà Nội kỳ vọng gì về đề xuất 'biến' sông Tô Lịch thành công viên? ảnh 5 PGS Hà Đình Đức.

Về nơi khởi nguồn của dòng nước sông Tô Lịch, PGS Hà Đình Đức cho hay: Sông Tô xưa là đường bao kinh thành, bắt nguồn từ sông Hồng bắc qua đoạn chợ Gạo (nay ở vị trí nền toà nhà Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam), đến dọc phố Nguyễn Siêu, hàng Buồm rồi kéo ra đoạn đường Phan Đình Phùng. Chính đoạn thành cổ ở phố Phan Đình Phùng ngày nay là hào của thành cổ sông Tô xưa. Sông Tô Lịch kéo dài dọc phố Thuỵ Khuê, lên đến khu đầu đường Hoàng Quốc Việt thì gặp sông Thiên Phụ (hiện sông này đã mất).

Ở thế kỷ 17, cảnh giao thương buôn bán trên sông vẫn diễn ra tấp nập. Sau này, do sự phát triển đô thị hoá, dòng sông bị ép hẹp dần. Cuối cùng thì sông Tô gần như là 1 rãnh thoát nước.

PGS Hà Đình Đức nhấn mạnh, ý định cải tạo sông Tô Lịch đã có từ rất lâu. Đặc biệt là cuối những năm 70, đầu những năm 80 (thế kỷ 20), Liên Hiệp quốc đã đưa ra dự án cải tạo sông Tô với hy vọng trở thành 1 con sông trong xanh, du lịch. Rồi những đề án cải tạo ở những năm 1998, 2000… nhưng tất cả đều không thành công.

Đến năm 1990, Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm. Cuối năm 2008, trước trận lụt lịch sử, người dân Thủ đô một lần duy nhất được chứng kiến sông Tô Lịch nước trong xanh, cuồn cuộn chảy.

“Đã nói là sông là phải có dòng chảy, sông không có dòng chảy ắt là sông “chết”. Muốn làm sông “sống” lại, trước tiên là phải xử lý nước thải, tiếp đến mới tạo dòng chảy”, PGS Hà Đình Đức nói thêm.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.