Hàng loạt dự án xử lý rác thải ở Hà Nội triển khai tốc độ...'rùa bò'

Dự án đầu tư Khu xử lý rác thải huyện Ðông Anh không một bóng người
Dự án đầu tư Khu xử lý rác thải huyện Ðông Anh không một bóng người
TP - Quy hoạch có tới 17 khu xử lý rác thải, nhưng sau nhiều năm, chỉ có 3 dự án được thực hiện, các khu xử lý này “cõng” khoảng 7.000 tấn rác/ngày đêm cho Hà Nội. Nếu không thực sự có giải pháp cho vấn đề rác thải, khủng hoảng rác sẽ chưa có hồi kết.

Sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề

Phóng viên trở lại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) những ngày đầu tháng 10. Những cơn gió mùa bắt đầu về khiến cho mùi từ bãi rác cứ xộc lên từng đợt, cuộc sống của người dân 3 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bãi rác, (Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn) lại càng trở nên ngột ngạt.

Ông Lương, đại diện cho một số hộ dân bị ảnh hưởng tại xã Nam Sơn, cho biết, sau thời điểm người dân chặn xe rác, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đến đối thoại với cư dân 3 xã. Sau văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, huyện đang rà soát lại toàn bộ các công trình nhà trên đất ở. Sau khi kiểm đếm đầy đủ mới có phương án, giải quyết các vướng mắc. “Tôi trực tiếp đưa cán bộ đi đo đạc những ngày qua, thời hạn hoàn thành trong tháng 11/2020”, ông Lương nói. Theo ông, thời gian này, cốt rác lên cao, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ngày càng nặng nề.

Ông Bộ (người dân xã Nam Sơn) nói rằng, hiện phương án đối với đất ở được tính là 866.000 đồng/m2; đất vườn tính 78.000 đồng/m2, nhưng bà con vẫn còn nhiều bức xúc chưa giải quyết được. Về vấn đề đền bù, ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, xác nhận, vẫn chưa trả tiền đền bù đợt nào về đất ở. Thông tin tiến độ thì Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn nắm đầy đủ, ở xã chỉ thực hiện theo chỉ đạo của huyện. Như vậy, kể từ lần gần nhất người dân chặn xe rác cách đây 3 tháng, việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất Sóc Sơn, nói: “Bãi rác Nam Sơn nằm ở giữa 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ và Bắc Sơn. Giai đoạn 2 của dự án chậm GPMB so với tiến độ đề ra vì vướng một số hộ ở xã Bắc Sơn”.

Đối với dự án di dân khỏi vùng ảnh hưởng bán kính 500m tính từ hàng rào bãi rác, diện tích khoảng 396ha (đất nông nghiệp 131,3ha; đất ở 102ha; đất khác 147,7ha). Tiến độ tính đến đầu tháng 10, về phần đất nông nghiệp, cơ bản đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ xong đối với xã Nam Sơn, xã Hồng Kỳ, riêng xã Bắc Sơn khoảng 55 ha chưa thực hiện. Đối với đất ở, xã Nam Sơn, Hồng Kỳ đã kiểm đếm xong; xã Bắc Sơn còn 60 hộ chưa đồng ý kiểm đếm.

Về việc chậm trễ trong đền bù cho người dân ở xã Bắc Sơn, ông Hùng lý giải, cơ quan cảnh sát điều tra đang điều tra việc dồn điền đổi thửa, giao đất nông nghiệp của xã nên chưa thực hiện được các nội dung khác.

Nguyên nhân chậm triển khai

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Nhưng hiện tại, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chỉ có ba khu xử lý chất thải sinh hoạt đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, Nam Từ Liêm. Một số khu xử lý chất thải khác hiện đang dừng hoạt động vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân công nghệ xử lý rác lạc hậu, không còn phù hợp.

Dự án đầu tư Khu xử lý rác thải tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội nằm ngay ở mặt đường lớn, mặt tiền hàng chục mét vuông nhưng bên trong doanh nghiệp gần như không một bóng người. Bên trong sân có 3 chiếc xe rác, khu văn phòng, khu xử lý rác không có bóng cán bộ, công nhân. Khi PV Tiền Phong đặt câu hỏi làm việc với bảo vệ duy nhất của công ty, ông này nói: “Văn phòng không có ai, nhà máy cũng chưa hoạt động. Tôi chỉ trông, không biết gì thêm”.

Dự án Đầu tư Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh do Công ty CP Xây dựng Công nghiệp và Thương mại Thành Quang (nay là Công ty CP Đầu tư Thành Quang) được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tháng 11/2011, sau đó UBND thành phố chấp thuận điều chỉnh 3 lần vào các năm 2013, 2015, 2016. Dự án này sử dụng khoảng 8,74ha đất, công suất xử lý chất thải 500 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 768,438 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án là 158,985 tỷ đồng (chiếm 20,69% tổng mức đầu tư, vốn vay thương mại 606,453 tỷ đồng, chiếm 79,31%).

Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Kết luận Thanh tra Sở KH&ĐT Hà Nội nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu là nhà đầu tư chưa lường hết được các khó khăn dẫn đến dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến. Đáng chú ý, tại phần diện tích đất thuộc các hạng mục kho gạch block và kho nguyên liệu, nhà đầu tư đã xây dựng khu nhà xưởng cấp 4 (khung mái tôn) không theo giấy phép xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng được cấp. Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đánh giá, ngoài các nguyên nhân nêu trên, còn có nguyên nhân các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương chưa phối hợp tốt trong kiểm tra, giám sát dự án đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

Ngoài dự án đốt rác tại Đông Anh, các dự án đốt rác như Dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn cũng chậm tiến độ. Cá biệt, Dự án Khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, do Cty TNHH Indovin Power là chủ đầu tư, còn chưa triển khai bất cứ thủ tục nào. Sở KH&ĐT Hà Nội đang làm thủ tục thu hồi dự án này.

Một số khu xử lý chất thải đã được phê duyệt chủ trương đầu tư cũng chậm được triển khai. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vướng mắc trong công tác GPMB, người dân còn chưa đồng thuận với công nghệ dự kiến áp dụng. Các khu xử lý chất thải kể trên gồm: Núi Thoong, Chương Mỹ; Đông Lỗ, Ứng Hòa; Lại Thượng, Thạch Thất; Hợp Thanh, Mỹ Đức.

Theo đại diện Sở KH&ĐT, các dự án xử lý rác thải sử dụng các công nghệ cao còn mới mẻ, nhiều văn bản pháp luật về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường còn chưa đầy đủ, rõ ràng. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến cho các dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến. Đại diện Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý nói rằng, dự án đốt rác Nam Sơn công ty đang thực hiện mất nhiều tháng để hoàn thành các thủ tục chấp thuận bổ sung quy hoạch phát triển điện. Sau đó đến dịch COVID-19 khiến hàng trăm chuyên gia nước ngoài không thể qua làm việc…

Với tổng chất thải rắn trên địa bàn Thủ đô ước tính khoảng 7.000 tấn/ngày đêm hiện nay, có đến 6.500 tấn đang tập trung xử lý tại hai khu xử lý chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn. Lượng rác chôn lấp lại bãi rác Nam Sơn chiếm tới 5.000 – 5.300 tấn/ngày đêm. Do lệ thuộc vào một bãi rác chính, trong khi tiến độ GPMB liên tục gặp khó khăn nên mỗi lần bãi rác “hắt hơi sổ mũi” thì nỗi lo ngập rác tại Thủ đô lại hiển hiện.

MỚI - NÓNG