Người duyên nợ với hồi ức binh nghiệp

Tác giả với Thượng tướng Ðặng Vũ Hiệp.
Tác giả với Thượng tướng Ðặng Vũ Hiệp.
TP - Chấp bút cho 26 cuốn hồi ký, được đồng nghiệp gọi là “ông trùm hồi ký binh nghiệp”, đại tá, nhà văn Lê Hải Triều chỉ nhận mình là người thể hiện giùm ký ức của những chiến binh thế thệ đàn anh. Ông giúp họ lưu lại những điều đúng như cuộc sống và chiến tranh vốn có.

Trước khi rẽ ngang sang nghề viết hồi ký, nhà văn quân đội Lê Hải Triều đã được biết đến như một tác giả chuyên về sách lịch sử chiến tranh với cách viết súc tích, nhưng không khô khan. Trong các cuốn ông tham gia  như Lịch sử Trung đoàn 66, Lịch sử Sư đoàn 10, Anh hùng chiến dịch Hồ Chí Minh, Đường vào Buôn Ma Thuột... tư liệu đơn vị và sự kiện chiến trường được viết kỹ lưỡng, chi tiết nhưng không sa vào kể lể, thống kê hóa kiểu viết sử, bởi người viết có văn.

Loạt hồi ký của những vị tướng như Đặng Vũ Hiệp, Chu Huy Mân, Nguyễn Quốc Thước, Khuất Duy Tiến, Tiêu Văn Mẫn, Nguyễn Huy Hiệu, Lê Văn Dũng... do Lê Hải Triều thể hiện không chỉ hấp dẫn bạn đọc, đồng nghiệp văn chương mà chính các chủ nhân của hồi ức cũng thường xuyên muốn đọc lại.

Người duyên nợ với hồi ức binh nghiệp ảnh 1 Nhà văn Lê Hải Triều đã chấp bút cho 26 cuốn hồi ký các tướng lĩnh. Ảnh: Lan Hương.

Ðiều làm nên một “ký ức” đáng đọc

Từ khi là một binh nhì , Lê Hải Triều đã có đam mê viết. Từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tây Nguyên từ năm 1967 nên cuộc sống, trận mạc và con người ở vùng đất này là một phần tuổi trẻ của ông.

“Với lời văn bình dị, mộc mạc, anh không tô vẽ làm ra vẻ hùng tráng cái tâm trạng thực. Sự chân thực, đó là đòi hỏi tiên quyết đối với hồi ký. Gia giảm, thêm bớt, dù là tí xíu, và dù là khéo léo để độc giả không nhận thấy,  thì cũng làm cho tác phẩm mất hẳn giá trị”. 

Nhà văn Bảo Ninh

Đó cũng là lý do đại tá Hải Triều lúc đó đã chuyển sang làm biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhận lời viết cuốn hồi ký “Ký ức Tây Nguyên” của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp.

“Không phải vì bác Hiệp là chính ủy quân đoàn cũ của tôi mà tôi viết tô hồng một chiều đâu. Đó là một nhà quân sự trí thức, khác biệt bởi sự thông minh, sắc sảo, quyết đoán và hóm hỉnh”.

Khi bắt tay vào viết, ngoài các cuộc ghi âm phỏng vấn, Thượng tướng giao cho nhà văn 38 cuốn sổ nhật ký chiến trận từ 1965-1975. Trong sổ ghi chép thông tin mỗi ngày, tên tuổi , quê quán, ngày tháng từng binh lính bị thương, hy sinh, đầu hàng cùng sự kiện đáng nhớ khác. Một quân đoàn có khoảng 30 nghìn lính. Chưa có vị tướng nào ở ta làm được điều này, nhà văn thổ lộ.

Bạn đọc không thể không tò mò với quan điểm của một vị chỉ huy luôn đồng cam cộng khổ và ghi nhận công lao của từng anh lính thường. Đặng Vũ Hiệp khi đó là đại tá, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Chính ủy Quân đoàn 3 từng  nghĩ “Tất cả mọi chiến thắng và kỳ tích anh hùng ở chiến trường đều được làm nên bởi những binh nhất, binh nhì và cán bộ phân đội...”.

Người duyên nợ với hồi ức binh nghiệp ảnh 2 Tác giả với Ðại tướng Lê Văn Dũng.

Qua hồi ký, bạn đọc biết thêm chính ủy Đặng Vũ Hiệp là một trong những người hùng của chiến dịch Mùa xuân năm 1975. Quân đoàn 3 của ông là một trong những mũi chủ lực, tiến vào Sài Gòn làm chủ 2 trong số 5 mục tiêu của chiến dịch là Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1977, ông được phong tướng, lần đầu tiên (và duy nhất) trong lịch sử quân đội Việt Nam, một Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được kiêm chức Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng.

“Ký ức Tây Nguyên” nhận được nhiều lời khen của bạn đọc và đồng nghiệp. Cuốn sách được tái bản ba lần (tổng số 15 nghìn cuốn) và  được dịch ra tiếng Anh.

Từng là người trong cuộc, nhà văn Hải Triều có nhiều đồng cảm với tướng Hiệp, và ông đã gửi gắm suy nghĩ thật của mình vào câu chuyện của nhân vật chính. Người đọc không bị chán bởi có nhiều đoạn hội thoại, không giống cách viết khuôn mẫu vốn có của các chính khách. Lê Hải Triều đã tạo dựng được thương hiệu “viết hồi ký” ngay trong tác phẩm đầu tay.

Người duyên nợ với hồi ức binh nghiệp ảnh 3 Tác giả với Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu

Những nỗi niềm không có trên wikipedia

Vào Wiki (hay Google) tra tên các vị tướng mà Lê Hải Triều thể hiện hồi ký đều có hầu hết thông tin về các quyết sách hay trận đánh mà họ tham gia. Tuy nhiên chỉ trong hồi ký các nhân vật mới  chia sẻ những tình tiết, nỗi niềm mà trước đó chưa thể nói ra.

Qua cuốn hồi ký “Thời sôi động” của Đại tướng Chu Huy Mân bạn đọc, nhất là quân nhân cùng thế hệ có những nhìn nhận đúng hơn về những quyết định dấu mốc trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Đại tướng Chu Huy Mân (còn có tên Hai Mạnh, được Bác Hồ đặt cho vì ông mạnh chính trị và mạnh quân sự) từng nhiều năm là tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu 5. Có chuyện sau năm 1973,  Quân khu 5 có hai tư tưởng về xây dựng lực lượng, bác Mân muốn xây dựng các trung đoàn, sư đoàn chủ lực tập trung còn một tư tưởng là chia nhỏ từng tiểu đoàn về xã ấp đánh tề ngụy giải phóng xã ấp. Tư tưởng bác Mân phản ánh lên Bộ thế nào mà trên cho đồng chí Lê Trọng Tấn vào thay bác Mân. Ông Lê Trọng Tấn vào tìm hiểu một thời gian ngắn thấy bác Mân đúng. Ông Tấn về báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bác Mân tiếp tục ở lại Quân khu 5 cho đến khi chỉ huy các sư đoàn của Quân khu đánh chiếm Đà Nẵng trước khi Quân đoàn 2 từ Huế đánh vào.

Tướng Đặng Vũ Hiệp chia sẻ về việc ta đã sai lầm trong chiến dịch Plei Kần (1972). Lẽ ra nên đánh thẳng Kon tum đang rỗng không vì địch đã rút, thì lại tấn công Plei Kần. Đây là cụm cứ điểm phòng thủ chắc chắn của địch, đầm lầy bao quanh, mỗi nhà dân địa phương bị địch chiếm làm lô cốt. Trận đó ta thiệt hại nặng về người và của.

Trung tướng Tiêu Văn Mẫn trong “Những miền ký ức” đã không ngại bày tỏ  nỗi ân hận vì ứng xử vội với một phó giám đốc công ty thuộc quân đội. Bị quân pháp bắt giam, người này cảm thấy oan ức đã thắt cổ tự vẫn. Tướng Mẫn đã tổ chức đám tang và giải quyết chế độ tử sĩ như một cách giải oan cho người phó giám đốc nọ.

Trong một bài báo viết về “trí nhớ cuộc chiến” của Lê Hải Triều , nhà văn Bảo Ninh bày tỏ: “Với lời văn bình dị, mộc mạc, anh không tô vẽ làm ra vẻ hùng tráng cái tâm trạng thực. Sự chân thực, đó là đòi hỏi tiên quyết đối với hồi ký. Gia giảm, thêm bớt, dù là tí xíu, và dù là khéo léo để độc giả không nhận thấy, thì cũng làm cho tác phẩm mất hẳn giá trị”.

Rong ruổi với người thú vị

Trò chuyện về thù lao, nhà văn tiết lộ “ viết cho các bác Ðặng Vũ Hiệp, Chu Huy Mân, Khuất Duy Tiến, Tiêu Văn Mẫn tôi không lấy tiền . Tôi nhận một ít nhuận bút để mua sách gửi biếu các bác thôi”. Viết cho tướng lĩnh bên khối kinh doanh quân đội thì nhà văn nhận khoảng  trên dưới 200 triệu cho mỗi cuốn viết trong vòng 1 năm. Cái được nhiều hơn tiền với ông là những chuyến rong ruổi dọc đất nước, vừa đi vừa phỏng vấn ghi âm. “Thêm rất nhiều người giỏi và hay vào danh sách bạn bè”.

MỚI - NÓNG