Người đoạt giải Nobel Văn chương 2023 - hàng xóm của vua

TP - Jon Fosse, nhà văn và nhà viết kịch người Na Uy (sinh năm 1959) vừa đoạt Giải Nobel Văn chương năm nay là một tên tuổi lớn của nền văn học Bắc Âu với nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có thứ hạng 83 trong “Top 100 thiên tài còn sống” của tờ “The Daily Telegraph” (năm 2007), và Giải thưởng Văn học của Hội đồng Bắc Âu (năm 2015).


Chiến thắng của Fosse trong mùa giải Nobel năm nay dường như đã có thể đoán trước khi ông xếp thứ hai trong danh sách đặt cược của nhà cái Nicer Odds, với tỷ lệ 5/1 (một ăn 5). Mặc dù các tác phẩm của ông ít được biết đến ở Châu Á và chưa được dịch ra tiếng Việt, nhưng ở vùng Trung Âu, Fosse đã “thành danh” từ hai thập niên nay.

“Cực kỳ trong sáng”

Tại Hungary, sách của Fosse được chuyển ngữ từ năm 1995, đó là vở kịch đầu tay “Ai đó sẽ đến” (Nokon kjem til a kome) do ông sáng tác 3 năm trước đó.

“Một tác giả cực kỳ trong sáng, người lột tả câu chuyện của mình một cách giản dị đến mức sự im lặng cũng phải bắt đầu lên tiếng” là góc nhìn của nhà văn Cserna-Szabó András, người đã làm quen với tác phẩm của Jon Fosse từ 15-20 năm nay khi có dịp qua Oslo (Na Uy). Lúc đó, tân khôi nguyên của Giải Nobel Văn chương năm nay đã là một tác giả có tiếng.

Trả lời báo giới, ông Cserna-Szabó András nhận xét rằng các tác phẩm của Fosse phản ánh chủ nghĩa tối giản vốn là đặc trưng của văn hóa Bắc Âu, trong đó có cả nền kiến trúc và điện ảnh. Theo ông, đây là lý do tại sao Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã lý giải cho quyết định trao giải Nobel cho Fosse, rằng trong các tác phẩm của mình Fosse đã lên tiếng cho những điều không thể diễn tả được.

“Tôi thích nhất là cuốn truyện vừa “Sáng và tối” (Morgon og kveld) của ông, kể về ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của một người đánh cá. Nếu đúng rằng truyện ngắn là nghệ thuật nén thì đây hoàn toàn là nghệ thuật. Cuốn sách chưa đầy một trăm trang, nhưng nó là một tác phẩm văn học chắt lọc thực sự, tuyệt vời” - nhà văn sở hữu giải thưởng cao quý József Attila của Hungary chia sẻ.

Fosse cũng viết các vở kịch của mình theo phong cách giản dị này. “Tôi cũng hỗ trợ dịch thô một trong những vở kịch của ông, được Szász János đạo diễn ở Oslo. Bộ ba tác phẩm “Oedipus” đã được biên tập cùng nhau, rút gọn và thành công” - Cserna-Szabó cho hay.

Khó khăn với... dấu phẩy

Người đoạt giải Nobel Văn chương 2023 - hàng xóm của vua ảnh 1

Sống ở Na Uy từ năm 1980 trên cương vị một nhà nghiên cứu về khoa học xã hội tại Đại học Oslo, và khám phá ra sự nghiệp “để đời” của Jon Fosse khi cầm trong tay cuốn “Andvake” (Mất ngủ) của nhà văn, 20 năm nay, dịch giả A. Dobos Éva đã dịch nhiều đầu sách của văn hào Na Uy ra tiếng Hung. Bà cũng nhận xét rằng đặc điểm trong tác phẩm của Fosse là văn bản gọn gàng, tối giản, gần như đơn điệu với rất nhiều sự lặp lại.

Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Éva thổ lộ, lúc đầu, bà gặp khó khăn với thủ pháp ngữ pháp độc đáo của Jon Fosse, đặc biệt là dấu phẩy, thứ mà ông sử dụng trong văn bản của mình dựa trên cảm xúc hơn là các quy tắc logic. “Trong các tác phẩm, dấu phẩy biểu thị nhịp điệu, nhịp độ, khoảng dừng, âm lượng và sự nhấn mạnh”, bà nói và nhận xét thêm, “phong cách Fosse độc đáo, không thể nhầm lẫn được không chỉ bởi cách sử dụng dấu phẩy một cách đặc biệt, mà còn bởi nhạc tính của văn bản”.

Chính tác giả đã khuyên bà: đừng lo lắng về ngữ pháp, đừng tìm kiếm hệ thống mà hãy cảm nhận âm nhạc hiện diện trong các tiểu thuyết của ông. “Ông luôn bảo tôi hãy làm những gì tôi thấy phù hợp, ông tin tưởng vào khả năng dịch thuật của tôi và không can thiệp. Không ai yêu cầu nhưng tôi bắt tay vào dịch ngay và bị sách cuốn hút. Sau đó tôi đến gặp Nhà xuất bản Kalligram (Budapest) và nói rằng đây là một nhà văn xuất sắc, cần phải xuất bản sách của ông ấy”, bà Éva hồi tưởng.

Hướng nội và được cứu sống nhờ đức tin tôn giáo

Đó là chuyện từ năm 2008, và rồi câu chuyện về tình yêu của hai bạn trẻ trong “Mất ngủ” được xuất bản bằng tiếng Hungary, in khoảng 400-500 bản. Dịch giả A. Dobos Éva quen thân và thường xuyên có dịp gặp gỡ Jon Fosse, người mà theo bà, về cơ bản là một nhân vật thu mình. Ông không thường xuyên tiếp khách, chỉ trả lời câu hỏi của các nhà báo qua e-mail, và thậm chí không đi xem các vở kịch của chính mình, ngay cả khi chúng được trình diễn không phải ở Paris hoặc New York, mà ngay tại các rạp ở Oslo.

“Ông ấy rất trầm tính, không thích xuất hiện, cũng không dự các buổi ra mắt sách hay lễ hội, mà thường chỉ có mặt ở những buổi diễn tập chính. Nên biết, ông là người rất sùng đạo, hàng tuần nhiều lần đến nhà thờ”, bà Éva kể với báo giới về nhân vật đang được chú ý nhất trên văn đàn thế giới”. Tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn đến con người và tác phẩm của Jon Fosse, theo lời dịch giả Hungary: “Ông là một nhân vật hay nghi ngờ, thích triết lý và đặt câu hỏi về sự tồn tại của con người, Đức Chúa Trời và mối quan hệ giữa họ”.

“Ông chuyển sang đạo Công giáo dưới ảnh hưởng của người vợ Slovakia, điều này sở dĩ bất thường vì người dân Na Uy đều theo đạo Tin Lành. Tôn giáo đã giúp đỡ ông rất nhiều, vì ông đã phải vật lộn với chứng nghiện rượu trong một thời gian dài, và về cơ bản, đức tin đã cứu sống ông. Bên cạnh đó, ông không bao giờ che giấu điều này, và nó thậm chí còn xuất hiện như một mô-típ trong sách của ông”, dịch giả Éva nhận xét.

Hàng xóm của vua Na Uy

Người đoạt giải Nobel Văn chương 2023 - hàng xóm của vua ảnh 2

Nhà văn và nhà viết kịch Jon Fosse - Người đoạt giải Nobel Văn chương 2023

Mười năm trước, bà Éva đã có dịp thực hiện một cuộc phỏng vấn với Fosse ngay tại “hang động” của ông. Đó là một căn hộ được cấp cho người “nghệ sĩ của dân tộc” mang tên “Grotten”, nằm ngay trong công viên Cung điện Hoàng gia Oslo, nơi Fosse có thể sinh sống đến cuối đời. Bài phỏng vấn được đăng trên trang web của Nhà xuất bản Kalligram với tựa “Người hàng xóm của vua Na Uy”, cho hay: “Fosse luôn được coi là nghệ sĩ vĩ đại của đất nước”.

Bà Éva kể: đến nhà Fosse, ông cũng khoe những giải thưởng trước đây rồi nói thêm ngay: “Theo nghi thức của người Anh, những thứ này nên treo trong nhà vệ sinh. Sẽ thật phô trương nếu đặt nó ở nơi nổi bật hơn như phòng khách hay hành lang. Nhưng tôi biết ơn tất cả các giải thưởng và sự công nhận. Có điều, giá mà không có lễ trao giải thì hơn, tôi thà chạy trốn khỏi đó và hạnh phúc nhất khi cuối cùng cũng có thể về nhà”.

Hiện tại, Fosse chia cuộc sống của mình giữa ba nơi cư trú - Oslo, Bergen và Hainburg (Áo), gần Bratislava, thủ đô Cộng hòa Slovakia là nơi gia đình vợ ông sinh sống. Trong nền kịch nghệ đương đại, ông được xem như một trong những nhà soạn kịch nổi tiếng nhất, có tác phẩm được diễn nhiều nhất trên thế giới, đồng thời là kịch tác gia vĩ đại nhất của Na Uy sau Henrik Ibsen.

Dịch giả A. Dobos Éva khuyên rằng nếu ai đó chưa bao giờ cầm trên tay cuốn sách nào của Fosse thì nên bắt đầu với “Sáng và tối”.