Người Dao đỏ biết làm giàu ở Phìn Ngan

Người Dao đỏ biết làm giàu ở Phìn Ngan
TP - Người đàn ông Dao đỏ ấy ở chót vót trên đỉnh núi cao nhưng khát vọng làm giàu thì nhiều người Kinh theo không kịp. Vừa qua, ông Phàn Phù Lìn được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi.
Người Dao đỏ biết làm giàu ở Phìn Ngan ảnh 1 

Ông Phàn Phù Lìn

Nhiều bạn trẻ người thiểu số vùng cao đã được ông thổi bùng khát vọng làm giàu.

Khát vọng thoát nghèo

Từ TP Lào Cai men theo con sông Hồng chạy dọc biên giới Việt Trung khoảng 40 km, chúng tôi đã có mặt tại trụ sở xã Trịnh Tường-huyện Bát Xát. Từ đây vượt qua vài ngọn núi, chúng tôi mới đến được thôn Phìn Ngan để gặp ông Phàn Phù Lìn.

Dáng người gầy gò trong bộ áo truyền thống của người Dao, ông Phàn Phù Lìn (64 tuổi) giọng Kinh lơ lớ tâm sự: “Tôi đã từng lang thang du canh, du cư khắp các ngọn núi nên thấm thía cái đói, cái nghèo. Không lẽ cứ để đói và nghèo bám riết lấy cuộc sống của người Dao.

Hàng ngày nghe trên đài tiếng nói Việt Nam, có bao nhiêu người biết cách làm giàu, tôi cứ thắc mắc: Duyên cớ gì mà người Dao ở Trịnh Tường lại đói ăn, đói mặc”. Thế rồi, năm 18 tuổi Phàn Phù Lìn xung phong làm trưởng thôn ở một thôn mới lập có tên gọi là Phìn Ngan nằm chót vót trên đỉnh núi cao.

Những ngày đầu ấy thật vất vả vì bà con vốn quen với lối sống du canh, du cư. Không nói nhiều, Trưởng thôn Phàn Phù Lìn làm theo hướng dẫn trên đài tìm nguồn nước, đắp ruộng bậc thang trồng lúa nước.

Lúc đó đa số bà con trong thôn đều nói: “ái dà! Già thế rồi tìm được nguồn nước trồng lúa thì có mà mọt xương. Cứ du canh, du cư là có cái ăn à!”. Năm này qua năm khác, ruộng bậc thang nhà ông Lìn ngày càng tươi tốt và cung cấp đủ lương thực cho 8 miệng ăn.

Năm 1993, Phàn Phù Lìn biết thêm một kỹ thuật mới là… bón phân cho lúa. Bà con trong thôn thấy nhà Lìn nhiều lúa nên “thích cái bụng lắm”. Thế là 55 hộ đầu tiên của thôn Phìn Ngan đã bỏ lối canh tác lúa nương và bắt chước cách trồng lúa nước như ông Lìn. Từ đó người dân tín nhiệm ông Lìn lắm.

Dấy lên phong trào làm giàu

Có cái ăn, Phàn Phù Lìn nghĩ tại sao mình không giàu được như người Kinh trong khi lực lượng lao động nhà mình dồi dào. Thế là ngoài trồng lúa nước, ông Lìn huy động cả nhà vào rừng trồng thảo quả. Cứ tưởng cuộc sống của bà con thôn Phìn Ngan cứ thế đi lên thoát nghèo.

Người Dao đỏ biết làm giàu ở Phìn Ngan ảnh 2
Bí thư đoàn xã Trịnh Tường: “Mình sẽ học tập bác Lìn bắt những ngọn núi kia “đẻ” ra tiền!”

Bỗng dưng bọn tà đạo ở đâu đến Phìn Ngan tuyên truyền cái gọi là đạo Vàng Chứ. Bọn chúng gieo rắc những điều hoang tưởng cho người dân như đi theo đạo Vàng Chứ để được sang Philippines ăn sung, mặc sướng; không làm mà vẫn có ăn…

Một lần nữa, Phàn Phù Lìn lại phải ra sức vận động bà con, vạch mặt bọn lừa bịp. Thấy một số hộ gia đình khó khăn, Phàn Phù Lìn đã hỗ trợ bằng cách cho vay vốn không lấy lãi. Đến nay, gia đình ông Phàn Phù Lìn có khoảng hơn 3 ha ruộng bậc thang và 10 ha thảo quả.

Thảo quả nếu được giá mỗi năm gia đình ông cũng thu về được 200 triệu đồng. Trong thôn Phìn Ngan có nhiều gia đình học tập cách làm ăn của Phàn Phù Lìn cũng trở nên giàu có như trường hợp của Phàn Phùng Sèo.

Tuy ở trên đỉnh núi cao chót vót và hẻo lánh nhưng Phàn Phùng Sèo đã xây được nhà mái bằng có trị giá khoảng 200 triệu đồng. Để xây được ngôi nhà này, Phàn Phùng Sèo đã phải thuê ngựa và người thồ vật liệu lên tận đỉnh núi cao.

Ông Phàn Phù Lìn còn “khoe”, nhà ông vừa hoàn thành xong một ao nuôi cá (công đào ao tốn 23 triệu đồng). Tôi hỏi vui: “Nhà bác Lìn như vậy đã gọi là giàu chưa?”. Ông nói: “Chỉ thiếu ô tô và tủ lạnh thôi à. Không có tủ lạnh vì chưa có điện lưới, còn máy tuốt lúa, máy xát, ti vi, xe máy…đều đủ cả”.

Hiện nay, ông Phàn Phù Lìn đã “nghỉ hưu” chức Trưởng thôn nhưng vẫn đảm nhiệm vai trò Phó ban Mặt trận xã Trịnh Tường. Trưởng thôn mới là Phàn Sìn Phù (con trai của ông Phàn Phù Lìn), một thanh niên rất năng động và ham làm giàu như bố.

ở Phìn Ngan, còn có những người trẻ tuổi khác có khát vọng làm giàu như Phàn Trung Thu, Bí thư đoàn xã Trịnh Tường cũng là người Dao. Phàn Trung Thu tốt nghiệp Đại học Nông Lâm và về quê nhận luôn 16 ha đất đồi khoanh nuôi. Nói chuyện với tôi, Thu lạc quan với hướng phát triển kinh tế ngay tại mảnh đất quê hương.

Từ trụ sở UBND xã Trịnh Tường đi ngược lên một chút là đến Lũng Pô-nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Những tưởng tại nơi hoang sơ hẻo lánh này chỉ có sự lạc hậu và nghèo đói ngự trị. Thế mới biết, ở đâu có ý chí làm giàu thì ở đó “sỏi đá cũng thành cơm”. 

MỚI - NÓNG