Người dân lạc vào 'ma trận' phí và lệ phí

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chưa đưa được giải pháp đột phá trong việc chấn chỉnh phí chồng phí. Ảnh: C.K
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chưa đưa được giải pháp đột phá trong việc chấn chỉnh phí chồng phí. Ảnh: C.K
TPO - Chiều 11/4, tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phí và lệ phí trước Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng hiện nay người dân và doanh nghiệp phải gánh quá nhiều phí và lệ phí, khiến sản xuất trì trệ và gây tâm lý bức xúc.

Đánh giá 12 năm thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định dù thu được một số kết quả nhất định, nhưng cũng tồn tại nhiều vướng mắc. 

Cụ thể công tác quản lý thu chi từ phí và lệ phí còn chưa đúng pháp luật. Tỷ lệ nộp vào ngân sách nhà nước còn chưa đúng quy mô dẫn tới việc phân tán nguồn lực quốc gia. Công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát quản lý các loại phí và lệ phí để lại đơn vị chưa hiệu quả.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng việc lạm thu phí và lệ phí diễn ra từ thành thị tới nông thôn khiến người dân gánh vô số khoản phí khác nhau. Hơn nữa dù phí thu nhiều nhưng chất lượng dịch vụ lại không được cải thiện.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ủy ban Pháp luật) nêu, ngoài việc chịu hàng trăm loại phí, lệ phí, người dân và doanh nghiệp còn chịu thêm áp lực do một số bộ, ngành, địa phương tạo thêm các khoản đóng góp khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định việc người dân hiểu có quá nhiều loại phí và lệ phí là hiểu lầm. Bởi Pháp lệnh phí và lệ phí được ban hành có 73 phí và 43 lệ phí và Chính phủ quy định chi tiết gồm 301 khoản phí và lệ phí (171 khoản phí và 130 khoản lệ phí), chỉ còn 21 loại chưa có hướng dẫn cụ thể.

Dù vậy, Bộ trưởng Dũng thừa nhận có tình trạng một số địa phương huy động thu các khoản thu mang tính xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng tính vào phí và lệ phí. 

“Thực tế cho thấy khi phát sinh các khoản thu nộp thì nhiều người cho rằng đó là phí và lệ phí, đó là những khoản đóng góp tự nguyện, giá dịch vụ nhưng các tổ chức, cá nhân thường gọi là phí. Thực trạng trên dẫn tới hiểu nhầm về số lượng phí và lệ phí”, Bộ trưởng Bộ Tài giải thích.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ Tài chính phải làm rõ đâu là phí, lệ phí và giá dịch vụ. Tránh tình trạng người dân bị nhầm lẫn, thậm chí bị lừa vì rất nhiều nơi lợi dụng danh nghĩa của nhà nước để trục lợi.

Ví dụ, tiền trông giữ xe, dù rất nhỏ chỉ là 5 nghìn 10 nghìn nhưng rất tùy tiện có khi là 20, 30 nghìn có khi là 100 nghìn,..thậm chí đứng đằng sau các tổ chức cá nhân đó có một số cấp chính quyền địa phương.

Tiếp thu ý kiến này, nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ nêu giải pháp chung chung như: tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thể hiện đâu là phí, lệ phí, đóng góp tự nguyên, huy động…. Kịp thời phát hiện chấn chỉnh các sai sót; Thực hiện thanh tra theo thẩm quyền của Bộ Tài chính về phí và lệ phí; Hàng năm gửi công văn tới địa phương thường xuyên rà soát bãi bỏ các quy định không đúng quy định.

Chưa phát hiện lợi ích cục bộ từ việc thu phí

“Việc sử dụng phí và lệ phí có gì bất cập. Có lợi ích ngành, lợi ích cục bộ địa phương trong việc này không?” Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đặt vấn đề.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định các loại phí và lệ phí đều có danh mục cụ thể và Chính phủ đã ban hành chi tiết. Việc giao thẩm quyền ban hành phí và lệ phí tương đối chặt chẽ, rõ ràng, phân cấp nên không thể có việc bộ hay địa phương có thể đặt ra các khoản phí để thu lợi cục bộ. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định việc thanh tra và kiểm tra các loại phí và lệ phí, được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ nhằm chấn chỉnh các sai sót. Vì vậy từ 2002 tới 2007 Bộ Tài chính cùng với các bộ ngành, địa phương rà soát bãi bỏ 340 loại phí, lệ phí không đúng trong danh mục.

Về việc nhiều nơi diễn ra thực trạng nhiều nơi phụ thu, lạm bổ rồi hình thành quỹ, gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi chứ không nộp vào kho bạc. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định việc này là sai, nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết quả thu phí, lệ phí (2011-2013)


Năm 2011:
42,023 tỷ đồng

Năm 2012: 29.112 tỷ đồng

Năm 2013: 31.271 tỷ đồng

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.