Diều, tiếng Chăm là Kalang. Còn có nghĩa là chim cắt. Diều của người Chăm có bốn loại, mỗi loại có hình dáng và biểu tượng riêng.
Diều tròn, biểu tượng cho mặt trời. Đây là loại diều được dùng phổ biến, được trẻ con Chăm làm nhiều hơn cả. Diều bán nguyệt biểu tượng cho mặt trăng bán nguyệt. Diều tứ giác biểu tượng hình mặt đất vuông. Diều dáng trăng khuyết tượng trưng cho hình ảnh trăng lưỡi liềm. Từ bốn loại trên, người ta có thể chế tác thành diều đực và diều cái.
Diều đực biểu tượng cho người nam. Ở loại diều này, người ta làm đuôi bằng giấy hay vải với độ dài ngắn khác nhau. Ở đầu diều có sáo đơn hay sáo đôi một to một nhỏ, hai bên gắn hoa tai nhiều hình thù lạ mắt. Đặc biệt, ở phía dưới bụng diều có hai thanh tre ốp vào nhau theo hình tam giác, biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam. Diều cái không có bộ phận này, kích cỡ chỉ bằng phân nửa hay một phần ba Diều đực.
Sống ở vùng đất nắng nóng rất cần đến mưa, nên hầu hết lễ hội Chăm đều gắn với việc cầu cho mưa thuận gió hòa. Riêng Lễ Thả diều thì ngược lại, đồng bào Chăm làm lễ để cầu cho trời khô tạnh, thuận tiện cho thu hoạch vụ mùa. Lễ được thực hiện ở khoảng đất trống đầu làng. Một cái rạp lễ đơn sơ được dựng lên. Lễ vật gồm có mâm chuối, trứng, rượu và trầu cau…
Xong lễ, đôi Diều đực và Diều cái được thả cho bay lên trời. Theo sau đó là đám diều của cánh trẻ đủ màu sắc, kích cỡ cùng thi nhau bay lượn trong gió.
Hai cánh diều bay vi vu như thế cho đến chiều tối, chủ lễ mới thu diều về mang cất.
Lễ biến thành hội. Có hội là có trò chơi.
Hồi còn trẻ, mùa hè “Phan Rang đầy nắng và đầy gió”, là mùa bọn trẻ chúng tôi thả diều.
Ông Biên Đưk trông ốm yếu đến gió có thể thổi bay được. Nhưng ông là đại sư môn thả diều. Ông xin nghỉ hưu thư kí xã cũng chỉ để được thoải mái thả diều. Diều ông to cồ đến phải dùng giấy ba cái bao xi măng cắt ghép mới làm nổi. Dây diều to bằng ngón tay út cuộn lại bỏ bao thằng Klai con ông vác đến ngoẹo cổ. Diều ông bay vi vu trong mây suốt mùa hè cùng tuổi thơ chúng tôi. Nó chỉ bị đứt khi lũ chúng tôi nghịch ngợm muốn thi với ông, và diều cháu chắt đu bám đến mấy chục khiến nó hết chịu nổi. Chính mắt tôi thấy nó bị đứt một lần. Trông nó như con rồng ngã bệnh thu mình vào mây xa dần xa rồi mất hẳn.
Lần đó ông phải đạp xe đạp đời Bảo Đại cả ngày mới tìm có lại.
Ông mất. Đám thiêu, người ta đốt theo ông chiếc diều với lỉnh kỉnh phụ tùng. Diều to tướng ôm lấy thân xác bé nhỏ của ông. Nó cháy còn lâu hơn đống củi Tagalau xếp dưới thi thể ông nữa. Phải chi nó được giữ lại trong bảo tàng để đời sau còn chiêm ngưỡng. Nhưng người Chakleng mong sống mà không để lại dấu vết! Cho đi hết thịt da xương cốt mình và không để dấu vết bé con nào trên mặt đất trần gian.