Người biểu tình Sri Lanka vây tư dinh của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ngày 9/7. (Ảnh: Reuters) |
“Vì tổng thống không còn ở trong nước, tình trạng khẩn cấp được ban bố để xử lý tình hình đất nước”, phát ngôn viên Dinouk Colombage của văn phòng thủ tướng cho biết.
Cảnh sát tuyên bố áp lệnh giới nghiêm vô thời hạn ở Tỉnh miền Tây, trong đó có thủ đô Colombo, để đối phó với lực lượng biểu tình đông đảo.
Hàng ngàn người biểu tình vây kín và gây náo loạn văn phòng thủ tướng, khiến cảnh sát phải dùng hơi cay để ngăn họ xông vào bên trong.
Ngày 9/7, hàng ngàn người bất mãn xông vào tư dinh của Tổng thống Rajapaksa, khiến ông phải bỏ chạy bằng máy bay quân sự ngay trong ngày hôm sau. Giới chức cho biết ông Rajapaksa hứa sẽ từ chức.
Hôm nay, người biểu tình cũng xông vào văn phòng Thủ tướng Wickremesinghe để đòi ông từ chức.
Chưa rõ liệu ông Rajapaksa có từ chức trong ngày 13/7 hay không, dù chủ tịch quốc hội khẳng định điều này sẽ diễn ra. Người biểu tình đang tưng bừng với triển vọng chấm dứt một giai đoạn không mong muốn.
“Đây là một ngày lịch sử đối với chúng tôi”, Randika Sandaruwan, 26 tuổi, nói. Sandaruwan bắt chuyến tàu từ đêm 12/7 cùng 9 người bạn từ thành phố Negombo đến thủ đô. “Chúng tôi muốn đuổi tổng thống đi, và giờ Gota đã đi rồi”, Sandaruwan nói và dùng biệt danh của Tổng thống Rajapaksa.
Shameen Opanayake, 22 tuổi, cùng mẹ và hai em gái ngồi trên chiếc xe buýt từ Kalutara đến thủ đô.
“Nếu ông ta không từ chức, tôi không nghĩ nơi này sẽ yên bình được. Cả nước đang từ chối ông ấy”, Opanayake nói.