Người ẩn kín

Minh họa: Trương Phương Hoa
Minh họa: Trương Phương Hoa
TP - Mỗi khi từ chối một lời mời la cà, cô thường lui tới một quán cafe  nằm ngay trên tuyến đường hai làn rộng rãi, thoáng đãng.  Rồi thế nào Thường - cậu người yêu cũng tìm đến, chở về. 

Đó là cô gái trọ học trong một căn hộ tập thể cũ. Nhà chủ là người bạn cũ của cha mẹ, ở liền ngay căn phòng kế bên. Mười lần như mười, trong khi Thường gửi xe, cô phóng vội lên cầu thang, chạy nhanh vào bên trong cánh cửa rồi khóa chặt lại. Lần thứ nhất, Thường rất bất ngờ. Thường sầm sầm lao xuống các bậc cầu thang, ra về. Không thiếu các cô gái sẵn sàng qua đêm với Thường. Cô là cái quái gì mà làm bộ. Nép yên sau cánh cửa gỗ, cách với Thường còn cả một lần cửa sắt nữa nhưng cô ở trong trạng thái nín thở. Tiếng bước chân lao xuống cầu thang khiến trái tim cô loạn nhịp. Thiếu chút nữa thôi là cô mở cửa, gọi Thường quay lại. Nếu để cho Thường vào nhà giờ khuya, thế nào vòng tay và nụ hôn nồng nhiệt chẳng khiến cô đồng ý để anh ở lại qua đêm - điều mà cô chưa hề sẵn sàng. Thường bực lúc đó nhưng tin vào sự hấp dẫn của mình, tin rằng trừ phi cô là dân đồng tính, còn không thế nào chẳng có lúc lí trí đầu hàng bản năng?

Lần thứ hai thì Thường không hầm hầm lao xuống cầu thang nữa mà đứng một lúc ngoài cánh cửa. Không nghe thấy tiếng chân hầm hầm xuống cầu thang, trái tim cô càng loạn nhịp hơn. Hình ảnh những cặp đôi xoắn lấy nhau trong quán cafe luẩn quẩn trong đầu. Thường gõ nhẹ vào cánh cửa gỗ, chúc cô ngủ ngon rồi ra về. Cô hình dung vừa đi, Thường vừa huýt sáo vang và khẽ mỉm cười. Với các cô gái ít va chạm, sự rền rứ thú vị hơn một cú nốc ao. Có lẽ, Thường đã nghĩ như vậy. Tới lần thứ mười một thì cô chán trò vờn đuổi ấy và cảm thấy nó vô bổ. Dù tới lần thứ mười cô vẫn nép im sau cánh cửa, nghe rõ tiếng trái tim loạn nhịp của chính mình. Nhưng, cô không còn toan mở cửa, gọi Thường lại nữa.

Tối đó, cô tắt điện thoại, chạy xe lòng vòng  và tấp vào quán cafe trong một hẻm nhỏ, nằm giữa cụm ba trường đại học này, sắm vai một người lạ với khung cảnh mới. Suốt buổi tối, trong tiếng nhạc bật to, tiếng cười nói, trọc ghẹo huyên náo, con người ngồi nơi góc phòng chỉ giữ im lặng. Đó là một người lạ, lần đầu tiên tới quán này. Chốc chốc, cô ta lại khẽ ngẩng lên, nhấp từng ngụm cafe, thả đôi mắt to, thản nhiên nhìn ra phía ngoài cửa. Chẳng một ai trong số những người bước vào từ phía cánh cửa đó khiến cô chú ý. Không có vẻ gì là cô đang đợi người quen. Cô lặng lẽ nhâm nhi ly cafe của mình, tới chừng cạn hết rồi đứng lên ra về. Hai ba giờ. Cô đi tới quầy thanh toán, trả tiền chứ không cao giọng gọi phục vụ như những người xung quanh mình. Nom cô chả có gì đặc biệt. Bộ quần áo xoàng xĩnh, mái tóc tết gọn gàng bởi một sợi dây chun - thứ không một cô nàng điệu đà nào còn dùng tới...

  Hương đã định cho nhân vật của mình xuất hiện trong hình dung của người đọc như thế. Một cô gái nhà quê, sợ đánh mất mình mà giữ gìn ý tứ, trinh tiết như một vật báu phải được trao gửi cho một người dàn ông duy nhất. Sự giữ gìn của cô ban đầu còn khiến cậu người yêu cảm thấy thú vị. Nhưng gã thanh niên hiện đại quen buông tuồng không chịu nổi mấy lần thử thách mà bỏ đi với kết luận: nàng xinh đẹp nhưng lãnh cảm. Hoặc nàng có vẻ ngoài nữ tính chẳng qua để che đậy cái phần nam tính của dân Les chính hiệu. Sự chia tay lặng lẽ của gã khiến cho cô gái cảm thấy hẫng hụt. Sau lần đó, cô bắt đầu thay đổi mình. Táo bạo hơn. Cô không khước từ các cuộc nhậu nữa. Kết thúc cuộc nhậu bao giờ cũng là màn qua đêm. Không ai còn nhận ra cô. Ngay cả cô cũng không nhận ra chính mình... Và câu chuyện sẽ kết thúc một cách chua chát. Hương sẽ đầy ải cô trong cuộc sống nhơ nhớp của kẻ bán thân nuôi miệng với giọng lưỡi chán chường, bất mãn, phỉ báng xã hội. Cái hiện thực chụp giật đây đó xung quanh mình được Hương tái hiện trên trang giấy. Không còn đường trở lại ngày xưa trong sáng, nhân vật nữ kết thúc cuộc sống của mình khi tuổi đời còn quá trẻ. Cái chết của cô có thể sẽ khiến người đọc nhỏ những giọt  nước mắt xúc động. Họ thương xót cho cô gái trong trắng chót có suy nghĩ, hành động sai lầm. Họ lên án gã người yêu giàu bản năng mà thiếu chiều sâu kia. Tác giả kẻ nhân danh đám đông đầy đạo đức sẽ lên giọng triết lí về sự tha hóa của tình yêu thời hiện đại. Điều này hẳn sẽ được gật gù, tán dương. Những gì gây xúc động dễ chiếm cảm tình của đám đông mà. Hương cần người ta chú ý tới mình từ mẩu viết đầy dục tính, câu khách. Sẽ có các cuộc phỏng vấn mà Hương - tác giả sẽ là người trả lời về yếu tố sexy, giật gân trong tác phẩm như một hiện tượng mới nổi. Hết! Nhưng cái gì sẽ đợi Hương sau câu chuyện ấy nhỉ? Cứ cho là các yếu tố sex, xúc động ngập tràn trong câu chuyện sẽ gây ra sự chú ý nào đó từ đám đông đi. Và bỗng nhiên tên tuổi của Hương trở nên hot thật. Thì sao nữa?

Chẳng để làm gì cả. Đó là mong muốn của bất cứ kẻ háo danh và ưa phỉnh nịnh nào đó. Không nhẽ Hương sẽ biến mình thành con người như vậy qua một văn bản mà ngay sau khi ra đời, nó sẽ bị Tri Thức quăng ngay vào sọt phế phẩm?

Nhân vật nữ trong bản nháp có vẻ ngoài giống với một cô gái nào đó người đọc gặp trên đường. Hương định xây dựng một điển hình về một bộ phận giới trẻ loanh quanh giải nghĩa cuộc sống bằng phương thức sai lầm rồi đánh mất mình trong cơn thác loạn dục tính chăng? Không! Phiên bản thử nghiệm đó đâu đã phải là điển hình cho giới trẻ hiện nay. Hương bứt mình ra khỏi dòng suy nghĩ và đóng văn bản thử nghiệm đó lại. Nhưng cô không xóa nó khỏi hộp lưu trữ. Biết đâu trong hành trình khám phá mình và những người xung quanh, Hương chẳng giữ nguyên hình tượng ấy?

Đôi mắt nhân vật mà Hương định tả sao quen thế nhỉ? Đúng rồi, nó giống với đôi mắt của Miên - cô em họ  là dân khối A thông minh. Tốt nghiệp phổ thông, Miên thi đại học khối kinh tế. Việc đó hẳn nhiên nằm trong dự định vạch sẵn từ khi Miên đi học và luôn có bảng thành tích tốt nhất. Con bé cũng sắp hết năm một và hẳn nó đang ở trong những ngày tháng vui vẻ lắm khi mơ ước của mình đang dần thành hiện thực. Ngày Miên đi thi, cậu Tú nói từ nhỏ tới lớn, Miên chỉ mong ước đỗ vào khoa kinh tế đối ngoại. Nhanh thật, lâu lâu không gặp, Miên thế nào nhỉ?

Nghỉ hè năm thứ nhất, Miên rủ Hương về quê chơi. Đó là quê ngoại Hương và quê nội của Miên. Nhà bác Thu - chị gái cả trong gia đình có năm chị em bên mẹ Hương lấy chồng ở xã bên, cách nơi mẹ Hương sinh ra một triền đê. Đó là xóm có nghề phụ đan bị cói. Theo chân những người đan cói trong làng ra đê, nằm lên lượt cói phơi nơi vạt cỏ ven đê, ngửa mặt lên trời. Miên chợt nói:  Em chưa từng có ước mơ của riêng mình. Rồi Miên vơ đám cói phủ lên kín mặt. Hương nhỏm dậy, gạt nắm cói phủ mặt Miên, nhìn chăm chăm vào mặt con bé. Miên mở đôi mắt trong sáng nhìn vào trời xanh và khẽ mỉm cười.

Ước mơ của em là gì?

Chẳng biết được. Nó chưa từng định hình ở trong em thì phải.

Lần đó, Miên dành phần kéo xe chở cói với một người phụ nữ trong làng đã lên chức bà khi chưa tới năm mươi tuổi. Đi trên triền đê, Miên hỏi Hương: Chị nghĩ xem, vì sao nghề đan bị cói ở đây tồn tại cho tới bây giờ khi giá một chiếc bị cói bán ra chưa đầy năm nghìn bạc? Cộng tiền mua cói, công phơi phóng, đan lát vào đó, lờ lãi chẳng được bao nhiêu. Vì sao họ vẫn duy trì nó khi đó không phải là nghề sinh ra nhiều tiền bạc. Thành quả vật chất nhận được chẳng đáng bao nhiêu so với công sức bỏ ra?

Hương còn chưa trả lời, Miên đã tiếp luôn: Thứ nhất, những người đan bị cói hầu hết ở vào lứa tuổi trung niên, già lão. Họ làm việc này vì nó phù hợp với sức lực, nó có thể giúp họ kiếm thêm dăm ba đồng đi chợ. Thứ hai, đó là công việc mà những người già như họ trước đó đã làm. Giờ họ lại tiếp nối. Một phần ý nghĩa của công việc nằm ở đây.  Nói chừng ấy rồi Miên cắm cúi kéo xe. Mồ hôi rịn ra được Miên quệt ngang bên vai áo, lằn những vệt nâu. Miên chun mũi, hít vào vai áo mình: hà, mùi của Lao Động chân chính đây.

Nhà bác Thu dùng nước giếng khoan. Hai bác bơm nước vào téc, sinh hoạt tiện như ở thành thị. Nhưng mấy ngày ở quê nội, Miên luôn ra chiếc giếng ở góc sân múc nước đánh răng, rửa mặt. Buổi trưa, Miên ngồi phệt xuống hè, nhắm mắt nghe chú chim Họa Mi hót. Bác trai bảo, biết nghe đấy, tiếng Mi hót buổi sáng lảnh lót, váng động không sao bằng tiếng hót chuyện của nó. Trong tiếng Mi hót chuyện, có đủ lời mời gọi réo rắt, thiết tha của tự nhiên. Buổi chiều, Miên lần mò góc dậu, chân đê chụp cào cào. Một lần, Miên bứt được nguyên chiếc lá có bám kín mặt sâu xanh. Miên đặt vào chiếc lồng trúc. Họa Mi khoái trí mổ liên hồi, loáng một cái đã chẳng còn một con sâu nào. Chiếc lá rách bươm. Miên trân trân nhìn chú Họa Mi. Bác Thu bảo phải chăm bồi dưỡng như thế, Mi mới hót nhiều, mượt lông. Miên khẽ rùng mình. Giọng hót mê hoặc kia thực sự được cất lên nhờ được nuôi dưỡng thế này? Chỉ một thoáng ngạc nhiên vậy thôi, tiếng Mi hót chuyện mỗi trưa vẫn gọi Miên ra hè. Trước hôm về, Miên bắt được cho Mi một chú bọ ngựa mình xanh ngắt. Miên vặt chân, bỏ vào lồng. Gặp món khoái khẩu, Mi dùng mỏ mổ, xé thành các mảnh nhỏ, nuốt trôi vào bụng.

Trở về thành phố, Hương tha lỉnh kỉnh rau xanh - thứ rau sạch nơi vườn nhà bác Thu. Miên mang theo một chiếc bị cói nhỏ về nhà và treo nó ngay góc phải của chiếc bàn học. Chỗ rau xanh mang về ăn được vài bữa thì hết. Hương tiếc rẻ: ở quê ăn rau thích thật. Vừa sạch, vừa ngon. Giá mà…

*       *

*

Miên hết kì một năm thứ hai, cậu Tú tới gặp Hương, đầy lo lắng. Cậu bảo không biết có chuyện gì xảy ra với Miên hay không. Tin đứa bạn học phổ thông với Miên bị người yêu bội bạc mà phải nhập viện tâm thần, Miên đã biết từ trước nhưng  sau khi về quê lên, con bé  trở nên trầm hơn. Có đêm, mợ Thoa thấy Miên ngồi rất lâu, mân mê chiếc bị cói. Chiếc bị trống không, chẳng có gì trong đó cả. Miên đi thư viện, thay vì sách kinh tế, lại mượn về sách Mỹ học, Thần học, cả những quyển truyện dịch mà chỉ có một nhóm người nào đó mới đọc tới chúng. Nghỉ thứ bảy, chủ nhật, Miên la cà ở quầy sách ngoại văn cả buổi. Đêm đêm, Miên thức thật khuya để đọc các cuốn sách đó. Mợ Thoa bảo nguy nhất là sau khi đọc hết một cuốn nào, Miên thường ngồi áp má vào chiếc bị cói, khép mắt lại. Miên ngồi như thế có đến hàng giờ đồng hồ. Mợ Thoa ngờ ngợ như từ chiếc bị cói có con người bí ẩn nào đó đang trò chuyện với con gái mình. Lời mợ Thoa khiến Hương nhớ ra sau khi về quê, Miên có tới nhà Hương, loanh quanh nơi giá sách. Miên xem từng quyển sách một rồi lẳng lặng đặt chúng về vị trí cũ. Miên tìm cái gì nhỉ?

Miên vẫn đi học và làm mọi việc khác như bình thường. Ngày thứ bảy cuối tháng Miên đến bệnh viện, thăm Quyên- cô bạn gái đang điều trị triệu chứng tâm thần. Quyên đã khá hơn trước, đã chịu ăn, đã nói những chuyện khác với Miên, không còn nhắc tới cậu người yêu nữa. Trong khi nói chuyện, Quyên cũng đã thôi không lần cởi những chiếc cúc áo của mình rồi lõa thể một cách vô thức. Bác sĩ nói mỗi lần Miên tới thăm, Quyên vui vẻ hơn, có phản ứng tích cực hơn với liệu pháp điều trị.

Ban đầu thì cậu mợ nghĩ Miên đọc sách tâm lí, thần học…vv là để tìm cách tiếp cận với thế giới ảo giác hư thực của Quyên. Nhưng không phải như vậy. Quyên ra viện sau gần một năm điều trị, Miên vẫn mang những cuốn sách về nhà, vẫn ngồi hàng giờ bên chiếc bị cói. Tiếng nói của con người ẩn kín nằm bên trong chiếc bị rỗng không ấy như ngày càng có sức mê hoặc hơn với Miên thì phải. Việc học tập và điểm số của Miên trên lớp không có gì đáng lo ngại nhưng cậu mợ không hề yên tâm.

Miên biết sự thắc mắc của bố mẹ và để trấn an họ, Miên dành thời gian cho việc đi chơi với bạn bè vào buổi tối. Nhưng, tiếng là đi chơi với bạn trai nhưng chín giờ Miên đã có mặt ở nhà.

Việc này càng khiến cậu mợ băn khoăn hơn. Lần thứ hai, mợ Thoa tới tìm Hương. Mợ chỉ cốt hỏi xem liệu Hương có biết chuyện tình cảm của Miên có vấn đề gì hay không? Vì mợ thấy cậu người yêu săn đón, chiều chuộng hết mực nhưng Miên vẫn quyến luyến chiếc bị cói hơn. Lắm lúc mợ nghĩ, không nhẽ vứt nó đi cho được việc. Nhưng thú thực Hương đâu hiểu gì về Miên hơn mợ? Nghe mợ Thoa nói chuyện, Hương thoáng nghĩ tới nhân vật trong phiên bản thử nghiệm. Miên sẽ không vì cậu người yêu bội bạc mà trầm cảm để phải vào viện tâm thần như Quyên hay nhân vật nữ kia chứ? Chắc chắn là không rồi. Miên không có lí do gì để làm như vậy.

Nhận lời cậu mợ điều tra, nắm bắt tâm lí của cô em họ, Hương rủ Miên tới một Thư Quán. Hai chị em cùng gọi cafe nhưng không tìm một cuốn sách nào để đọc. Mục đích của Hương muốn thông qua buổi trò chuyện, sẽ hỏi gì đó về cậu người yêu và tâm tư Miên. Còn Miên, có xem danh mục sách khi người phục vụ mang tới một cách khá cẩn thận nhưng cũng không chọn một đầu sách nào. Miên chống hai tay vào cằm, nhìn ra con phố phía bên ngoài cửa kính. Không gian trong quán khá yên tĩnh. Phía bên ngoài dãy cửa sổ được lắp kính chống ồn, người xe nườm nượp ào qua nhưng không một âm thanh nào lọt vào tai người ngồi trong quán. Những hình người, xe chuyển động như trong thước phim câm. Bất chợt, Miên lấy cuốn sổ nhỏ trong túi xách ra ghi một dòng chữ rồi đẩy nó về phía Hương:

Thế giới có như ta đang nhìn thấy không?

Không thể trả lời câu hỏi đó trong một chữ có hay không. Hương im lặng. Dòng người như thước phim câm ngoài kia đang chuyển động theo một trật tự đầy hỗn loạn. Một gã thanh niên đi xe máy phóng ngược chiều đụng phải một chị đạp xe bán hàng rong. Chị ngã, mẹt hoa quả phía sau bắn tung tóe ra đường. Chị bán hàng rong lụi cụi một mình dựng xe rồi nhặt những quả rơi vãi. Không một ai trong số những người đi cùng chiều giúp chị một tay. Gã thanh niên thì đã phụt khói bỏ đi mất tiêu rồi. Hương bật đứng dậy và từ từ ngồi xuống khi bàn tay chạm vào lượt cửa kính lành lạnh, man mát. Tới lúc đó, Hương mới chợt nhận ra những cặp mắt đang ngó mình. Miên lại đẩy quyển sổ về phía Hương:

Đừng bận lòng tự hỏi vì sao người ta lại nhìn chị.

Thế giới không như ta đang nhìn thấy, đúng không?

Hương không trả lời một câu hỏi nào.  Hương nhớ tới cô gái trong bản thử nghiệm. Thay vì trả lời Miên, Hương lại tự hỏi mình: Vì sao cứ phải đẩy cô ta vào vòng tha hóa, nhơ nhớp như thói suy nghĩ thường mới được?

Miên yên lặng nhâm nhi cafe. Nhớ tới câu chuyện của cậu mợ, Hương hỏi: Em có chuyện gì không?

Bình thường. Duy có điều lạ là khi em đọc sách không dính gì tới chuyên ngành của mình  thì bố mẹ lại cho là tâm lí của em có dấu hiệu bất thường. Một cô gái hai  mươi tuổi đi chơi với bạn trai về muộn khiến yên tâm hơn là việc cô ta đọc sách, đúng không? Việc này phản ánh điều gì? Giống như vừa xong, chị đứng vụt dậy vì cảm thấy bất bình, đúng không? Chị dịnh đứng dậy đỡ hộ chi kia chiếc xe đổ, nhưng chị cách người ta một lần cửa kính. Vì sao những người quanh chúng ta đổ dồn vào nhìn chị?

Vì đó là hành động bất thường so với đám đông.

Cũng không sai.

Bố mẹ em kể với chị dạo này em như thế nào và chị cũng thấy em bất bình thường như bố mẹ em nghĩ, đúng không?

Miên cười rất tươi, con bé không có ý gì trách cứ Hương về điều này. Quả thực khi kéo chiếc xe trở cói, em nhận ra thật rõ ràng rằng có những điều có ý nghĩa khác biệt trong bản thân hành động không theo thói thường của cuộc sống thường nhật từ đa số xung quanh ta. Vì sao phải bận lòng vì điều đó nhỉ? Em vẫn đinh ninh hết đại học, mình sẽ xin vào một ngân hàng nào đó và sống sung túc, an nhàn. Nhưng rồi em chợt nghĩ, nếu là một chuyên gia nghiên cứu và hoạch định hướng phát triển kinh tế ngành, vùng hay tiểu vùng thì sao nhỉ? Mà phát triển kinh tế phục vụ mục đích giúp cho đời sống con người tốt hơn thôi. Và em tự dưng nhận ra mình chẳng hiểu gì về Con Người - cái thực thể là chính mình. Nếu giành được học bổng, em sẽ đi du học. Nhưng biết đâu khi trở về, em không là một chuyên gia kinh tế như dự định ban đầu mà lại cầm bút như chị thì sao nhỉ?

Vậy là ít nhất sau cuộc chuyện trò, Hương cũng biết một chút ít về tâm tư cô em họ. Và quan trọng hơn, Hương nhận ra mình thật phi lí khi áp đặt tâm lí đám đông vào cuộc sống của người khác và để nó đè lên chính tư duy của mình. Hóa ra, luôn có một con người ẩn kín ở bên trong chính chúng ta đang cần được lắng nghe, được trò chuyện.

*       *

*

Hết năm thứ tư, Miên nhận học bổng du học. Trong hành trang Miên mang theo có cả chiếc bị cói. Chiếc bị cói, bản thân công việc không sinh ra nhiều tiền bạc của những người phụ nữ trong xóm nhà bác Thu đã kể với Miên một câu chuyện thú vị về lao động chân chính. Nhưng đôi tai điếc đặc của Hương lại không nghe thấy. Quyên, cô bạn học của Miên đã đi một nơi khác làm việc và lấy chồng, hình như sắp sinh đứa con đầu lòng. Hương chợt nhớ ra nhân vật trong phiên bản thử nghiệm ngày trước. Cô ta bị chính người định tạo ra mình quên lãng. Hương mở máy tính, nhấn đúp phím shift - delete. File lưu trữ đó biến mất không dấu vết, thùng rác sạch trơn.

Hương lẩm nhẩm hỏi mình: Cuộc sống có như những gì ta đang thấy?

Người ẩn kín ảnh 1
Những người trẻ - Trong đời sống và trong tâm thức họ nghĩ về nhau. Họ nhìn đời sống, có chút hoang mang. Không chỉ hoang mang về đời sống đang có phần hỗn độn, đa tạp, họ hoang mang với chính bản thân: Tình yêu là gì? Tình dục? Tri thức? Cái đẹp? Lòng thương?

Chỉ trong một truyện ngắn, Nguyễn Hồng Nhung đưa vào cả một hiện thực bề bộn và những câu hỏi lớn. Lưu ý: Những điều này đa phần nhà văn trẻ hiện nay dường như ít nghĩ đến.

            L.A.H

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm nay, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).