NSND Bùi Bài Bình

Kể chuyện vào vai Bác trong “Nhà tiên tri”

Kể chuyện vào vai Bác trong “Nhà tiên tri”
TP - Nhà tiên tri, phim điện ảnh mới nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn hậu kỳ. Khó khăn lắm phóng viên mới hẹn được NSND Bùi Bài Bình, người được tin tưởng giao vai Bác Hồ. Theo lời đạo diễn, lựa chọn này ban đầu khiến “cả ngành điện ảnh lo ngại”.

Nhiều người nói Tiến Hợi có ngoại hình giống Bác hơn cả, anh có vẻ không có được lợi thế đó?

Chưa chắc. Nếu mọi người nghiên cứu kỹ những năm tháng Bác ở Việt Bắc và qua ảnh thì hoàn toàn không phải vậy. Khi ấy Bác cao 1m69, nặng 49 kg. Chiều cao của tôi nhỉnh hơn Bác chút xíu, chuẩn bị quay tôi giảm 56kg xuống còn 50kg.

Mỗi người hình dung về Bác một cách, mỗi người tiếp cận theo góc khác, quan trọng phải hiểu Bác thế nào vì Bác không của riêng ai. Tôi không phủ nhận ai cả, kể cả Trần Lực (Nguyễn Ái Quốc ở HongKong), Mạnh Trường đóng Thầu Chín ở Xiêm. Tôi xem hết kể cả diễn viên trẻ gần đây vào vai Bác.

Đạo diễn, biên kịch và tôi thống nhất bây giờ chọn người giống Bác không có, hóa trang cũng chỉ được 50-60% thôi. Điều quan trọng phải dung hòa được ngoại hình và khí thái để lý giải một con người nhỏ bé mà làm những việc lớn lao cho dân tộc. Không những nhân dân Việt Nam mà thế giới đều tôn trọng. Cho nên quyết định chọn diễn viên nghiêng về diễn xuất hơn cả.

Vào vai này chắc anh bị săm soi nhiều lắm đây?

Có người còn can đạo diễn, ông này không đóng được đâu, toàn đóng vai phản diện (Ma làng, Gió làng kình). Vương Đức rất biết sức diễn của diễn viên, gửi gắm vào vai diễn. Tôi từng đóng vai trí thức, bộ đội, gian manh, ngớ ngẩn, hài. Khi nhận lời, cho đến giờ tôi chưa bao giờ thấy hối hận vì một vai nào đó làm chưa tới, vô trách nhiệm, hoặc chưa ra nhân vật. Trong một bài báo anh Vương Đức nói đại ý Trời cho tôi Bùi Bài Bình. Sau mấy ngày quay chính thức ngoài hiện trường thì bảo: Yên tâm về Bùi Bài Bình rồi, giờ tôi không để ý đến ông nữa.

Nhìn lại vai diễn sau một năm trời rong ruổi cùng đoàn làm phim, anh thấy thế nào?

Tôi tự hào một điều-mình thể hiện được vai Bác giống hình tượng Bác là của mọi người. Tôi tâm niệm đều do duyên số. Hoàng Nhuận Cầm viết kịch bản, có những ngày không ăn uống gì, người lả đi. Vợ anh ấy nhờ tôi nói chuyện để anh Cầm lãng đi, tạm quên phim. Nhưng được dăm mười phút lại quay lại chủ đề Nhà tiên tri. Niềm tin mà bạn trao cho mình, hà cớ gì mình không làm được. Duyên thứ hai là năm 2014 phim bấm máy, tuổi tôi đúng bằng tuổi Bác trên phim.

Kể chuyện vào vai Bác trong “Nhà tiên tri” ảnh 1

NSND Bùi Bài Bình có được tạo hình khá gần với Bác Hồ. Ảnh: NVCC.

Cho đến giờ phút này chúng tôi làm được một phim đẹp, chân thực về Bác. Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL xem duyệt rồi, đều có những lời nhận xét rất khích lệ, cảm động.

Nghe nói có thời điểm anh hút chết vì ngã ngựa. Ngoài tai nạn đó, còn khó khăn nào trong quá trình làm phim?

Con ngựa mọi ngày vẫn cưỡi, hôm đó do trở trời trước cơn bão, nó hất tung tôi lên, cả phần sau đè lên ngực. Nhưng chắc là do Cụ thương đấy, chứ hôm đó cái yên ngựa nặng 20kg rơi sang bên cạnh vỡ tan, nó mà rơi vào mặt tôi thì chết.

“Tôi không có cảm giác bị ám ảnh quá sau khi phim đóng máy. Nhưng một số cử chỉ, cách nhìn, cách nói của Bác ảnh hưởng đến tôi. Điều tôi học được ở Bác là sự giản dị, hòa đồng”.

NSND Bùi Bài Bình

Bác là người thiếu thốn tình cảm, xa nhà từ bé, mẹ mất sớm, cho nên khi gặp những phụ nữ như bà Nguyễn Thị Định, cô cấp dưỡng, Bác luôn có ánh mắt trìu mến. Bà Định ra thăm, Bác nói Cháu về nói đồng bào miền Nam, hình ảnh miền Nam lúc nào cũng ở trong trái tim của Bác. Bôn ba từ năm đôi mươi, đến năm 1959 mới được về thăm nhà. 

Trong phim có trường đoạn Bác tiễn đoàn tù binh trao trả về Pháp, sau đó có bức điện báo anh trai cả Khiêm mất. Để diễn được tâm trạng Bác không quá ủy mị, không khô khan, chọn được mức độ phù hợp cũng khó. Ngay sau đó có cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói, Nhà cháu hôm qua vừa sinh con gái, Bác đặt tên cho con cháu. Bác nhìn bầu trời mấy chiếc máy bay Pháp chở tù binh về, bảo Võ Hòa Bình nhé. Ánh mắt chất chứa ước vọng hòa bình đó, diễn tả được không hề đơn giản.

Nghe nói Tiến Hợi lồng tiếng cho anh cùng ba người khác. Có điều gì khiến anh cảm thấy chưa trọn vẹn?

Tiến Hợi lồng tiếng Việt, một người lồng tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nga. Tôi có mấy ông thầy dạy ba thứ tiếng đó. Mình không nói đúng khẩu hình thì sau không ai lồng tiếng được. Bản thân tôi ý thức được cách nói rất lạ của Bác Hồ.

Tôi chỉ ân hận một điều, nếu tìm cho tôi được người hóa trang tốt hơn nữa thì thích hơn. Thần thái, đôi mắt, dáng đi tôi nghĩ mình làm được hết. Tôi đọc rất nhiều tài liệu về Bác cả trong nước lẫn nước ngoài, như cuốn Đời sống Hồ Chí Minh của William J.Duiker. Không có chuyện ra hiện trường mới đọc đoạn kịch bản và suy nghĩ. Mỗi ngày nhân viên hóa trang hành tôi 5 tiếng đồng hồ, dậy từ 5h sáng. 

Quay được một cảnh lại sửa, vì thời tiết nóng nực trôi hết cả lớp hóa trang. Nhiều lúc cũng căng. Lẽ ra sau mỗi cảnh quay phải được ngồi chỗ mát mẻ, để ngẫm nghĩ tới cảnh tiếp theo. Nhưng tôi không có lúc nào để tư duy cả, tất cả những điều đó phải làm từ trước. Bởi ra hiện trường là tôi không cầm đến kịch bản nữa.

Cảm ơn và chúc mừng anh!

Dự kiến phim công chiếu dịp 2/9 

Bộ phim Nhà tiên tri nói về giai đoạn lịch sử 1947-1950 tại Việt Bắc, nơi Bác Hồ tiên đoán về chiến thắng của ta năm 1954. Phim khởi quay tháng 5/2014, đóng máy bằng 6 phút phim ở Quảng trường Đỏ (Mátxcơva, Nga) vào cuối tháng 1/2015.

MỚI - NÓNG
'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'
'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'
TPO - Theo tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trong 11 năm với các giai đoạn cụ thể. Nhiều chuyên gia văn hóa khẳng định ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa là vô cùng cần thiết nhưng không nên bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách.