Bài tham luận được đọc tại lễ míttinh ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tối 14/5 kỷ niệm lần thứ 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2010) và 20 năm ngày UNESCO công nhận Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.”
Sau đây là toàn văn bài tham luận của ông:
Trước hết, cho phép tôi được đặt một câu hỏi hơi đặc biệt "Hồ Chí Minh của năm 2010 này là ai?" Đối với những người thuộc thế hệ của tôi, ông là một gương mặt mang tính thời sự, là tâm điểm của rất nhiều cuộc tuần hành mà sinh viên trên toàn thế giới tổ chức để ủng hộ Việt Nam, đối với những thế hệ kế tiếp, ông là một gương mặt của lịch sử. Nhưng đối với tất cả chúng ta, ông luôn là biểu tượng mà cho đến nay ta vẫn còn phải suy ngẫm.
Là người giải phóng dân tộc và đấu tranh cho tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lãnh đạo cuộc đấu tranh của Việt Nam để giành tự do và độc lập dân tộc. Đối với những người Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, trước tiên đó là một con người của hòa bình và của sự hòa giải vì phải công nhận rằng Hồ Chí Minh đã luôn luôn đấu tranh cho sự phát triển của đất nước, của khu vực và trên thế giới.
Năm 2010 là dịp để kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh của Người, và đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại sự kiện cách đây 20 năm, vào năm 1990, UNESCO đã quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một trong những nhân vật quan trọng và kiệt xuất của lịch sử.
Theo nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của "tinh thần dân tộc, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội."
Hồ Chí Minh là một con người hội tụ nhiều tư tưởng thể hiện khát vọng của các dân tộc trên thế giới trong việc khẳng định bản sắc văn hóa và trong những nỗ lực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta không thể không nhắc đến những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật. "Sự đóng góp này kết tinh từ truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam."
Sự phong phú đa dạng của Việt Nam đều được thế giới biết đến, nhất là UNESCO. Quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn đã được đưa vào danh sách các di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Chúng tôi cũng đã xếp hạng Vịnh Hạ Long và vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong hệ thống các di sản thiên nhiên của thế giới. Trong danh sách 166 di sản phi vật thể của UNESCO hiện nay cũng đã tính cả Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian cồng chiêng Tây Nguyên.
Cũng cần phải lưu ý rằng Hà Nội, hiện đang chuẩn bị cho Lễ hội nghìn năm của mình, cũng đã được UNESCO công nhận "Thành phố hòa bình," nhờ vào những tiến bộ đầy ấn tượng của thành phố này đặc biệt là trong các lĩnh vực tôn tạo di tích cổ, hỗ trợ các hoạt động trao đổi văn hóa và nghệ thuật, thúc đẩy làng nghề thủ công truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người cao tuổi, bảo vệ môi trường và tạo ra nhiều không gian xanh. Đây cũng hoàn toàn là ý nguyện đáng được tôn trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông luôn theo đuổi trong suốt cuộc đời của mình.
Cuộc đời hoạt động chính trị của Người trước hết là nhằm đấu tranh cho quyền con người và quyền của các dân tộc. Ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tuyên ngôn của Người bắt đầu bằng chính những từ được trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: "Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa đã cho họ những quyền không thể xâm phạm : đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."
Quan điểm của Người đã nói trước được điều mà 15 năm sau, vào năm 1960, Liên hợp quốc đưa vào trong Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, theo đó Người đã nói: "Việc thống trị, áp bức và bóc lột các dân tộc thuộc địa chính là sự chối bỏ các quyền cơ bản của con người và đi ngược lại với hiến chương của Liên hợp quốc, điều này ảnh hưởng đến sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình và hợp tác trên thế giới."
Được giáo dục theo truyền thống Khổng giáo, cũng như chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ tư tưởng của mình trên cơ sở dung hòa những sự khác biệt. Cũng từ những sự khác biệt này, Hồ Chí Minh đã biết đúc kết để xây dựng một bản sắc văn hóa Việt Nam.
Theo Người, "Văn hóa Việt Nam là kết quả của sự giao thoa của các nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Chúng ta cần học những điều hay, kể cả từ văn hóa phương Đông và phương Tây, để tạo ra một bản sắc riêng cho nền văn hóa Việt Nam."
Hồ Chi Minh đã đón nhận cách tiếp cận vấn đề này một cách có ý thức. Theo Người, nếu như Khổng giáo chú trọng nhiều tới đạo đức tư cách của cá nhân, thì Thiên chúa giáo lại chú trọng tới những gì hướng thiện, còn chủ nghĩa Mácxít lại chú ý tới tính biện chứng. Người đã nói, "tôi luôn cố gắng làm một học trò tốt của tất cả những người thầy này". Thừa hưởng truyền thống dân tộc, Hồ Chí Minh đã luôn chia sẻ sự hiểu biết phong phú của mình, đồng thời cởi mở với thế giới.
Các cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Bác Hồ trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu. Từ năm 1911, ở tuổi 21, Người đã đến sống làm việc tại Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Trong số rất nhiều những trường phái tư tưởng mà Người chịu ảnh hưởng, chúng ta có thể kể đến những điều mà Người học được ở New York qua Marcus Garvey, người sáng lập ra Hiệp hội toàn cầu nhằm cải thiện điều kiện sống cho những người da đen, đồng thời cũng là một gương mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đòi quyền tự do của người Phi.
Mối quan tâm của Người đối với vấn đề giải phóng dân tộc càng lớn hơn, nhất là sau Đại chiến thế giới lần thứ I, khi người nhận ra rằng Hiệp ước Versailles không đề cập đến quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa, trong đó có cả Việt Nam.
Chính vì thế, khi đến Pháp, người đã đổi tên thành Nguyễn Ái Quốc, tức là Người yêu nước - tuy nhiên không phải là tình yêu nước hẹp hòi và thiển cận, bằng chứng là Hồ Chí Minh là một trong những thành viên sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp, và lúc đó Người đã rất được quan tâm bởi bài phát biểu của mình về số phận các dân tộc thuộc địa.
Và chính những điểm này khiến chúng ta thấy được sự vĩ đại của Hồ Chí Minh, Người không bác bỏ một nước bởi vì đó là một nước thực dân đô hộ, mà Người bác bỏ mối quan hệ bất bình đẳng và bất công, điều mà Hồ Chí Minh đã tố cáo trong cuốn sách xuất bản tại Pháp mang tên "Bản án chế độ thực dân Pháp." Tôi xin được trích dẫn câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập tự do." Câu nói này có giá trị toàn cầu.
Xin được kể một câu chuyện vui, chúng ta biết rằng vị cha già của dân tộc Việt nam khi còn trẻ đã từng viết một bài báo lên án xu hướng mà những người nói tiếng Pháp hiện nay gọi là lạm dụng ngôn ngữ Anh trong tiếng Pháp. Điều này cho thấy Hồ Chi Minh không chỉ là người dẫn đường cho dân tộc Việt Nam, mà còn là người soi sáng cho phong trào Pháp ngữ, một tổ chức mà Việt Nam cũng là thành viên và UNESCO có mối quan hệ rất tốt.
Là con người của sự đối thoại, là danh nhân văn hóa, Hồ Chí Minh phải tiếp tục được vinh danh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên khắp thế giới, và đầu tiên là ở UNESCO, vì năm nay cơ quan này sẽ tổ chức Năm quốc tế nhằm thúc đẩy sự xích lại gần nhau của các nền văn hóa. Các chuyến bôn ba nước ngoài mà Người đã trải qua, những trào lưu tư tưởng mà Người đã tiếp nhận và đặc biệt là khả năng giao hòa các sự đa dạng mà Người tiếp thu đã khiến Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng trong mọi khía cạnh cuộc sống của con người. Và như bà Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova đã nói, "để khắc phục tâm lý dễ bị tổn thương hiện đang gieo rắc khắp nơi, cần phải tạo ra một phương thức hành động mới để bảo vệ sự hòa hợp xã hội và gìn giữ hòa bình."
Chính vì ý thức được sự cần thiết này mà Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn năm 2010 là năm thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau và chỉ định UNESCO là cơ quan tổ chức hoạt động này bởi vì đã có đến 60 năm kinh nghiệm về sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Những gì UNESCO thực hiện trong năm nay cũng phù hợp với hành động cũng như là ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, đó là sự tôn trọng lẫn nhau, giữa các nền văn hóa, trong khu vực và trên thế giới. Mục tiêu của Năm quốc tế này là giúp xóa bỏ tất cả những sự hiểu nhầm, thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, từ những định kiến và thói bất chấp mọi thứ, dẫn đến những căng thẳng, bất ổn, bạo lực và xung đột trên thế giới.
Điều đó có nghĩa là cần phải đấu tranh để tăng cường sự đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện cho sự tôn trọng các nền văn hóa của nhau, xóa bỏ những rào cản giữa các nền văn hóa khác nhau. Bởi vì, trao đổi và đối thoại giữa các nền văn hóa chính là công cụ hữu hiệu nhất để xây dựng hòa bình.
Thay mặt cho UNESCO, tôi không thể không nhắc lại rằng về mục tiêu hòa bình này, vị cha già giải phóng Việt Nam đã từng là thầy giáo và sự nghiệp giải phóng dân tộc đối với Người chính là "cuộc đấu tranh chống lại 3 kẻ thù: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm."
Người thầy thực sự phải là người giải phóng và nhà giải phóng thực thụ cũng chính là người thầy. Tư tưởng của Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn phù hợp với vai trò của UNESCO, luôn hoạt động theo phương châm "thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục toàn dân và truyền bá văn hóa."
Sinh ra vào thời kỳ mà phần lớn dân số trên thế giới sống trong mù chữ, sự nghèo nàn về tinh thần này thường làm cho đói nghèo tăng gấp đôi, Hồ Chí Minh đã đóng góp rất nhiều vào sự nghiệp giáo dục cho tất cả mọi người.
Năm 1945, trong lời hiệu triệu xóa nạn mù chữ, Người đã kêu gọi "Để bảo vệ nền độc lập quốc gia, để nâng cao vị thế và làm giàu đất nước, mỗi người trong chúng ta cần phải biết đích xác quyền lợi và trách nhiệm của mình là gì, cần phải có kiến thức mới để có thể góp phần xây dựng đất nước. Trước hết, mỗi người cần phải biết đọc, biết viết. Những người chưa biết viết cần cố gắng trau dồi học tập. Chồng dạy cho vợ, anh dạy cho em, chủ nhà phải nhà dạy cho những người sống dưới mái nhà của mình. Những người giàu cần tổ chức lớp xóa nạn mù chữ tại nhà. Chị em phụ nữ cũng phải tích cực tham gia học tập, thậm chí còn phải hăng hái hơn vì hiện vẫn còn nhiều rào cản khiến chị em không thể nâng cao trình độ được. Giờ là lúc chị em cần phải theo kịp nam giới để xứng đáng là những công dân thực thụ."
Hồ Chí Minh đã đưa ra thông điệp này cách đây 60 năm, nhưng đến nay nó vẫn còn giữ nguyên vẹn giá trị. Đặc biệt, sự chú trọng của Người đối với sự bất bình đẳng về điều kiện sống và về giới cho đến nay vẫn mang tính toàn cầu và đúng với mọi lứa tuổi.
Chúng ta có thể thấy tinh thần của thông điệp đó được phản ánh đầy đủ trong báo cáo mới đây về phổ cập giáo dục cho tất cả mọi người mang tên "Tiếp cận những người bị gạt bên lề xã hội." Theo báo cáo này, tính đến nay, thế giới có 72 triệu trẻ em chưa được đến trường, trong đó 54% là các bé gái, và 759 triệu người lớn mù chữ trong đó 3/4 là phụ nữ. Như vậy chúng ta phải công nhận rằng thông điệp của Hồ Chí Minh mang giá trị toàn cầu và nó luôn có giá trị thời đại, bởi vì nó hướng tới tương lai. Cũng như chính Người đã từng nói: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người."
Vậy để trả lời câu hỏi "Hồ Chí Minh của năm 2010 này là ai?", tôi có thể kết luận rằng bản tính của Người đó là luôn lo lắng phấn đấu cho một tương lai được xây dựng trên nền tảng của sự công bằng, bình đẳng, biết truyền thụ và chia sẻ sự đa dạng văn hóa và đưa các nền văn hóa xích lại gần nhau. Chính vì tầm vóc vĩ đại của con người Hồ Chí Minh mà chúng ta đã vinh danh Người ở UNESCO và trên thế giới.