Đến với huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những chú ngựa được gắn xe chở, chất đầy những rau củ, hoa quả,... Trên xe ngựa dáng người gầy gầy cứ nhấp nhô đang di chuyển, trên tay cầm dây cương điều khiển, lộc cộc, lộc cộc luồn lách trên những con đường mòn.
Qua tìm hiểu, được biết trong những năm trở lại đây, nhiều diện tích rau, hoa quả,... tại các xã trên địa bàn huyện Đơn Dương(Lâm Đồng) tăng nhanh, nhu cầu vận chuyển nông sản ngày càng được quan tâm.
Theo đó, những ruộng vườn trồng rau củ, hoa quả,... gần quốc lộ hay đường xá dễ đi thì bà con chủ yếu dùng xe tải nhỏ để chở, còn ruộng vườn có mặt đường gồ ghề khó đi thì những chiếc xe ngựa kéo lại phát huy tác dụng, góp phần vận chuyển nông sản nhanh, sớm đến nơi thu mua.
“Hàng gì”... cũng chở
Giữa cái nắng cuối tháng năm, vội vàng chất đóng rau vừa mới kéo bằng xe ngựa từ vườn vào kho, anh Hà Văn Nam(Lạc Thành, Đơn Dương) ngồi bẹt xuống nền nhà, trên người ướt đẫm mồ hôi.
Anh cho biết: “Ở Đơn Dương, ngày trước xe ngựa kéo hoạt động nhiều, hầu như ở xã nào cũng có, nhưng hiện nay, do ngựa ít, người dân mua xe bán tải để chở nông sản nhiều. Những chiếc xe ngựa kéo còn lại chủ yếu tập trung ở xã Lạc Lâm, Lạc Thành, Đạ Ròn... .
Cứ đến mùa thu hoạch rau củ, hoa quả,... anh em đội xe ngựa chúng tôi phải làm việc cận lực, ngựa kéo nông sản cả ngày. Hết mùa, khi nông dân chuẩn bị làm lại đất mới thì chúng tôi cũng kiêm luôn chở rác, chở phân để phục vụ một mùa xuống giống cho mùa vụ mới”.
Không chỉ chở rau, hoa, củ, quả, phân bón, rác,... nếu có mặt hàng khác cần vận chuyển thì những chú ngựa vẫn đảm nhiệm. Anh Nghĩa (Lạc Lâm, Đơn Dương) nói: “Sáng giờ tôi chở rau xà lách cho chủ vườn được 3 chuyến rồi. Đến giờ nghĩ trưa nhưng tôi phải tranh thủ chở mấy bao xi măng cho nhà hàng xóm xây chuồng heo để chiều còn chở nông sản tiếp”.
Được biết, xe ngựa thường có bề ngang chỉ khoảng 1m50, chiều dài khoảng 4m tính luôn cả ngựa, nhỏ gọn nên hầu hết con đường nào cũng có thể di chuyển được. Tuy nhiên, mỗi chuyến xe ngựa chỉ chở được khoảng 150kg, cộng thêm người điều khiển là 200kg, nếu chất nặng quá, ngựa mau đuối sức, xe dễ bị hư hỏng.
Điều đặc biệt, khác với những chiếc xe chuyên chở khác, xe ngựa không cần phải tốn tiền mua xăng dầu, chỉ cần trong lúc đi thu gom rau, hoa, tại các chợ hay những ruộng có sẵn đem về làm thức ăn cho ngựa, với sức khỏe dẻo dai, những chú ngựa kéo ít đau ốm, bệnh tật.
Kiếm tiền triệu
Nhiều chủ xe ngựa kéo tại Đơn Dương vui mừng cho biết: “Lái xe ngựa rất vất vả , mỗi lần di chuyển sốc lắm, phải bỏ công sức để đưa hàng lên xuống xe. Nhưng đổi lấy thu nhập hàng tháng gần 10 triệu đồng, vào những tháng cao điểm nông sản nhiều, những chuyến xe ngựa vận chuyển đều đặn thu nhập hơn cả chục triệu. Một số gia đình nhờ những chú ngựa kéo mà có tiền trang trải cuộc sống, đóng tiền học phí, mua sách vở cho con cái, thậm chí xây nhà cửa khang trang”.
Để mua được một chiếc xe ngựa kéo, chỉ cần bỏ khoảng 40 -50 triệu đồng. Theo đó, giá mua mỗi con ngựa kéo khoảng 30 -35 triệu đồng, thùng xe kéo 15 triệu đồng. Đối với loại xe này, ngoài giá rẻ hơn so với những chiếc ô tô, chúng còn ít hư hỏng, tiết kiệm được nhiều khoản.
Hồi đó, ở Đơn Dương, nhu cầu vận chuyển nông sản ngày càng nhiều, tôi với chồng bàn tính mua xe ô tô về chở thuê, thế nhưng số tiền tiết kiệm được quá ít ỏi.
Lúc đó, chồng tôi nảy sinh ý định mua ngựa về làm xe kéo, chúng tôi chạy vạy khắp nơi vay vốn khoảng 40 triệu đồng. Cũng từ đó, cuộc sống hai vợ chồng đỡ vất vả hơn, hàng tháng thu nhập gần 10 triệu từ xe ngựa kéo thuê. Hiện chúng tôi cũng có nhà cửa ổn định, hai đứa con có điều kiện để ăn học, tôi vui lắm!”.
Theo phòng nông nghiệp huyện Đơn Dương, hiện toàn huyện có diện tích đất nông nghiệp là gần 17.000ha, đa phần là trồng những cây ngắn ngày như bắp cải, cải thảo, xà lách, củ dền, cà rốt,... đa số trồng trong vườn xa quốc lộ, đường vận chuyển khó khăn. Hàng ngày có hàng chục tấn hàng hóa được thu hoạch, đây cũng là điều kiện để nhiều nông dân tại Đơn Dương phát triển xe ngựa kéo giúp thoát nghèo.