> Ngư phủ… hư
> Ngư dân khó từ bờ ra biển
Hậu duệ Chử Đồng Tử
Út Năm gần 30 tuổi, theo cha đánh cá từ bé. Trước kia họ dùng những con thuyền lớn thả lưới giăng câu, nhưng chục năm lại đây cá mú ngày càng ít dần và nghề chài lưới trên sông cũng không còn nữa, cha con họ lần theo dòng kênh, kiếm sống dưới chân những khu đô thị mới ở quận 7, Sài Gòn.
Chiếc thuyền gỗ nhỏ chèo tay cuối cùng cũng mục nát và khép lại một quá vãng vàng son của nghề ngư phủ. Giờ đây Út thường đi chiếc xe máy cà tàng, với hơn chục tay lưới.
Gửi xe ở quán cóc, cậu ta nhảy ùm xuống nước và thả lưới, ngồi co ro ngồi dưới gốc cây, chờ vài ba tiếng để cá dính lưới, rồi lại lặn ngụp đi thu sản phẩm.
Út nói với tôi: “Bọn em mấy đời làm nghề đánh cá, quen việc rồi, chứ các bác mà lội sông nửa ngày cũng đã đủ lăn ra ốm”.
Út có vợ và một đứa con. Vợ Út chẳng có nghề nghiệp gì, để trang trải tiền thuê nhà, cô phải đi rửa bát trong một quán cơm.
Út nói: “Anh em ngư phủ chúng em sống bám dọc các con kênh ở quận này, chừng dăm ba chục người chứ không phải ít. Tất cả đều không nhà không cửa. Kẻ thì ở thuê ở mướn, người thì chui rúc trong những con thuyền nát dưới tán dừa nước”.
Khi đánh được cá, được lươn, họ đem bán cho những người đi bán dạo, hoặc bày bán dưới gốc cây.
Hải là tay săn cá cừ khôi đã có tuổi nghề 20 năm. Anh ta ăn trưa bằng hai hộp cơm. Hải nói làm nghề ngư phủ phải có sức. Trước thì còn chèo thuyền thu lưới, giờ hết thuyền, phải bơi lội suốt ngày.
Thu 12 tay lưới trên một đoạn kênh không lấy gì làm sạch cho lắm, ở những nơi cống rãnh hay có thức ăn cho cá, Hải lại chuyển sang giăng lưới ở một đoạn kênh của phường khác.
Cứ thế, từ sáng sớm đến đêm khuya, ngày này sang tháng khác. Sản phẩm của anh ta là cá rô phi, cá quả, đôi khi có cả cá chép, cá lau kính nữa.
“Thật là một ngày gặp may”. Bác Tư, hơn 60 tuổi, vợ chết, tài sản còn lại là một mớ lưới rách nát khiến ngày nào ông cũng phải khâu vá.
Bác nói: “Bắt được 1 con rùa!” Rùa tự nhiên, nghe nói chữa bệnh tim. Đám ngư phủ như bác Tư không dùng cân mà bán theo con. Bác đòi sáu trăm ngàn nhưng người đàn ông bị bệnh tim đi chiếc xe máy đắt tiền trả 400 ngàn, sau đó bỏ đi. Bác Tư bảo: “Con rùa này trong nhà hàng phải bán hơn 1 triệu bạc”.
Bác Tư nói có người bắt được cả con trăn. Tôi ngạc nhiên lắm, những con kênh này nằm giữa khu dân cư mà có trăn sao.
Bác nói: “Những con kênh này lưu giữ tất cả mọi thứ của thành phố, những gì người ta không cần đến nữa. Nào rác rưởi, chuột bọ, rất nhiều rắn, xác thú vật chết. Thỉnh thoảng đang bắt cá thì rắn chạy tới cắn. Bắt được rắn, bán cũng có tiền”. Bác nói với tôi rằng rắn hổ mang lởn vởn ven bờ. Bác không nhà cửa, ở trên chiếc thuyền nát.
Những con kênh um tùm dừa nước còn sót lại giữa các khu phố sầm uất lại là nơi mưu sinh của không ít người. Hậu, chàng trai 24 tuổi, nói chuyện rất khó nghe.
Cậu bị hở môi bẩm sinh, bỏ học từ hồi lớp hai. Có dạo cậu đi sửa xe máy nhưng chê nghề đó khó học quá. Hậu đã học nghề câu từ những kẻ ngư phủ chuyên nghiệp.
“Em đi câu 4 năm rồi, có ngày kiếm được vài ký cá, đem về cho mẹ nấu canh”. Khi trời đổ cơn mưa, Hậu trùm áo mưa ngồi bên bờ sông với 3 cần câu, chiếc xe đạp cũ dựng sát bên.
Những mảnh đời sau thất nghiệp
Hậu nói với tôi rằng công nhân thất nghiệp cũng kiếm sống trên các con kênh nữa. Theo lời chỉ của Hậu, tôi đã tìm thấy hai vợ chồng Hồng trong một lùm dừa nước.
Người chồng bắt cá bằng điện, khi được cá, anh ném lên bờ cho vợ. Hồng nói: “Vợ chồng em từ dưới Bạc Liêu lên Sài Gòn để làm công nhân. Giờ ít việc quá, phải mưu sinh bằng nghề này, chờ công việc mới”.
Thành phố hầu như đã quy hoạch xong. Vợ chồng Hậu tạm chia tay với những người bạn ở các công trình, để nhập đám ngư phủ. Họ lầm lụi trên rạch thầy Tiêu, rạch Bàng, rạch Thủy Tiên. Chồng Hậu đi bắt cá nhưng vẫn mặc một bộ đồ công nhân màu xanh lá mạ ướt rượt.
Một người kinh tế khá giả ở thành phố khen rằng lươn quận 7 ngon, lâu lâu xuống mua vài ký về nấu cháo ăn. Lại có người bảo quận 7 có món cá lóc đồng, nướng rất tuyệt.
Tôi hỏi giá mới biết cá lóc đồng anh em ngư phủ bán giá chừng 60 ngàn mỗi kg, ngoài chợ bán giá 120 ngàn đồng. Út bảo: “Có đêm được nhiều nhất em thu hai chục ký, nhưng mà cá lươn đủ loại lằng nhằng. Nhiều hôm chỉ được vài ký, đói xác xơ. Tiền nhà chậm không trả, bị chủ chửi như tát nước vào mặt. Tết này đang sợ bị đuổi ra khỏi nhà bác ạ”.
Tôi bảo Út nên sửa chiếc thuyền mà thu lưới, khỏi phải lặn. Út bảo giờ cá ít lắm, chỉ còn bằng một phần ngàn một phần vạn ngày xưa. “Đi xe máy mà bơi đuổi bắt còn không có ăn, chèo thuyền thì đến bao giờ mới được một vài ký cá rô?”.
Út nói không sợ rắn cắn, không sợ dẫm mảnh chai, kim tiêm. Chỉ sợ nghiện. Út bảo: “Người theo nghề này uống nhiều”. Anh em thường uống dưới gốc cây, dăm ba chai bia, nửa lít rượu trắng. Người ta chê, nhưng “thật ra chúng em không có tí men thì lại ngại, không muốn nhảy xuống nước”.
Một ngày mấy cữ lặn ngụp dưới dòng kênh, Hải cũng rất mệt. Anh thường nằm dưới gốc cây, thiu thiu ngủ. Hải có hai đứa con. Chúng đang đi học, nào tiền nộp học, tiền quần áo.
Người cha da ngăm đen như màu đồng, cởi trần nhiều hơn mặc áo. Người vợ của anh chỉ ở nhà chăm con nên thu nhập chẳng có gì. Khi đã tợp vài ngụm rượu, người nóng lên, Hải lại nhảy ùm xuống dòng kênh, ngay ở chỗ cái cống lớn nước chảy rất xiết.
Tôi thấy lo cho anh này quá. Người ta thường bảo uống rượu thì nên tránh gió, tránh nước. Nhưng Hải lại bảo: “Tôi còn phải thu lưới để đi nơi khác thả kẻo hết ngày mất”.
Hải lôi theo một chiếc thùng xốp để đựng cá. Bên trong chiếc thùng xốp chỉ lơ vơ vài con cá, nhưng có một miếng bọt biển nhỏ, hóa ra nó là cái phao tự chế. Hải nói: “Những khi đuối sức quá thì tôi vớ lấy cái miếng xốp này, trôi vào bờ”. Khuôn mặt người ngư phủ thấp thoáng trong dòng nước đỏ đục phù sa.
12-2012