Đi thẳng từ cổng Bệnh viện Việt Xô vào 20 mét, sẽ nhìn thấy một cây bàng thấp với những ghế đá vây quanh. Nếu vào ban ngày, có thể bạn sẽ nhìn thấy một hay hai cái chiếu dắt trên ngọn cây. Đó là những chiếc chiếu của những người làm nghề trông bệnh nhân thuê ở bệnh viện này. Họ là những lao động di cư hiếm hoi trong thành phố này có một đặc quyền: Không phải thuê nhà trọ.
Có những người đã sống và làm nghề này trong những bệnh viện khắp Hà Nội cả thập kỷ nay, nhưng chưa bao giờ thuê một túp nhà trọ. Họ sống luôn trong bệnh viện, trên những chiếc chiếu trải vội cạnh giường bệnh những ngày “có khách”, hoặc là tìm một góc khuất nào đó mà bảo vệ không để ý.
Chuyện tắm giặt thì đã có nhà vệ sinh công cộng trong bệnh viện. Ở lâu quá quen rồi người quản lý cũng tạo điều kiện. Ăn uống thì đơn giản, quanh bệnh viện lúc nào cũng đầy quán hàng đủ mọi mức giá. Mười lăm, hai mươi nghìn một đĩa cơm, ngày hai bữa là xong. Chuyện ngủ nghê lúc đầu cũng phức tạp, bởi chẳng bệnh viện nào cho phép người lạ ngủ trong viện. Sau dần cũng xoay sở được. Việt Xô gần Bệnh viện 108, nếu bảo vệ bên này đuổi lại chạy sang bên kia. Cộng đồng này còn tìm được cả một khu bỏ không có cả điện nước trong viện, đêm quần tụ lại. Một cái chiếu, một cái chăn, ban ngày dúi tạm vào đâu, như ngọn cây bàng là xong.
Ông Tấn đã 10 năm làm nghề này. Vợ chồng ông sống như một đôi Ngưu Lang-Chức Nữ trong thành phố. Họ chỉ ở cách nhau chưa đầy 6 cây số, khoảng cách từ Bệnh viện Đống Đa - nơi bà làm việc, đến Bệnh viện Việt Xô - địa bàn của ông. Nhưng trong năm, họ gần như không gặp nhau bao giờ. Đặc thù công việc khiến những người làm nghề trông bệnh nhân thuê phải gắn chặt với cái bệnh viện 24/24. Những lúc có bệnh nhân thì ở bên cạnh cả ngày, lo cho họ từ miếng ăn đến chuyện vệ sinh cá nhân. Còn những lúc không có bệnh nhân, thì cũng phải ngồi chờ việc cả ngày. Họ ngồi dưới gốc cây bàng trước cổng bệnh viện, tán chuyện, chờ những chuyến xe cấp cứu đi qua. Vẫn thương yêu nhau, thỉnh thoảng lắm, có khi cả năm, mới bố trí một ngày dứt ra mà “vào viện” thăm được nhau. Nhưng thường là không bao giờ.
Ông Tấn đang trông bệnh nhân trong phòng bệnh.
Mỗi năm, đôi Ngưu Lang-Chức Nữ ấy chỉ đoàn tụ hai lần. Vào ngày giỗ bố và ngày Tết. Căn nhà ở quê cũng rộng rãi, khang trang, nhưng giờ chỉ có mỗi bà cụ già đang ở. Lũ trẻ, đứa đã theo chồng lên miền núi, đứa thì đi làm thuê quanh năm. Có một điều trớ trêu, là trong khi vợ chồng ông Tấn đang trông người thân của kẻ khác ở Hà Nội, thì ở quê, ông lại cũng phải thuê người trông bà cụ. Cụ đã yếu, ban ngày vẫn tự sinh hoạt được, nhưng ban đêm phải có người làng sang ngủ cùng để trông nom chẳng may có chuyện gì.
Hầu hết đều là đồng hương. Hầu hết đều sinh ra quanh một cánh đồng. Cánh đồng chiêm trũng mỗi năm chỉ cấy được một vụ, ngày xưa thì đủ ăn nhưng bây giờ thì không. Ông Tấn ngày trước làm ruộng, rồi còn chèo thuyền ra sông Hồng đánh cá, nhưng đã là chuyện 20 năm trước. Không biết từ bao giờ người làng rủ nhau lên Hà Nội làm cái nghề đặc biệt này. Nhiều nhà đã hai đời theo nghề, thành một thứ nghề gia truyền. Trông bệnh nhân thuê gia truyền - không biết khi nào ở một bệnh viện ở Hà Nội người ta nhìn thấy cái biển như thế.
Về quê ông Tấn, ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ vào mùa nước lên, bốn bề quanh làng chỉ thấy một biển nước mênh mông màu bạc phủ lên những chỗ đáng ra là cánh đồng. Có một điều lạ, là đến nhà mấy người làm nghề trông bệnh nhân thuê trong làng, đều thấy gạch, cát, sỏi đổ đầy sân. Trong nhà ông Tấn có mấy đống gạch ngói xếp đầy, chờ xây. Xây cái gì thì ông cũng chưa biết. Đất rộng, rồi ông sẽ nghĩ ra cái gì đấy để xây, dù nhà thì chẳng ai ở.
Sang nhà chị Lộc, một “đồng nghiệp”, còn thấy một đống cát sỏi cao bằng nửa cái nhà: Chị đang chuẩn bị sửa sang lối đi và làm cổng. Tiền thật ra cũng kiếm được. Mỗi ngày công là ba trăm nghìn, những người làm lâu năm như ông Tấn, đã có uy tín rồi, mỗi tháng cũng được hơn 20 ngày công. Có khi ngày công lên đến năm trăm nghìn, vì nhận trông cùng lúc 2 người bệnh ở cùng một phòng. Ăn uống thì tằn tiện, chi tiêu thì không có gì vì cả năm sống bám vào cái bệnh viện. Tiền để ra, là để lo cho các con ăn học. Nhưng đến tuổi của ông Tấn, các con đã lớn, tự lo được cho bản thân, thì cũng chẳng biết để làm gì nữa. Lại nghĩ như bao nhiêu người xa xứ bao nhiêu đời nay: về xây cái nhà ở quê.
Nhà ông Tấn ở quê rộng, sân láng xi măng, xây bốn gian ở 4-5 người cũng đã thừa, bếp nước và nhà vệ sinh đều làm rất cẩn thận rồi. Ông cứ rỗi, lại về xây thêm, lúc thì tường rào, bây giờ chắc lại làm cả chuồng gà bằng gạch.
Cả năm ngủ vạ ngủ vật nơi xó xỉnh thành phố, để tiền xây cái nhà ở quê to đẹp - có điều gì đấy bế tắc trong việc đảm bảo cuộc sống của những người như ông. Tuổi lao động cũng sắp hết, chắc chẳng thức đêm thức hôm được bao năm nữa, nhưng về quê thì không có nghề, cũng chẳng có lương hưu, ngay cả cái cách tiết kiệm cho tương lai cũng bí bách. Là cái nhà đẹp, người từ quê đi chỉ nghĩ thế. Tất nhiên, là chuyện làm sao để những người như thế có lương hưu, tự họ cũng không nghĩ ra được. Họ cũng chẳng biết rằng thật ra có cách, nó còn là một chính sách rồi, chỉ có điều không ai muốn thực hiện nó mà thôi.