Ngư dân vùng cá chết có thể ra khơi bình thường?

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT).
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT).
TP - Chiều 24/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, dựa trên thông tin môi trường 4 tỉnh miền Trung do Bộ TN&MT vừa công bố, ngư dân có thể dong buồm ra khơi, nuôi trồng thuỷ sản bình thường.

Thưa ông, ngư dân 4 tỉnh bị thiệt hại do Formosa xả thải môi trường có thể ra khơi đánh bắt hải sản chưa?

Trong ngày 24/8, Bộ NN&PTNT có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất với 4 tỉnh bị sự cố. Theo đó, các địa phương sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển. Tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm với hải sản đánh bắt về tại các cảng, bến cá.

Bộ cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn bà con nuôi trồng thủy sản bình thường, đồng thời tiếp tục quan trắc, xử lý các thông số môi trường, kể cả vùng  nuôi lồng bè ngoài biển, ao đầm. Chẳng hạn, nước biển lấy vào nuôi phải được xử lý, có thể thả thử tôm cá trước để kiểm tra độ an toàn…

Tuy nhiên, Bộ TN&MT cũng khuyến cáo, với khu vực cách bờ 1,5 km, thuộc khu vực Sơn Dương (Hà Tĩnh) diện tích 300 km2, cửa Nhật Lệ khoảng 330 km2, hòn Sơn Chà 160 km2, do tác động dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép cần tiếp tục quan trắc chặt chẽ.

Ông có thể cho biết, khi nào khoản tiền bồi thường từ Formosa đến tay được người dân thưa ông?

Hiện Bộ NN&PTNT đã có hướng dẫn cụ thể gửi 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế về việc thống kê, xác định thiệt hại, đối tượng bồi thường. Trong hội nghị ngày 27/8 tới tại Thừa Thiên -Huế, các tỉnh sẽ báo cáo tình hình thống kê, xác định thiệt hại cũng như các vướng mắc cần tháo gỡ. Các địa phương phải gửi thống kê thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ trước 10/9. Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng để có chính sách sớm hỗ trợ người dân.

Trong hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, có nói rõ, người dân thiệt hại được trực tiếp kê khai, rồi gửi cho tổ thẩm định của thôn, xóm. Sau đó, hội đồng này sẽ xem xét và trình lên xã, rồi lên huyện, tỉnh. Cả chu trình đó, người dân đều được trực tiếp tham gia. Tôi tin rằng, với cách làm đó việc hỗ trợ cho người dân sẽ được thực hiện đúng người, đúng đối tượng.

Thưa ông, Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án để khôi phục sản xuất và hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh nói trên, trong đó trọng tâm là gì?

Ngay sau khi sự cố môi trường xảy ra, Bộ NN&PTNT cũng tham mưu, trình Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ khẩn cấp ngư dân, như hỗ trợ gạo trong 6 tháng, hỗ trợ mua tạm trữ hải sản đánh bắt…

Còn các chính sách, đang tiếp tục trình Chính phủ thông qua. Chẳng hạn, 4 tỉnh trên có 12.000/16.000 tàu cá nhỏ hơn 90 CV, chủ yếu đánh bắt ven bờ và phần lớn số này nằm bờ trong thời gian sự cố; trong khi nguồn lợi ven bờ của các địa phương trên cũng cạn kiệt dần.

Do vậy, Chính phủ có thể hỗ trợ cho người dân vay vốn ưu đãi đóng tàu khai thác ở vùng biển xa (loại 90 đến 400 CV), hơn ngoài 30 hải lý; hoặc hỗ trợ một nguồn vốn nhất định để người dân có thể chuyển đổi nghề khác như chăn nuôi, trồng trọt…

Cảm ơn ông!

Theo Bộ NN&PTNT, đối tượng được xác định bồi thường trực tiếp là các chủ tàu và người lao động trực tiếp trên tàu thuyền có công suất dưới 90 CV; ngư dân làm nghề khai thác thủ công, đơn giản như câu, lặn, nghề cào, lưới rùng, mò… sống phụ thuộc vào biển. Cùng đó, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, đầm phá, ao, bãi ngang có thủy sản bị chết; diêm dân phải ngừng sản xuất do sự cố môi trường. Đối tượng được hỗ trợ là những tổ chức, cá nhân làm nghề du lịch, dịch vụ thương mại, dịch vụ nghề cá và một số đối tượng khác.

MỚI - NÓNG