Ngọt ngào sẽ đến…

Chị Bùi Thị Kim Anh hạnh phúc bên con gái
Chị Bùi Thị Kim Anh hạnh phúc bên con gái
TP - Vượt qua những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nhiều cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc đang từng ngày nỗ lực đổi thay, khẳng định bản thân xây dựng hạnh phúc nơi đất khách, quê người.

Vượt qua sợ hãi

Nguyễn Thị Sợi, sinh năm 1984, Thủy Nguyên (Hải Phòng) lấy chồng Hàn Quốc thông qua hình thức thi tuyển mai mối. “Hồi đó, chúng tôi đi ô tô từ Hải Phòng về Hải Dương thi tuyển đông lắm. Sau khi xem mặt hàng chục cô gái, trong đó có tôi, anh Lee Uhn Hwal (chồng tôi hiện tại) lắc đầu không ưng ai. Trong lúc đợi xe về lại Hải Phòng, bà mối dắt riêng tôi vào gặp anh Lee lần nữa, tự dưng anh gật đầu đồng ý. Lúc đó, tôi không thấy vui mà run và lo sợ lắm. Tôi tự trấn an mình rằng, cái duyên đã đưa đẩy tôi đến với anh”, chị Sợi kể lại. Ba ngày sau, đám cưới diễn ra, Sợi theo chồng về Hàn Quốc với sự hiểu biết về chồng, vốn ngôn ngữ, văn hóa đất nước Hàn Quốc là số 0 tròn trĩnh.

Khoảng nửa năm đầu làm dâu nơi đất khách quê người, Sợi không khỏi bỡ ngỡ, không ít lần rơi vào khủng hoảng. Chồng đi làm từ 8 rưỡi sáng đến hơn 6 giờ tối mới về nhà. “Tôi ở nhà một mình, không biết làm gì, quanh ra quẩn vào, rồi sợ đủ thứ”, chị Sợi nói. Không biết nấu và cũng không ăn được các món ăn Hàn Quốc, 3 tháng đầu Sợi chỉ biết ăn lạc rang, dưa leo và rau luộc. Còn chồng ăn gì thì chồng tự nấu.

Điều may mắn, chồng Sợi khá tâm lý và chịu khó. Sau mỗi giờ đi làm về là tranh thủ dạy vợ nói tiếng Hàn Quốc và nấu các món ăn Hàn, dẫn đi siêu thị giới thiệu về các loại thực phẩm, công thức chế biến. Nhờ đó, sau 6 tháng, Sợi đã nấu được các món ăn cơ bản của Hàn Quốc. Không dừng lại ở đó, Sợi nỗ lực từng ngày để khẳng định vị trí, hình ảnh đẹp của cô dâu Việt Nam tại đất nước Hàn Quốc. Mẹ chồng Sợi năm nay đã 90 tuổi, lúc đầu bà ở một mình, nhưng từ ngày sức khỏe bà giảm sút, Sợi đề nghị chồng đón bà về nhà mình chăm sóc. Hằng ngày, Sợi trò chuyện với mẹ chồng, lên mạng internet tìm công thức nấu các món ăn ngon tẩm bổ cho người già. “Mẹ chồng quý tôi lắm, có gì bà cũng gói ghém cho tôi. Vì điều này mà chồng luôn cảm thấy tự hào về tôi”, Sợi chia sẻ.

Sợi cũng vừa thi đỗ đại học, đang học đại học năm thứ nhất. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc mẹ già và hai con nhỏ, Sợi đều đặn lên giảng đường mong sau này có tấm bằng tốt để có cơ hội kiếm được công việc ổn định.

 Sau 10 năm làm cô dâu Hàn Quốc, Sợi đã 3 lần đưa chồng và hai con gái về thăm quê ngoại. Mỗi lần về thăm quê, Sợi thường đưa chồng, con đi thăm họ hàng, tìm hiểu những nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của quê hương vợ. “Hai con gái tôi thích về quê ngoại lắm. Mỗi lần về là chúng đòi các cậu chở xe máy đi chơi. Chúng còn nghêu ngao hát các bài đồng dao. Đặc biệt, các cháu thích hát bài: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Ươm những mầm xanh

Tại buổi gặp mặt các gia đình đa văn hóa Hàn - Việt lần này, hình ảnh gia đình cô dâu Bùi Thị Kim Anh, sinh năm 1984, quận Lê Chân (TP Hải Phòng) gây sự chú ý đặc biệt. Hai con của Kim Anh, bé trai 9 tuổi, bé gái 4 tuổi nói tiếng Việt rất sõi và miệng luôn hát các ca khúc thiếu nhi Việt Nam. Kim Anh chia sẻ, chị luôn cố gắng dạy con học, tìm hiểu song song ngôn ngữ, văn hóa của hai quốc gia Việt Nam- Hàn Quốc và chồng rất ủng hộ điều này. “Chồng tôi bảo, em dạy cho con nói tiếng Việt và hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam một cách sâu sắc để sau này, nếu mình không đưa con về thăm quê ngoại được, chúng cũng sẽ biết đường tự tìm về mà không có chút bỡ ngỡ nào”, chị Kim Anh kể.

Ngọt ngào sẽ đến… ảnh 1

 23 gia đình trẻ Việt - Hàn về thăm quê ngoại Việt Nam

Lần về thăm quê này, Kim Anh đưa chồng và con đi ăn các món ăn đặc trưng của quê hương như: Phở, chả mực, lẩu, bánh mỳ; đi xem múa lân, chơi các trò dân gian và đi chợ quê. “Các con tỏ ra rất hào hứng, thích thú và khám phá. Đi ngoài đường phố, các con ngạc nhiên hỏi: “Mẹ ơi, sao đường phố quê ngoại nhiều xe thế, lại đi lộn xộn không có trật tự gì cả. Tôi phải giải thích với con là tại đường phố Việt Nam chật, mọi người đều bận việc nên phải đi vội”, Kim Anh chia sẻ. Chồng chị, anh Kim Jae Guk, sinh năm 1969, rất mê món phở Việt Nam, vì thế tranh thủ mấy ngày về thăm quê ngoại, hầu như ngày nào anh cũng ăn món ăn khoái khẩu này.

Kim Anh nên duyên với chồng qua sự mai mối của một người bạn. Tuy nhiên, tình cảm của chị thời gian đầu bị gia đình phản đối gay gắt. Vì thời điểm đó, bố mẹ chị đọc nhiều bài báo viết về những cô dâu lấy chồng ngoại gặp rủi ro, không hạnh phúc nên sợ. “Tôi thì thấy tin tưởng anh một cách tuyệt đối. Lần đầu tiên, đưa anh về ra mắt bố mẹ, thấy sợi dây điện loằng ngoằng trên trần nhà, anh cứ ngước cổ nhìn rồi nói với tôi bằng vẻ mặt lo lắng: “Thế này thì mất an toàn quá, để anh thay lại dây điên cho bố mẹ”. Chỉ những điều nhỏ thế thôi, tôi thấy thật chân chất, hiền lành nên dù bị bố mẹ phản đối tôi vẫn cương quyết theo anh về làm dâu xứ người”, Kim Anh kể.

Sang Hàn Quốc được gần 2 tháng, Kim Anh có bầu, ốm nghén, chỉ thèm món ăn Việt Nam và nhớ nhà da diết. May mắn chồng và mẹ chồng luôn ở cạnh động viên, an ủi. Chị thường xuyên gọi điện về nhà để nguôi ngoai nỗi nhớ. “Ngày tôi sinh, mẹ chồng chăm sóc tôi tỉ mỉ, bê cơm, nước đến tận giường, rồi bắt tôi kiêng khem y như các bà mẹ Việt Nam chăm sóc con gái đẻ vậy. Điều đó, khiến tôi rất cảm động, càng có thêm động lực để gắn bó với mảnh đất này”, chị Kim Anh tâm sự.

Hiện, Kim Anh là thông dịch viên của Trung tâm Hỗ trợ gia đình đa văn hóa tỉnh Chungchebukdo, Hàn Quốc. Hằng ngày, ngoài công việc ở Trung tâm, Kim Anh còn nhận lời dạy tiếng Việt cho trẻ em Hàn Quốc tại các trường học.

Vì tương lai tươi sáng

Chị Sợi và Kim Anh là những cô gái may mắn khi sang làm dâu xứ người được chồng và gia đình nhà chồng thương yêu, hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số cô dâu Việt có cuộc sống hôn nhân không êm đềm do những bất đồng về văn hóa, ngôn ngữ và chênh lệch tuổi tác quá lớn giữa chồng và vợ. Trong hoàn cảnh đó, các cô dâu Việt đã xích lại gần nhau, động viên, hỗ trợ nhau vượt qua sóng gió nơi đất khách quê người.

Ngọt ngào sẽ đến… ảnh 2 Những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt - Hàn đang chơi trò chơi dân gian Việt Nam
Chị Sợi cho hay, nơi chị đang ở có khoảng 300 cô dâu Việt Nam. Có những cô dâu trẻ tuổi khi mới sang Hàn Quốc làm dâu gặp khó khăn tỏ ra bất mãn, đòi bỏ chồng, về quê. “Tôi đã đến gặp những cô dâu đó nói chuyện, lắng nghe những tâm sự của họ nghe họ bày tỏ nỗi niềm. Tôi thường nói với họ, ai cũng mất 1- 2 năm đầu để hòa hợp, tôi cũng từng trải qua giai đoạn đó để có được gia đình hạnh phúc của ngày hôm nay. Vì thế, các bạn hãy kiên nhẫn và nỗ lực rồi hạnh phúc sẽ đến”, Sợi kể. Nhiều cô gái đã vượt qua được những khó khăn nhờ những chia sẻ chân thành của Sợi.  

Kim Anh cũng đã giúp rất nhiều gia đình trẻ hàn gắn hạnh phúc. Kim Anh kể, có gia đình trẻ, vì người vợ không thể hòa hợp được với nhà chồng, thường xuyên mâu thuẫn nên ôm con về Việt Nam. Người chồng đến gặp chị khóc nhờ chị tư vấn, hỗ trợ. Chị gọi điện về Việt Nam gặp người vợ nói chuyện. “Bạn ấy có vẻ nguôi ngoai nên tôi khuyên anh chồng về Việt Nam đón vợ sang nhưng khi anh về Việt Nam cô vợ lại đổi ý bỏ trốn. Anh ấy về Hàn Quốc lại đến nài nỉ tôi. Phải mất khá nhiều thời gian khuyên nhủ, thuyết phục, cuối cùng cô gái đó cũng quay lại nhà chồng, thay đổi bản thân để hòa hợp. Giờ cuộc sống gia đình họ đã thực sự êm đềm”, chị Kim Anh kể.

Ngài Jeon Dae Ju, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, cho hay, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 60 nghìn cặp vợ chồng Việt - Hàn, nếu tính cả hơn 50 nghìn người là con em được sinh ra trong gia đình này thì tổng số thành viên gia đình đa văn hóa Việt - Hàn đã lên tới hơn 170 nghìn người. Ở Việt Nam, hơn 3.500 gia đình Việt - Hàn được gây dựng, chủ yếu tập trung vào nhân viên các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư sang Việt Nam. Với sự phát triển mạnh mẽ đó, Chính phủ Hàn Quốc có nhiều chính sách quan tâm đến những gia đình đa văn hóa này.

“Chúng tôi mong rằng, những đứa trẻ được sinh ra trong các gia đình đa văn hóa Việt- Hàn sẽ chú trọng học song song ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc để xây dựng cho mình một phông văn hóa phong phú, trở thành công dân toàn cầu đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của hai dân tộc cũng như thế giới”, Đại sứ Hàn Quốc Jeon Dae Ju nhấn mạnh. 

Chương trình gia đình đa văn hóa về thăm quê ngoại Việt Nam năm 2015 do Quỹ Phụ nữ Hàn Quốc tổ chức. Tham dự chương trình là 23 gia đình cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc. Họ được về thăm quê ngoại Việt Nam trong 9 ngày, 7 đêm (từ 5 đến 13/9). Trong khoảng thời gian này, các chú rể Hàn Quốc và những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt - Hàn sẽ có những trải nghiệm thú vị tìm hiểu văn hóa, lịch sử quê ngoại Việt Nam.

MỚI - NÓNG