Ngày 18/1, PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho biết đơn vị vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người, tổ chức hội thảo về ngôi mộ cổ nghi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trước đó, người dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tìm thấy chiếc quách gỗ sơn màu đỏ, ở độ sâu 2 m trong vườn một gia đình. Sau đó người dân chuyển hài cốt trong quách sang tiểu sành mới, an tang tại nghĩa trang xã. Quách gỗ được giữ lại, chuyển lên Hà Nội cho các nhà khoa học nghiên cứu.
Trong năm 2016, tấm quách được Viện Nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người và Hội khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng. Các chuyên gia lấy một đoạn thành quách gửi đến Trung tâm hạt nhân (TP HCM) để phân tích, kết quả cho thấy gỗ làm tấm quách có niên đại khoảng 1.700 năm. Theo TS khảo cổ học Lê Đình Phụng, quy cách đóng, chất liệu sơn của quách thuộc thời nhà Mạc; gỗ dùng làm quách là loại quý, dân thường thời phong kiến không thể có được.
Chia sẻ tại hội thảo nêu trên, ông Nguyễn Lân Cường cho biết, trong quá trình nghiên cứu tấm quách đã tìm thấy một thẻ tre có ghi chữ. Nhà thư pháp Hán Nôm Lê Thiên Lý, nhà Hán học Hoàng Phan và cụ Lương Bắc Tưởng – một -người Hoa sống tại Hải Phòng cùng đọc thẻ, phát hiện ra chữ “Mạc triều Trạng nguyên”, “Cù Xuyên” (đạo hiệu của thân sinh Trạng trình Nguyễn Bình Khiêm).
"Để kết luận chính xác về ngôi mộ này thì phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, những thông tin ban đầu cho thấy khả năng lớn đây là ngôi mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm", thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý (Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người), nói.