Tôi vừa có nửa tháng trải nghiệm các đảo ở Trường Sa, cùng con tàu đi ra ngoài xa, rất xa. Có những chiều trú mưa lốc bất ngờ trên đảo. Có những ngày đêm vặn mình theo từng cột sóng lớn, từng chao lắc dữ dằn trong giông gió ảnh hưởng bởi “hậu” bão số 1 trong năm mang tên Chaba. Sau 24 năm quay trở lại quần đảo này, mọi thứ đã khác quá, đã tốt hơn lên rất nhiều...
Chiều hôm ấy giữa sóng gió Trường Sa, nhà sử học Dương Trung Quốc choãi chân đứng trên boong tàu đang chao lắc rất mạnh, trong buổi lễ tổng kết chuyến hải trình. Để kể lại câu chuyện nóng hổi thời sự ông mang từ Trường Sa vào nghị trường Quốc hội tròn 12 năm trước. Đó là tâm nguyện của những người lính gác Trường Sa về dự án đường sắt cao tốc từng nóng bỏng một thời.
Để bắt nối sang những câu chuyện thời sự nóng hổi khác, mà có lẽ càng đi xa càng nhìn rõ hơn. “Trường Sa với những hòn đảo rất xa xôi, rất bé nhỏ, nhưng những bài học ở nơi này vô cùng sâu sắc. Nó soi rọi cho chúng ta những điều mà chúng ta đang làm nơi đất liền, nơi đông đúc, nơi sôi động. Trường Sa là tấm gương soi, để qua từng chiến sĩ, qua từng việc làm chúng ta xem lại những gì mà chúng ta làm. Ngay trong chuyến đi này thôi, đó là hình ảnh thưa thớt của những con tàu ngư dân chúng ta ra đây, giữa lúc kẻ thù đang tìm mọi cách để bao vây chúng ta. Chúng ta không thể không nghĩ đến sự không thành công hay có thể nói là thất bại của chương trình đóng tàu đánh cá. Của những chính sách thử xem đã đúng chưa, khi mà giá dầu không giảm cho những ngư dân. Khi họ ra đây không chỉ mưu sinh mà họ còn làm nghĩa vụ với quốc gia...”, vị cựu đại biểu Quốc hội day dứt.
Khung cảnh bình minh, hoàng hôn tôi gặp ở Trường Sa, có lẽ cũng không khác lắm với những gì mà nhà văn Nguyễn Minh Châu mô tả. Và vừa được đưa vào đề Văn cho hàng triệu thí sinh là những chàng trai cô gái 18 tuổi đang đặt những bước đầu tiên vào đời. Nhưng bình minh biển ấy không có ô mắt lưới và những tấm lưới, trống vắng bóng dáng thân thuộc của những chiếc tàu cá, bóng dáng mạnh mẽ thô ráp của ngư dân. Chưa thể gọi đó là những “vẻ đẹp đơn giản và toàn bích”... Dẫu rằng “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, và mọi vẻ đẹp ấy đều khiến trái tim ta như bị bóp thắt lại. Nhưng còn những hiện thực ngổn ngang, xấu xí, còn không ít sự thất bại, thì sao? Có đạo đức không? Trái tim chúng ta có đau không?
Những cô cậu tuổi 18 đã viết xong những điều mình nghĩ vào hàng triệu trang giấy thi. Nhưng điều chúng ta thực sự khát khao trông đợi không chỉ là những dòng văn vẻ. Mà là thế hệ ấy thực sự được tin tưởng, trao gửi sứ mệnh lớn để đứng ra nhận lãnh và giải quyết những gì mà lớp cha anh đã thất bại, còn chưa làm được. Để những người trẻ không còn đứng “ngoài xa” trước vận mệnh đất nước.