TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

Ngỡ ngàng bị phạt thuế; ôm chăn chiếu, xếp hàng mua vàng cả đêm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Xác minh việc doanh nghiệp Việt phá giá gạo xuất khẩu; kho chứa tiền giờ để không; quyết toán thuế thu nhập cá nhân, quá nhiều vướng mắc, phát sinh; cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước giậm chân tại chỗ; ngỡ ngàng với hai giá vàng... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Phó Thủ tướng: Xác minh việc doanh nghiệp Việt phá giá gạo xuất khẩu

Trong văn bản Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình báo chí phản ánh để có giải pháp xử lý phù hợp. Trường hợp vượt thẩm quyền, các bộ, ngành cần báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.

Ngỡ ngàng bị phạt thuế; ôm chăn chiếu, xếp hàng mua vàng cả đêm ảnh 1
Doanh nghiệp Việt vừa trúng thầu các lô gạo xuất sang Indonesia với giá thấp hơn nhiều so với các nước.

Trước đó, báo Tiền Phong có bài "Doanh nghiệp Việt phá giá, giành đơn xuất khẩu gạo?" phản ánh về việc một số doanh nghiệp Việt trả giá thầu thấp để trúng đơn hàng xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia.

Cụ thể, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố thông tin nhập khẩu gạo tháng 5 của nước này. Kết quả cho thấy trong số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời trúng thầu 2 lô với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu (giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn).

Công ty Thuận Minh (trúng thầu 30.000 tấn), là đơn vị có giá chào thấp nhất trong số các doanh nghiệp dự thầu (chỉ 564,5 USD/tấn). Nếu so giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố 587 USD/tấn, giá trúng thầu của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời thấp hơn đến 24 USD/tấn, còn Công ty Thuận Minh thấp hơn 22,5 USD/tấn.

Trong khi đó, khối lượng 60.000 tấn còn lại thuộc các doanh nghiệp sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar có giá trúng thầu từ 621,5 - 629 USD/tấn. Doanh nghiệp giảm giá gạo nhiều nhất so với giá chào thầu cũng chỉ 4 USD/tấn. Đối thủ xuất gạo lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan có mức giá chào thầu thấp nhất cũng 649 USD/tấn. Trong đó, hai doanh nghiệp Thái khác lần lượt có giá chào thầu là 656,5 và 658,5 USD/tấn.

Bộ trưởng Tài chính: Kho chứa tiền giờ để không

Chiều 14/6, tại Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt đối với đời sống xã hội, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc Bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.

“Trước đây Kho bạc Nhà nước có kho chứa tiền, xe chở tiền, nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho để không, xe thanh lý hết” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Ngỡ ngàng bị phạt thuế; ôm chăn chiếu, xếp hàng mua vàng cả đêm ảnh 2

Giao dịch không tiền mặt ngày càng phát triển (ảnh: Quang Định).

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện có hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Về chi ngân sách, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên cổng dịch vụ quốc gia. Hiện có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi ngân sách Nhà nước; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng liên thông; đẩy mạnh thu, chi ngân sách Nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt… Ngành Tài chính cũng chỉ đạo tổ chức giám sát an toàn an ninh mạng 24/7 để phát hiện và xử lý sớm các cuộc tấn công mạng.

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân: Quá nhiều vướng mắc, phát sinh

Sau kỳ quyết toán thuế TNCN năm 2023, cơ quan thuế gửi thông báo nộp bổ sung thuế TNCN do vượt mức thuế. Nhiều cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên, đã khấu trừ 10% thuế thu nhập bất thường nhưng tổng thu nhập vượt mức thuế suất này. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, một số cá nhân có số thuế phải nộp thêm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Ngỡ ngàng bị phạt thuế; ôm chăn chiếu, xếp hàng mua vàng cả đêm ảnh 3
Người dân làm thủ tục tại cơ quan thuế. Ảnh minh họa: DT.

Trao đổi về việc nhiều cá nhân bị phạt chậm tiền nộp thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp người nộp thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp bị phát hiện, ngoài việc bị xử phạt nộp đủ tiền thuế thiếu, tiền chậm nộp còn bị xử phạt về hành vi khai sai.

“Sau khi thông báo tiền chậm nộp thuế, cá nhân không thực hiện, cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp như đề xuất cấm xuất cảnh. Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép người nộp thuế nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng. Người có 2 nguồn thu nhập cần chủ động rà soát, quyết toán thuế TNCN hằng năm, tránh tình trạng bỏ sót, rơi vào tình trạng bị phạt chậm nộp thuế”, đại diện Tổng cục Thuế khuyến nghị.

Bên cạnh bất cập trong quyết toán thuế TNCN, nhiều người gặp vướng mắc khi có tới 2 mã số thuế (MST) cá nhân. Chị Lê Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, năm 2022 khi làm thủ tục mua bán nhà, mới phát hiện có 2 MST cá nhân.

“Khi sử dụng số chứng minh thư nhân dân, tôi đã được cấp MST để quyết toán thuế hằng năm. Tuy nhiên, khi chuyển sang căn cước công dân, cơ quan thuế tiếp tục cấp thêm MST cá nhân mới. Do 2 MST cá nhân ở 2 chi cục thuế khác nhau nên tôi được hướng dẫn ra cơ quan thuế để đóng MST. Tôi mong cơ quan thuế có giải pháp đồng bộ thông tin để bớt thủ tục cho người có 2 MST như tôi”, chị Nhàn kiến nghị.

Theo số liệu của cơ quan thuế, đến nay cả nước có 75 triệu MST cá nhân. Trong đó, có 48 triệu MST cá nhân đã được đối chiếu, làm sạch; 27 triệu MST phải bổ sung thông tin. Tổng cục Thuế và Bộ Công an đang đối chiếu dữ liệu quản lý của cơ quan thuế và dữ liệu quản lý dân cư. Việc chuyển đổi tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc xác định nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Giá vàng nhẫn tăng vọt, xếp hàng từ đêm mua vàng ở ngân hàng

Sáng 16/6, giá vàng nhẫn tròn trơn tăng 450.000 đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch trước đó, lên mức 75,55 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji nâng giá vàng nhẫn tròn trơn lên mức 74,25 - 75,55 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào - bán ra so với cuối phiên giao dịch trước đó.

Tập đoàn Phú Quý cũng tăng giá vàng nhẫn tròn trơn 100.000 đồng/lượng, lên mức 74,1 - 75,4 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Giá vàng nhẫn tròn trơn vừa trải qua tuần tăng giá với mức 1,5 triệu đồng/lượng. Người mua vàng nhẫn tròn trơn tại doanh nghiệp được hẹn nhận vàng sau khoảng 10 ngày kể từ ngày thanh toán tiền.

Với vàng miếng SJC, các doanh nghiệp vàng và ngân hàng quốc doanh đồng loạt niêm yết giá 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Các ngân hàng tư nhân (như Eximbank, ACB, HDbank, Sacombank) giảm giá bán vàng SJC về mức tương tự. Sau khi niêm yết giá vàng miếng bán ra cao hơn giá bình ổn 4-5 triệu đồng/lượng.

Trước đó, ngày 13/6, các doanh nghiệp vàng và ngân hàng quốc doanh đồng loạt niêm yết giá vàng SJC 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Tuy nhiên, chỉ có 4 ngân hàng quốc doanh có vàng SJC bán cho người dân, tất cả doanh nghiệp vàng đều hết vàng SJC bán ra.

Ngỡ ngàng bị phạt thuế; ôm chăn chiếu, xếp hàng mua vàng cả đêm ảnh 4
Người dân xếp hàng trước cổng chi nhánh ngân hàng Agribank (phố Vũ Trọng Khánh, quận Hà Đông).

Điều này khiến người dân từ nhiều nơi đổ về Hà Nội, TPHCM... xếp hàng từ 9h tối hôm trước, xuyên đêm mong được sở hữu vàng miếng tử các ngân hàng.

Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước giậm chân tại chỗ

Theo kế hoạch Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2022-2025, cả nước phải thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp. Trong 2 năm đầu của giai đoạn này (2022-2023), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chưa có doanh nghiệp nào hoàn thành cổ phần hóa.

Ngỡ ngàng bị phạt thuế; ôm chăn chiếu, xếp hàng mua vàng cả đêm ảnh 5
Giai đoạn 2022-2025, cả nước phải thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp (ảnh minh hoạ: VGP).

Trong số 19 doanh nghiệp được phê duyệt kế hoạch cổ phần hoá, đến nay có 5 doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc; 14 doanh nghiệp vẫn đang triển khai các bước chuẩn bị thực hiện.

Các doanh nghiệp gặp vướng mắc với nhiều lý do khác nhau. Như công ty TNHH MTV Ứng dụng và phát triển công nghệ NEAD (Bộ Khoa học và Công nghệ) vướng mắc về xác định phương án sử dụng đất. Một số doanh nghiệp khác phải thực hiện xử lý các tồn tại về tài chính, tài sản, đang triển khai sắp xếp nhà đất…

Với 5 doanh nghiệp được phê duyệt sắp xếp lại, 3 doanh nghiệp đã hoàn thành việc sáp nhập. Hai doanh nghiệp đang triển khai phương án sắp xếp lại (1 doanh nghiệp giải thể và 1 doanh nghiệp sáp nhập).

MỚI - NÓNG
Ngâm mình trong bùn lầy giúp người dân
Ngâm mình trong bùn lầy giúp người dân
TPO - Hàng trăm tình nguyện viên ra quân hỗ trợ khơi thông dòng chảy thủy lợi tại Bàu Tre (thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Đây là một trong những hoạt động trong chiến dịch Tình nguyện hè tại địa bàn trọng điểm huyện Hòa Vang.