Ông Nguyễn Như Công - Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Hoài Văn |
Chiều 5/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo về tình hình KT-XH quý III. Ông Nguyễn Như Công – Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, cùng tham gia có lãnh đạo các ban, ngành.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam thông tin tình hình KT-XH 9 tháng. |
Nhiều vấn đề nóng được đề cập, như quản lý, giám sát an toàn thực phẩm sau vụ 313 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An; ngăn chặn tình trạng sâm Ngọc Linh giả; xử lý kỷ luật, miễn nhiệm các chức vụ và tư cách đại biểu HĐND tỉnh đối với cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân…
Ông Huỳnh Thuận - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam trả lời báo chí về giám sát ATVSTP sau vụ ngộ độc do ăn bánh mì Phượng. |
Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Phượng ở Hội An khiến 313 người nhập viện. Từ vụ việc này, nhà chức trách đặt vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương như thế nào? Các giải pháp nào để ngăn không để xảy ra những trường hợp tương tự? Trách nhiệm của ngành y tế đến đâu trong vai trò quản lý, giám sát?
Ông Huỳnh Thuận - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho rằng, nguy cơ mất ATTP vốn thường trực trong cuộc sống. Sở Y tế là cơ quan thường trực đã xây dựng kế hoạch đảm bảo ATVSTP trong toàn tỉnh.
“Với vụ ngộ độc bánh mì Phượng, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt hành chính tổng số tiền 96 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng. Riêng về trách nhiệm liên quan vụ ngộ độc thì theo quy định đơn vị cấp phép về vệ sinh ATTP cho chủ hộ kinh doanh này là thành phố Hội An, do đó nếu quá trình cấp phép không đúng thì trách nhiệm thuộc về TP Hội An. Còn trong quá trình giám sát định kỳ và đột xuất, nếu phát hiện vi phạm mà bỏ qua thì trách nhiệm làm rõ trách nhiệm của đơn vị giám sát”, ông Thuận nói.
Ông Nguyễn Như Công – Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định từ vụ việc này cơ quan chức năng cũng tăng cường hơn nữa trong quản lý, giám sát để không xảy ra những vụ việc tương tự.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Nam khẳng định không xảy ra tình trạng lạm thu tại các trường học trên địa bàn. |
Liên quan đến việc Quảng Nam dừng chi 150 tỷ đồng mua sữa học đường cho trẻ miền núi, đại diện Sở GD&ĐT cho biết HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết mới thay thế. Cụ thể, là nghị quyết hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ năm học 2023 – 2024 đến hết năm học 2025 – 2026.
“Về cơ bản đối tượng được hưởng giống với các đối tượng quy định như thực hiện Nghị quyết 17 trước đó, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện sẽ dễ dàng hơn vì quy chuẩn sữa thì chỉ cần trẻ uống sữa dạng lỏng. Nguyên nhân khiến việc chậm và sau đó dừng triển khai Chương trình sữa học đường trước đó là do không tìm được quy chuẩn về sữa để triển khai đấu thầu. Việc triển khai nghị quyết mới sẽ đảm bảo thực hiện được khi khắc phục được vướng mắc này”, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nói.
Về tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm, ông Nam khẳng định: Qua theo dõi, Quảng Nam chưa phát hiện tình trạng chèn các môn kỹ năng liên kết bên ngoài vào thời khóa biểu của môn chính. Về vấn đề lạm thu, ngay khi bước vào năm học mới Sở đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh thu và lạm thu trong nhà trường, các khoản phí khác theo quy định. Qua kiểm tra chưa có xảy ra tình trạng lạm thu tại các trường học trên địa bàn.
Thượng tá Hà Thế Xuyên - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh thông tin vấn đề kiểm soát chất lượng sâm Ngọc Linh. |
Thượng tá Hà Thế Xuyên - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh cho hay, trong 9 tháng, công an đã khởi tố 1 vụ với 1 bị can về tội trốn thuế liên quan sâm Ngọc Linh; khởi tố 1 vụ với 2 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan lừa đảo bán hạt sâm Ngọc Linh giả, xử phạt hành chính 2 vụ bán sâm không rõ nguồn gốc, xử phạt liên quan trốn thuế với 3 công ty tại huyện Nam Trà My.
Về ngăn chặn tình trạng sâm giả, hiện chưa có quy chuẩn xác định sâm Ngọc Linh, cho nên không biết sâm nào là sâm thật, sâm giả hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài.
Trả lời về việc vì sao chưa xử lý kỷ luật, miễn nhiệm các chức vụ và tư cách đại biểu HĐND tỉnh đối với ông Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Như Công cho biết, sau khi TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm, ông Trần Văn Tân đang kiến nghị xem xét lại bản án. Việc xử lý, kỷ luật ông Trần Văn Tân còn phải chờ kết luận của Đoàn Kiểm tra Trung ương. Sau khi có quyết định xử lý kỷ luật của Trung ương thì tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm đối với các chức danh của ông Tân do HĐND tỉnh Quảng Nam bầu.