Định mệnh
Năm 2006, thầy Lê Văn Tùng (giáo viên Giáo dục Thể chất, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) quây một đoạn sông Rác (nằm ở ranh giới huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên), dạy bơi cho con em quê mình.
Thầy Tùng sinh năm 1977, quê Cẩm Trung, Cẩm Xuyên. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, năm 2005, thầy về công tác tại trường Cẩm Trung.
Câu chuyện mở lớp dạy bơi của thầy cứ như định mệnh. “Năm lên 9, mình đi chăn bò bị ngã xuống sông Rác. Lúc đó có một người phụ nữ đang gặt lúa ở bờ sông thấy vậy đã kêu cứu: “Con ơi, cứu nó…”. Thế là, con bò bơi lại gần, mình nắm đuôi và nó kéo mình lên bờ... Sau này mình mới biết, người phụ nữ đó có con trạc tuổi mình bị chết đuối cũng ở đoạn sông này… Câu chuyện ám ảnh mình tận bây giờ. Khi về làm thầy giáo ở quê, mình quyết định mở lớp dạy bơi cho trẻ con. Vừa là tâm huyết nhưng có cái gì đó như duyên nghiệp”, thầy tâm sự.
Nhà thầy có bốn anh chị em, ba người làm nông. Nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ già yếu, kinh tế khó khăn nên khi mở lớp bơi miễn phí thầy bị người ta gọi là “hâm”. Tính thầy hiền, thật thà, cục mịch, hay cười. “Hồi đi học cho đến giờ Tùng cứ hiền hiền, dại dại thế nào ấy. Mà cũng hâm lắm, 37 tuổi mới lấy được vợ. Ai cũng tưởng ế”, người bạn học cùng cấp ba nói. Người này nói thêm: “Gọi Tùng “hâm” chẳng oan, cứ trên mây trên mưa. Thời buổi này, làm cái gì không sinh tiền dễ bị người ta nghi không bình thường. Nhưng mà người nào cũng khôn lanh lấy ai làm việc hồn nhiên như Tùng”.
Lớp học bơi của thầy Tùng. Ảnh: Nguyễn Trần.
Thời đó, nghe tin thầy mở lớp dạy bơi, chính quyền thôn, xã lo sốt vó, còn một số thanh niên vùng biển được dịp trêu chọc. “Họ nói, “người rừng (thầy Tùng không ở gần biển) dám mở lớp dạy bơi cho người biển à?”. Mình nói, “các anh chọn ra người bơi giỏi nhất, chúng ta thi. Tôi thắng, các anh để tôi mở lớp. Thua, tôi sẽ từ bỏ ý định”. Cuộc thi đó, mình thắng”, thầy nhớ lại.
Tuy là quây khúc sông Rác dạy bơi nhưng các yếu tố kỹ thuật an toàn đều được thầy thực hiện bài bản. Dần dà, thanh niên địa phương cũng xắn tay phụ giúp thầy trông coi lớp, đảm bảo an toàn cho các em. “Khi mở lớp, mình nghĩ, nếu sơ sảy, dù một lần cũng không bao giờ sửa được, nếu con họ chết đuối mình sẽ bị oán cả đời, nên cực kỳ cẩn thận. Ngoài chuyên môn học ở đại học, mình còn tham gia các lớp tập huấn, rồi tự học nữa, nên rất tự tin”, thầy nhớ lại.
Lớp học bơi tạo được sự yên tâm nên chủ tịch xã ký quyết định thành lập Câu lạc bộ bơi lặn trẻ, có cán bộ xã Đoàn, Huyện Đoàn cùng vào cuộc. Sau 10 năm, 3.500 trẻ đã biết bơi. “Mười năm qua, các lớp học của mình an toàn tuyệt đối”, thầy nói.
Tiếp sức
Ngày 31/7, tôi gọi thầy hỏi chuyện dạy bơi. Thầy cho biết, từ khi Formosa xả thải gây ô nhiễm, con sông này thông ra biển nên phụ huynh lo lắng, không cho con học nữa. Thầy đang lên thượng nguồn tìm chỗ. Khảo sát mấy hôm nay nhưng chưa đâu đáp ứng được. Đoàn xã, Huyện Đoàn cũng cử người tìm giúp. Hơn nữa mở lớp dạy bơi ở địa phương, chính quyền cũng e ngại, vì nếu xảy ra sự cố thì rất mang tiếng. Nên nếu có địa điểm thì cũng phải vận động, thuyết phục, cam kết... mới được làm. “Ngày nào còn có trẻ chưa biết bơi là ngày đó mình còn lo lắng. Quê mình bước chân ra khỏi nhà là ao hồ, sông suối, lại mưa lũ nhiều nên luôn lo lắng các em gặp nguy hiểm. Trong khi đó, chỉ một tuần là các em biết bơi. Thêm chút thời gian học cứu đuối nữa là yên tâm. Dạy được một em biết bơi là cứu được một em, dạy một em vừa biết bơi vừa có kỹ năng cứu đuối là cứu được nhiều em”, thầy khẳng định.
“Dạy được một em biết bơi là cứu được một em, dạy được một em vừa biết bơi vừa có kỹ năng cứu đuối là cứu được nhiều em”.
Thầy Lê Văn Tùng
Thầy cho rằng, có nhiều điều để các em học, nhưng không biết bơi là khiếm khuyết lớn của đời người, vì đó là chuyện mạng sống. Bơi là kỹ năng sinh tồn đối với bất cứ loài vật nào. Con nào rơi xuống nước chúng cũng đều bơi được. Chỉ con người là chết vì không biết bơi. Nhỏ như chuột, đến lớn như voi đều bơi được hết.
“Bơi là bản năng. Con người trong quá trình tiến hóa, phát triển lên phương thẳng đứng đã quên bản năng này. Học bơi là tìm lại bản năng bản gốc đã mất. Ai cũng nên đi học bơi…”, thầy khuyên.
Lớp học bơi của thầy được Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ các dụng cụ. Tuy nhiên, điều mà thầy mong muốn là xây dựng một bể bơi bốn mùa. Muốn, nhưng kinh tế thầy không khá giả. Hiện thầy có hai con và đứa thứ hai mới sinh ngày 24/7/2016, vợ tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng chưa có việc làm, nay “nhảy ổ” nuôi con nhỏ. Lương thầy vừa đủ trang trải cuộc sống gia đình. Ngoài giờ dạy, thầy làm việc đồng áng để kiếm thêm thu nhập.
Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh Nguyễn Thế Hoàn và thầy giáo Lê Văn Tùng trong một lần gặp ở thượng nguồn sông Rác.
Ngày 4/8, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh Nguyễn Thế Hoàn cho biết, rất thấu hiểu công việc của thầy Tùng. Anh Hoàn nói, cuối tháng năm vừa rồi có gặp thầy Tùng ở thượng nguồn sông Rác. Trước đó Tỉnh Đoàn cũng đã tôn vinh việc làm của thầy. Gặp nhau chưa nói được nhiều, nhưng hôm đó Bí thư Tỉnh Đoàn đã cởi chiếc áo Đoàn thanh niên tặng thầy Tùng, bày tỏ cảm kích trước hành động của thầy. Sắp tới Tỉnh Đoàn sẽ có các chương trình đồng hành, nhân rộng mô hình này ra các huyện trong tỉnh. “Tỉnh Đoàn đang có kế hoạch dài hơn, phổ cập bơi cho học sinh”, anh Hoàn nói.
Thầy Tùng coi việc dạy bơi cho các em nhỏ là nghiệp cả đời. Việc quây các khúc sông để mở lớp là “không có cách nào khác”, xây dựng bể bơi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn là việc thầy phấn đấu, hướng tới. “Có bể bơi bốn mùa để dạy bơi là ước mơ của mình. Các em được học trong điều kiện như vậy mới yên tâm được. Khi nào còn sức mình còn tiếp tục dạy và dạy miễn phí. Mình sẽ hiến đất để làm bể bơi nếu có ai đó đầu tư. Quản lý, vận hành bể bơi có thể do chính quyền địa phương hoặc huyện Đoàn đảm nhận…”.
Trên con đường thực hiện ước mơ của mình và cũng là mong muốn của cả xã hội trong nỗ lực chống đuối nước cho trẻ, hy vọng thầy Tùng có được nhiều hơn nữa sự ủng hộ, tiếp sức từ những người có tâm huyết. Trước mắt là tìm được địa điểm mới, mở lại lớp, vì ngày nào còn có trẻ chưa biết bơi thì ngày đó thầy còn nhiều nỗi lo.